Chiều 6/2, Hội nghị an ninh Munich (MSC) thường niên lần thứ 51 đã khai mạc tại thủ phủ Bavarian, Đức với sự tham dự của hơn 400 quan chức trong đó có 20 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, 50 bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrovcao cấp thuộc các giới chính trị, kinh tế và quân sự.
Diễn đàn Davos về an ninh Được khởi xướng cách đây 52 năm, Hội nghị An ninh Munich (MSC) đã trở thành diễn đàn thường niên, quy tụ nhiều nhà lãnh đạo, chuyên gia hàng đầu thế giới nhằm bàn thảo về các hồ sơ nóng toàn cầu. Do được tổ chức vào đầu năm nên quan điểm của lãnh đạo các quốc gia tại hội nghị được coi là định hướng chính sách ngoại giao, quốc phòng quan trọng, chi phối chính trường thế giới suốt cả năm. Trong lịch sử của MSC, không thể không nhắc đến vai trò của Von Kleist - người duy nhất sống sót trong thành phần các sĩ quan Đức tham gia ám sát trùm phát xít Adolf Hitler. Không chỉ là người đã kiến tạo, đặt nền móng cho sự hình thành của MSC, ông còn là người chèo lái Diễn đàn này từ khi ra đời đến năm 1997. Người kế nhiệm Horst Teltschik trong quá trình dẫn dắt MSC gần 10 năm (1999 – 2008) đã có những thay đổi quan trọng khi mở rộng diện thành viên tham gia gồm giới chức chính trị, quân sự, DN từ Trung và Đông Âu. Nhờ sự đổi mới này mà từ chỗ chỉ có 60 đại biểu tham gia, đến nay, trung bình mỗi năm, hội nghị Munich thu hút khoảng 350 nhân vật cấp cao đến từ hơn 70 quốc gia trên thế giới. Cuộc đối đầu của những đồng minh Đúng như tên gọi “Diễn đàn Davos về an ninh”, MSC từ nhiều năm qua đã chứng kiến sự tiếp nối cạnh tranh mạnh mẽ tại Diễn đàn Davos về kinh tế và Diễn đàn Davos về biến đổi khí hậu giữa các quốc gia có sự khác biệt trong quan điểm và mâu thuẫn lợi ích. Thậm chí, công chúng không ít lần được chứng kiến các cuộc đối đầu và tranh cãi nảy lửa giữa những quốc gia là đồng minh của nhau. Tại MSC 39, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld đã có dịp đấu khẩu với Ngoại trưởng Đức và nữ Bộ trưởng Quốc phòng Pháp. Sau khi ông Rumsfeld dõng dạc tuyên bố với cử tọa rằng “con đường ngoại giao hầu như đã bị bế tắc, các biện pháp cấm vận kinh tế đã thất bại trong việc buộc Iraq phải giải giáp, vậy thì lựa chọn cuối cùng chỉ có thể là chiến tranh. Một số đông các nước đã tuyên bố sẵn sàng liên minh với chúng tôi và càng ngày càng có nhiều nước ủng hộ chúng tôi” thì Ngoại trưởng Joschkar Fischer đã phản ứng ngay bằng cách đang phát biểu bằng tiếng Đức, ông đã chuyển sang tiếng Anh, nhấn mạnh từng chữ: “Xin lỗi, ông chưa thuyết phục được tôi”. Khi đề cập đến chuyện động binh đánh Iraq, ông Fischer nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Tại sao phải đánh ngay lúc này? Có phải chúng ta đang ở trong tình thế buộc phải dùng tới vũ lực?”. Hỏi rồi ông trả lời luôn: “Chưa phải lúc”. Ông này còn hỏi cắc cớ: “Mỹ sẽ phải chiếm đóng Iraq nhiều năm liền, liệu người dân Mỹ đã sẵn sàng cho chuyện đó chưa?”. Trước giọng điệu của ông Rumsfeld, bà Michèle Alliot – Marie - Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, nối tiếp phát biểu của Ngoại trưởng Đức đưa ra lời cảnh báo: “Liên minh kiểu như ông Rumsfeld nói là liên minh tình thế, nó rất dễ tan rã và không thể thay thế liên minh đích thực”. Trong khi ông Rumsfeld biện minh cho kế hoạch gây chiến với Iraq của Mỹ, thì bên ngoài hội nghị, khoảng 20.000 người dân Munich biểu tình phản đối Mỹ. Cảnh báo về sự sụp đổ của trật tự toàn cầu Năm nay, với sự xuất hiện của nhiều hồ sơ nóng toàn cầu, Munich trở thành cơ hội vàng để các nhà lãnh đạo toàn cầu bàn thảo và tìm ra cách giải quyết những thách thức từ sự trỗi dậy của IS, cuộc xung đột tại Ukraine và sự sụp đổ của “trật tự toàn cầu”. Đặc biệt, sự hiện diện của Thủ tướng chủ nhà Angela Merkel lần đầu tiên sau 4 năm qua cho thấy tầm quan trọng của Hội nghị vẫn được gọi là “Diễn đàn Davos về an ninh”. Nhà ngoại giao kỳ cựu của Đức Wolfgang Ischinger – người đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch MSC cho rằng, trật tự thế giới đang bị lung lay do những căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây, sự bùng nổ chưa từng có các cuộc khủng hoảng toàn cầu, cũng như sự bất lực của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn chúng. Theo chương trình nghị sự, trong 2 ngày làm việc (6 - 8/2), MSC thảo luận các vấn đề nóng, như cuộc chiến ở Syria, người tị nạn ở châu Âu, sự bùng nổ của dịch bệnh Ebola, khủng bố trên internet...