Nguồn cảm hứng to lớn
Vừa qua, Hội đồng Thủ công Thế giới đã trao bằng công nhận làng nghề thủ công thế giới cho 2 làng nghề truyền thống của Hà Nội là: Gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và Dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông).
Đáng chú ý, trong 60 năm thành lập, Hội đồng Thủ công Thế giới mới công nhận cho 66 làng nghề trên toàn thế giới. Bát Tràng và Vạn Phúc của Hà Nội là các làng nghề thủ công thế giới thứ 67 và 68. Việt Nam cũng là quốc gia thứ 28 có làng nghề được vinh danh.
Tại lễ trao chứng nhận cho 2 làng nghề thủ công thế giới Bát Tràng và Vạn Phúc mới đây, Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới Saad al-Qaddumi cho biết, danh hiệu không chỉ là sự công nhận cho kỹ nghệ tinh xảo của 2 làng nghề kể trên, mà còn là niềm tự hào văn hóa của các nghệ nhân Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng.
Khi tôn vinh hai làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc, Hội đồng Thủ công Thế giới cũng đồng thời ghi nhận sự quyết tâm và nỗ lực nghệ nhân Hà Nội, của người dân Việt Nam, những người không chỉ gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn đưa các ngành nghề truyền thống lên một tầm cao mới trên bản đồ thế giới.
“Thành công của Bát Tràng và Vạn Phúc là nguồn cảm hứng to lớn cho các quốc gia khác, chứng minh rằng với sự đoàn kết, đầu tư và tâm huyết, các ngành thủ công không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực kinh tế và niềm tự hào văn hóa…” - ông Saad al-Qaddumi nhấn mạnh.
Tăng cường kết nối các làng nghề
Việc 2 làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc được Hội đồng Thủ công Thế giới công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới không chỉ là niềm tự hào mà còn là minh chứng cho nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, đáp ứng nhu cầu thời đại của TP Hà Nội. Điều này còn hứa hẹn mở ra những cơ hội phát triển mới cho các làng nghề.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội mới đây, Chủ tịch TP Rishtan (Uzbekistan) Bakhodir Kholikov bày tỏ ấn tượng với nét đẹp riêng có của các sản phẩm làng nghề Thủ đô, nhất là gốm sứ Bát Tràng và lụa Vạn Phúc. Ông Bakhodir mong muốn chính quyền hai thành phố sẽ tiếp tục duy trì kết nối để nghiên cứu hợp tác phát triển các làng nghề tại hai quốc gia.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, nhận thức sâu sắc về tiềm năng và giá trị của các làng nghề, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, trong đó khẳng định ưu tiên phát triển làng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống.
UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; phê duyệt Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách để bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô.
Trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội mong muốn tăng cường hợp tác với Hội đồng Thủ công Thế giới, nhất là trên các lĩnh vực bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch bền vững. Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo trong sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ, để các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế quốc tế và không ngừng vươn xa.
“Hội đồng Thủ công Thế giới cam kết tiếp tục đồng hành, hợp tác chặt chẽ với các làng nghề, Chính phủ và nghệ nhân Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, để xây dựng một cộng đồng thủ công toàn cầu, nơi tôn vinh truyền thống lâu đời nhưng cũng hướng tới một tương lai bền vững và thịnh vượng…” - Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới Saad al-Qaddumi.