Cơ hội đầu tư cổ phiếu đi cùng quản trị rủi ro trong tháng 7

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 7 là tháng cao điểm công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm của các nhóm ngành. Trong đó, một số nhóm ngành vẫn được dự đoán tăng trưởng lợi nhuận khả quan, là cơ hội đầu tư cổ phiếu.

Tháng 6 thăng hoa
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), kết thúc tháng 6, chỉ số VN-Index đạt mức 1408,55 điểm, tăng 6,06% so với tháng 5/2021 và tăng 27,6% so với cuối năm 2020.
Đáng chú ý, thanh khoản trên thị trường trong tháng 6 cũng ghi nhận đà tăng khá mạnh ở cả giá trị và khối lượng giao dịch. Thanh khoản bình quân mỗi phiên trong tháng 6 đều đạt trên tỷ USD, tương đương khoảng trên 23.680 tỷ đồng, tăng 7,94% về giá trị và tăng 4,73% về khối lượng so với tháng 5. Tổng giá trị giao dịch cổ phiếu trong tháng đạt trên 520.953 tỷ đồng và khối lượng 16,17 tỷ cổ phiếu, tương ứng tăng 18,74% về giá trị và tăng 15,2% về khối lượng so với tháng trước.
 Tăng trưởng điểm số của VN-Index trong tháng 6 đã đưa hệ số định giá P/E năm 2021 của chỉ số từ mức 16,19 lần vào thời điểm cuối tháng 5 lên mức 17,08 lần vào ngày 2/7.
Giá trị giao dịch bình quân trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt trên 19.639 tỷ đồng/phiên, khối lượng giao dịch bình quân đạt 704,06 triệu cổ phiếu/phiên, tương đương tăng 198,44% về giá trị và tăng 106% về khối lượng so với mức thanh khoản năm 2020. Phiên giao dịch cao nhất về thanh khoản là ngày 4/6, với giá trị giao dịch lên tới trên 30.728 tỷ đồng trên HOSE.
Tính chung, 6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị giao dịch trên HOSE đạt 2,22 triệu tỷ đồng, với trên 82,62 tỷ cổ phiếu, tăng 282,39% về tổng giá trị và tăng 139,71% về tổng khối lượng so với cùng kỳ năm 2020.
Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch trong tháng 6 đạt trên 79.321 tỷ đồng, chiếm 7,46% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Khối ngoại đã bán ròng hơn 4.198 tỷ đồng, giảm 63,37% so với tháng 5. 6 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 29.875 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Tháng 7 tận dụng cơ hội đi cùng quản trị rủi ro
Tháng 7 là tháng cao điểm công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm với tăng trưởng lợi nhuận khả quan được dự đoán vẫn ghi nhận ở các nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao trong rổ VN30 như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán và thép.  Tăng trưởng điểm số của VN-Index trong tháng 6 đã đưa hệ số định giá P/E năm 2021 của chỉ số từ mức 16,19 lần vào thời điểm cuối tháng 5 lên mức 17,08 lần vào ngày 2/7. Chuyên gia của Công ty chứng khoán SSI cho rằng: Định giá thị trường đã phản ánh một phần mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực của doanh nghiệp trong quý 2 và nửa đầu năm. Sự chọn lọc sẽ mang lại hiệu quả đầu tư cao và nhóm VN30 đang có lợi thế hơn thị trường chung về mặt cơ bản lẫn từ tín hiệu kỹ thuật.
 Xu hướng thị trường vẫn tăng, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng trong đầu tư đi kèm với quản lý rủi ro.

Trong nửa cuối năm 2021, chống dịch đảm bảo hoạt động sản xuất được thông suốt là yếu tố quan trọng nhất nhằm đảm bảo kinh tế tăng trưởng vững trong quý 3 và quý 4. Xuất khẩu dự kiến tiếp tục là điểm sáng trong nửa cuối năm, nhờ vào việc các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU mở cửa lại với nhu cầu tiêu dùng dự kiến tăng mạnh sau dịch. Áp lực lạm phát dự kiến sẽ cao hơn nửa đầu năm khi chỉ số giá sản xuất tăng 4,96% trong quý 2.
Tuy nhiên, SSI cho rằng trong năm 2021 lạm phát sẽ được kiểm soát theo đúng mục tiêu của Chính phủ ở mức dưới 4% và thậm chí có thể ở mức thấp hơn. Do đó khả năng chính sách thắt chặt được thực thi trong thời gian tới là rất thấp.
Theo Ngân hàng Nhà nước, chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành theo hướng linh hoạt, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Do vậy, nửa cuối năm 2021 có thể lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 0,5%, là một mức tăng không đáng kể.
Động lực từ nhóm VN30 có thể thúc đẩy chỉ số VNIndex hướng đến các vùng mục tiêu tiếp theo lần lượt là 1.450 và 1.480 điểm nhờ sự hỗ trợ của tăng trưởng kết quả kinh doanh quý 2.
Mặc dù vậy, SSI vẫn khuyến cáo nhà đầu tư nên có chiến lược quản trị rủi ro trong giai đoạn này. Bởi TTCK Việt Nam sẽ phải đối diện với một số rủi ro tiềm ẩn trong giai đoạn 6 tháng cuối năm như: Áp lực lạm phát cao hơn, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận có thể không còn mạnh trong quý 3 và quý 4 do ảnh hưởng Covid-19 kéo dài, chi phí đầu vào tăng làm thu hẹp biên độ tăng lợi nhuận cũng như hết hiệu ứng so sánh trên nền thấp của cùng kỳ 2020.