Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Áp lực thuế đối ứng của Mỹ

Cơ hội kinh tế Việt Nam chuyển mình

Kinhtedothi - Thông tin ban đầu, từ 0 giờ ngày 9/4 (giờ Mỹ), thuế đối ứng áp dụng với hàng chục đối tác thương mại lớn của Mỹ sẽ được nâng lên, từ mức chung 10% lên 11 - 84%. Sau đó, cùng ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tạm dừng áp thuế trong 90 ngày đối với các quốc gia không trả đũa, tạm thời hạ mức thuế quan cao đối với hầu hết các đối tác thương mại xuống mức cơ bản là 10%, đồng thời tăng thuế suất đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 125%. Dù đứng trước khả năng Mỹ sẽ áp thuế như thế nào đi nữa, đây sẽ là lúc Việt Nam chuyển mình, đẩy nhanh các hiệp định thương mại tự do, cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh...

Doanh nghiệp tìm cách xoay xở

Chính sách thuế đối ứng mới của ông Trump được các DN đánh giá bất ngờ và vượt xa dự báo trước đây.

Dệt may là mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, với kim ngạch hơn 16 tỷ USD, chiếm 35 - 40% thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ tăng đều đặn, từ năm 2015 đến nay.

“Trong ngắn hạn, xuất khẩu dệt may đi Mỹ sẽ giảm, kỳ vọng đàm phán của Chính phủ hiện nay và những xoay chuyển của các DN trong ngành sẽ giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, chúng ta không quá bi quan khi trong lần này Mỹ đánh thuế với tất cả các nước. Nên theo nghiên cứu của Tập đoàn Dệt may lần này ít có sự dịch chuyển về chuỗi cung ứng như lần đầu, các nước khác cũng chịu mức thuế cao, chỉ đơn hàng nhỏ” - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Hoàng Mạnh Cầm chia sẻ.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Lê Hằng cho biết, ngay sau khi nhận thông tin Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, các DN trong ngành thủy sản như "ngồi trên đống lửa”. Các DN thủy sản Việt Nam thường sử dụng phương thức giao hàng CIF - chịu toàn bộ chi phí vận tải, bảo hiểm và thuế trước khi giao hàng cho đối tác - do đó, mức thuế mới của Mỹ tác động trực tiếp lên các DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

“VASEP đề nghị chính quyền hai nước đàm phán không áp mức 46% lên tất cả các mặt hàng, cần tách riêng mức thuế áp dụng cho từng mặt hàng theo danh mục hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ với mức thuế tương ứng” - bà Hằng nói.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài, chia sẻ: mặc dù các DN Việt Nam cũng đang nỗ lực nhập nguyên liệu gỗ từ Mỹ (đứng thứ 2 thị phần xuất khẩu gỗ của Mỹ) nhưng vẫn còn khá khiêm tốn, kim ngạch nhập gỗ tròn và gỗ xẻ chỉ khoảng 300 - 400 triệu USD.

"Trong năm 2024, mặt hàng tủ bếp, bàn trang điểm (chiếm kim ngạch xuất khẩu đến 2,4 tỷ USD) cũng không bị áp thuế và vụ việc này cũng đã được đình chỉ điều tra. Các đoàn thanh tra của Mỹ đã kiểm tra thực địa tại chỗ và đều kết luận ngành gỗ Việt Nam không có hành vi lẩn tránh thuế. Vì thế, khi mức thuế 46% được công bố, các DN ngành gỗ rất hoang mang, nhưng chúng tôi đều động viên nhau phải bình tĩnh" - ông Hoài nói.

Chế biến thủy sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Phạm Hùng

Để thích nghi với tình thế mới, nhiều DN đã lên kế hoạch ứng phó. “Chúng tôi nhận thấy có tiềm năng khai thác sâu thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, EU. Đặc biệt, Hàn Quốc còn dư địa khá lớn, mới đây có thêm thị trường Brazil cũng tuyên bố mở cửa cho tôm và cá của Việt Nam. Nhưng tất cả đều cần phải có thêm thời gian, còn trước mắt sẽ cần các gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ” - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) Nguyễn Hoài Nam kiến nghị.

Các DN đều thể hiện mong muốn Chính phủ nhanh chóng vào cuộc để thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường tiềm năng khác như thị trường EU, Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi,... tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật nhằm đạt mục tiêu vượt qua những thách thức, biến động của thị trường toàn cầu.

“Chính sách thương mại của Tổng thống Trump, dù chưa tác động trực tiếp do còn chờ đàm phán, là hồi chuông cảnh báo buộc các ngành phải chủ động tháo gỡ các nút thắt chiến lược” - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang chia sẻ.

Chiến lược đa chiều, đối thoại bền bỉ

Chính sách thuế đối ứng của ông Donald Trump khiến thế giới chao đảo một tuần qua. Để giảm thiểu tác động từ thuế nhập khẩu, các quốc gia ngay lập tức tung chính sách hỗ trợ trong nước, đồng thời tìm cách đàm phán với Mỹ. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, đến nay gần 70 quốc gia đã tiếp cận nước này với mong muốn điều chỉnh cán cân thương mại.

Đối với Việt Nam, nhiều dự báo cho thấy chính sách thuế mới từ Mỹ sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến 5 nhóm ngành chính như điện tử, dệt may, da giày, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cũng như nông -thủy - hải sản, thép và nhôm. Những ngành hàng này chiếm tới 64,3% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong năm 2024.

Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính Mai Sơn nhận định, việc Mỹ tăng thuế không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các DN Việt Nam, mức thuế này còn tác động gián tiếp đến chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), giảm kim ngạch xuất khẩu mà còn đe dọa mục tiêu tăng trưởng GDP 8% của Việt Nam trong năm 2025. Cùng với đó, chính sách thuế mới của Mỹ sẽ khiến tỷ giá VND với USD chịu áp lực cao.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

Đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng vị thế mạnh mẽ với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng hàng hóa. Với các DN, song song với mở rộng thị trường, DN cần đẩy mạnh chuyển đổi số, sản xuất xanh và kinh tế tuần hoàn. Đây là các tiêu chí ngày càng khắt khe từ các thị trường lớn. Ngoài ra, chiến lược đào tạo nhân lực cũng là chìa khóa giúp DN thích ứng lâu dài.

Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á

Shantanu Chakraborty

Sau cú sốc tức thời, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi bình tĩnh và bản lĩnh khi ứng phó. Chính phủ Việt Nam đã chủ động giải quyết những quan ngại của Mỹ về cán cân thương mại ngay cả trước khi Mỹ công bố áp thuế gần đây. Trong đó phải kể đến những nỗ lực ngoại giao cấp cao và các động thái chính sách cụ thể như đơn phương cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm quan trọng của Mỹ chỉ vài ngày trước đó.

Mục đích không chỉ nhằm giải quyết các vướng mắc về thuế đối ứng mà còn là cơ hội để Việt Nam tìm kiếm các cơ hội và kêu gọi hợp tác đầu tư từ các DN Mỹ liên quan đến lĩnh vực công nghệ, dầu khí, an ninh quốc phòng và hàng không dân dụng.

Vẫn có những tín hiệu tích cực

Mặc dù năm 2025 được dự báo là năm rất khó khăn, và ngay từ những ngày đầu tháng 4 tiếp tục đối diện khó khăn, nhưng tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ sáng 6/4, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định quyết tâm không thay đổi mục tiêu tăng trưởng của năm 2025 là đạt từ 8% trở lên.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung, quý I/2025, công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 9,28%. Với kịch bản quý II, công nghiệp chế biến chế tạo tăng khoảng 10,1%. Bên cạnh đó, có nhiều giải pháp để khắc phục các chỉ tiêu đóng góp vào tăng trưởng chưa đạt yêu cầu như công nghiệp khai khoáng, sản xuất điện, khí đốt…

Chúng ta thực hiện các giải pháp để thúc đẩy dư địa hiện nay, đóng góp cho tăng trưởng như giải ngân vốn đầu tư công, tập trung thêm nữa vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ… Gắn với đó là thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế xanh… Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục cho người dân, DN, nghiên cứu thêm giải pháp hỗ trợ DN, bao gồm việc nghiên cứu chính sách thuế, phí, lệ phí; giảm lãi suất…

Với FDI, 3 tháng đầu năm, đã có gần 10,98 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng xấp xỉ 35% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, vốn thực hiện đã đạt 5,16 tỷ USD, gấp 5,1 lần cùng kỳ.

Lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh, mặc dù khó khăn, nhưng Bộ Tài chính đang thực hiện rất nhiều giải pháp, trong đó có làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư lớn để xúc tiến thực hiện, cụ thể hóa các dự án rất lớn về đầu tư nước ngoài. "Mục tiêu năm 2025 vẫn là vốn đăng ký khoảng 35 - 40 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 27 - 28 tỷ USD" - Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho hay.

Báo cáo thường niên Triển vọng Phát triển châu Á tháng 4/2025 của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB dự báo, lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm 2025, nhờ gia tăng du lịch trong nước và quốc tế cũng như các ngành công nghiệp công nghệ. Các biện pháp cấp thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá du lịch và sự công nhận của quốc tế đã thúc đẩy mức tăng trưởng này. Việc Chính phủ tập trung vào chuyển đổi số và phát triển bền vững sẽ mở ra những cơ hội mới, đặc biệt là trong các dịch vụ tài chính và bán lẻ.

Mặc dù thuế quan toàn cầu tăng, ADB cho rằng, nhu cầu đối với các hàng hóa nông sản và 3 hiệp định thương mại tự do sẽ giúp duy trì xuất khẩu. Đáng chú ý, ADB cho biết, doanh thu bán lẻ tăng trưởng, nhờ các biện pháp tiền tệ và tài khóa hỗ trợ.

Đặc biệt, ADB cho rằng cải cách thể chế toàn diện gần đây và nỗ lực tăng cường hiệu quả được xem là những bước đi tích cực để tinh gọn hoạt động của Chính phủ và thúc đẩy phát triển kinh tế. Nếu thành công, những cải cách này có thể tăng cường hiệu quả bằng cách cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện dịch vụ công, mở ra những cơ hội tăng trưởng mới và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế...

Trích dẫn
Trích dẫn 2

Con đường phía trước cần tới cách tiếp cận chiến lược đa chiều, gồm đối thoại bền bỉ và khéo léo, đa dạng hóa nhanh chóng các thị trường xuất khẩu, tiếp tục củng cố nền kinh tế nội địa, phát huy khả năng phục hồi mang ý nghĩa chiến lược mà Việt Nam đã thể hiện trong những giai đoạn khó khăn trước đây. Bằng cách ứng phó với giai đoạn này một cách chiến lược, Việt Nam có thể giảm thiểu tác động trước mắt và củng cố vị thế năng động của mình trong nền kinh tế toàn cầu.

Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế Trường Đại học RMIT - TS Đặng Thảo Quyên

Tạm hoãn áp thuế đối ứng: thời gian vàng để doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược kinh doanh

Tạm hoãn áp thuế đối ứng: thời gian vàng để doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược kinh doanh

Tâm thế mới của doanh nghiệp với mức thuế quan của Mỹ

Tâm thế mới của doanh nghiệp với mức thuế quan của Mỹ

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Kinh doanh sự nổi tiếng!

Kinh doanh sự nổi tiếng!

18 Apr, 03:22 PM

Kinhtedothi - Việc người nổi tiếng mở doanh nghiệp, tự xây dựng sự nghiệp kinh doanh riêng không còn là điều hiếm gặp, mà đã trở thành một xu hướng phổ biến trong thời gian gần đây. Nhưng đằng sau ánh hào quang và những chiến dịch truyền thông rầm rộ, có không ít câu chuyện đáng suy ngẫm.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ