Cơ hội cho bất động sản nghỉ dưỡng

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội thảo “Xung lực cho thị trường bất động sản (BĐS) du lịch - nghỉ dưỡng vùng duyên hải Bắc Bộ” tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, cơ hội cho BĐS du lịch nghỉ dưỡng phát triển rất lớn. Do vậy, các bộ, ngành cần sớm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đòn bẩy cho phát triển

Nhiều ý kiến chung nhận định, trước bối cảnh nền kinh tế xảy ra nhiều biến động thất thường, các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, ngoại tệ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro thì BĐS nghỉ dưỡng đã và đang được đánh giá là kênh đầu tư tiềm năng cùng với sự phát triển của ngành du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay. Vùng Duyên hải Bắc Bộ - đặc biệt là Quảng Ninh, Hải Phòng là vùng có tiềm năng du lịch rất lớn với đa dạng các loại hình: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mua sắm, du lịch tâm linh… Đây cũng chính là nguồn cung dồi dào cho cho thị trường BĐS.

Một khu du lịch nghỉ dưỡng tại tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Khải An
Một khu du lịch nghỉ dưỡng tại tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Khải An

PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, những biến động từ dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine…, đã tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch. Vùng duyên hải Bắc Bộ có đà tăng trưởng kinh tế rất mạnh kéo theo sức hấp dẫn về đầu tư. Trong đó, du lịch Quảng Ninh, Hải Phòng đang có nhiều lợi thế. Hiện hai địa phương này có cả trăm dự án du lịch nghỉ dưỡng, song cơ hội cho phát triển vẫn rất lớn.

Các chuyên gia nhận định, việc tự do di chuyển đã giúp thị trường du lịch nội địa nóng trở lại. Cùng với đó, việc mở cửa đường bay quốc tế vào tháng 3 vừa qua và đi kèm “hộ chiếu vaccine” là cơ hội vàng để ngành du lịch Việt Nam trở lại với sức bật mới. Sự phục hồi của ngành du lịch được kỳ vọng trở thành đòn bẩy, giúp thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng bớt u ám.
Theo báo cáo “Tâm lý người tiêu dùng BĐS Việt Nam năm 2022”, nhu cầu sở hữu nhà ở của người Việt Nam rất cao, nhất là sau đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, trong khảo sát đưa ra thông tin rằng 61% người được khảo sát mong muốn sở hữu BĐS có không gian xanh, sân vườn. Dự báo, giai đoạn năm 2022 - 2025, bên cạnh những phân khúc BĐS truyền thống sẽ có sự nổi lên của những BĐS nghỉ dưỡng, sinh thái. Và xu hướng này càng hình thành rõ hơn khi nhiều DN BĐS lớn trong những năm gần đây đã có danh mục các dự án quy mô lên đến hàng nghìn héc ta và vốn đầu tư vài tỷ USD. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong những năm tiếp theo.

"Các tổ chức quốc tế đều đánh giá, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển" - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính thông tin.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc

Mặc dù có tiềm năng phát triển mạnh song theo các chuyên gia, pháp luật về kinh doanh BĐS du lịch ở Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện. Khung pháp lý còn chưa theo kịp so với hiện thực phát triển của lĩnh vực BĐS du lịch nên phần nào cản trở xung lực tăng trưởng của loại hình này.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, BĐS du lịch đang phải "phá rào" để phát triển. Hiện nay, cơ chế, chính sách với các loại hình BĐS nghỉ dưỡng vẫn chưa rõ ràng, nhất là ở phân khúc căn hộ condotel. Loại hình BĐS này vẫn chưa được cấp sổ đỏ, dễ gây rủi ro cho nhà đầu tư trong việc kinh doanh, sử dụng. "Do đó, cần có cơ chế rõ ràng, minh bạch để thúc đẩy sự phát triển của loại hình BĐS du lịch nghỉ dưỡng, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và nhà phát triển" - ông Nguyễn Mạnh Hà bày tỏ.

Trong khi đó, đứng từ góc nhìn của DN, Tổng Giám đốc DTJ Group Trần Thị Thu Hiền cho rằng, BĐS nghỉ dưỡng liên quan đến du lịch, trong khi kinh doanh du lịch, khách sạn lại là loại hình kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, theo bà Hiền, nếu Luật Đất đai không giải quyết rõ giữa nhà ở thương mại và đất thương mại dịch vụ và cho nhà đầu tư quyền kinh doanh thì kể cả đất được định danh cũng không thể xin được giấy phép kinh doanh. "Lúc đó, kinh doanh du lịch trên mảnh đất sở hữu lại là sai mục đích, vi phạm luật pháp. Trong khi đó, việc kinh doanh tự phát như vậy hiện nay xuất hiện rất nhiều, thể hiện ở các dịch vụ homestay, hometel..." - bà Trần Thị Thu Hiền bày tỏ.

Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Khởi cho hay, các hình thức phát triển của BĐS du lịch nghỉ dưỡng ngày càng đa dạng nên phương pháp quản lý cũng phải đa dạng. Đại diện Bộ Xây dựng thông tin thêm, một số luật về đất đai, xây dựng, nhà ở đang được các bộ chức năng sửa đổi, bổ sung. Trong đó, về cơ sở pháp lý và vướng mắc đối với BĐS du lịch nghỉ dưỡng cũng sẽ được Bộ Xây dựng kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, để thị trường phát triển lành mạnh.

 

"Việc cấp sổ đỏ cho condotel phải quy định bằng luật, Nghị định chứ không thể chỉ đưa ra một văn bản công bố. Đồng thời, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS cần thông qua cùng một lúc với Luật Đất đai. Luật Đất đai còn liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho condotel, officetel, vì vậy sửa Luật Đất đai là điều kiện tiên quyết để sửa các luật còn lại." - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Khởi

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần