Có một chứng tích đặc biệt như thế!

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Gần nửa thế kỷ qua, Khu Chứng tích Sơn Mỹ - nơi trưng bày hình ảnh, hiện vật và đặt tượng đài tưởng niệm 504 nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ đã trở thành điểm đến của khát vọng hòa bình.

Một sáng tháng 3 đầy nắng, Hà Trung Kiên (học sinh lớp 7, Trường THCS Lê Hồng Phong, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cùng thầy cô và các bạn đến thăm Khu Chứng tích Sơn Mỹ.

Hà Trung Kiên chăm chú ghi chép các thông tin về Khu Chứng tích Sơn Mỹ.
Hà Trung Kiên chăm chú ghi chép các thông tin về Khu Chứng tích Sơn Mỹ.

Lần đầu tiên đến đây, Kiên chậm rãi ghé thăm từng mái tranh, căn hầm, mộ tập thể, nền nhà loang lổ vết cháy... và cẩn thận ghi chép vào cuốn sổ tay nhỏ những thông tin được thuyết minh viên truyền đạt.

Không gian trầm lắng hẳn khi Kiên và bạn bè vào bên trong nhà trưng bày.  Chiếc mâm cũ lỗ chỗ vết đạn, tấm áo, đôi dép của một cháu bé, các loại bình đất, chum vại bị bắn thủng vỡ…, mỗi hiện vật mang trong mình một câu chuyện riêng, nhưng tất cả đều góp phần tái hiện cuộc sống của người dân Sơn Mỹ ở thời chiến.

Các học sinh thăm nhà trưng bày trong Khu Chứng tích Sơn Mỹ.
Các học sinh thăm nhà trưng bày trong Khu Chứng tích Sơn Mỹ.

“Không thể ngờ được từng xảy ra cảnh đau thương, mất mát như thế. Cầu mong thế giới không còn chiến tranh, không còn vụ thảm sát nào như ở Sơn Mỹ”- Kiên chia sẻ.

Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 3, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong Ca Văn Bê, lại đưa học trò của mình về Khu Chứng tích Sơn Mỹ để thắp nén hương tưởng niệm các nạn nhân. Dù đã nhiều lần ghé thăm, nhưng cảm xúc của thầy Bê vẫn nguyên vẹn như lần đầu. 

 

Khu Chứng tích Sơn Mỹ (hay Khu Chứng tích Mỹ Lai) được xây dựng vào năm 1976, nằm trên Quốc lộ 24B thuộc địa phận thôn Tư Cung (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), là nơi tưởng nhớ các nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ (còn được biết đến là vụ thảm sát Mỹ Lai). Nơi đây vào ngày 16/3/1968, quân viễn chinh Mỹ đã sát hại 504 thường dân vô tội, gồm 60 cụ già, 173 trẻ em, 182 phụ nữ, 89 trung niên. 

“Khó có nơi nào mang đến xúc động  sâu sắc như Khu Chứng tích Sơn Mỹ. Đến đây, tôi luôn trải qua những cảm xúc chân thật, cảm nhận những giây phút sinh tử, nhất khi nỗi đau thương của mỗi cá nhân đối diện với khát vọng lớn lao hơn về tự do, hòa bình dân tộc”- thầy Bê nói.

Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, Khu Chứng tích Sơn Mỹ là một khu chứng tích rất đặc biệt.

"Đặc biệt ở chỗ, đây là di tích thảm sát duy nhất tại Việt Nam còn giữ được những bức ảnh quan trọng, thể hiện tội ác chiến tranh"- ông Dũng nói.

Bộ ảnh thảm sát được trưng bày tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ.
Bộ ảnh thảm sát được trưng bày tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ.

Bộ ảnh ông Dũng nhắc đến có tổng cộng 60 bức ảnh (40 trắng đen và 20 ảnh màu) do phóng viên chiến trường Ronald L. Haeberle chụp lúc tác nghiệp cùng đơn vị lính Mỹ đi càn vào làng Mỹ Lai vào sáng ngày 18/3/1968. Hơn một năm sau, vào cuối năm 1969, bộ ảnh được Ronald công bố trên Tạp chí Life làm cả thế giới bàng hoàng.

Trong nhiều năm, Khu Chứng tích Sơn Mỹ sử dụng toàn bộ số ảnh đã được công bố trên Tạp chí Life để treo tại phòng trưng bày, như một bằng chứng xác thực nhất của vụ thảm sát.

Ngày 8/3 vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi thực hiện ký kết thỏa thuận về giấy phép sử dụng ảnh của ông Ronald L. Haeberle, làm cơ sở trưng bày lâu dài bộ ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ, phục vụ nhân dân, du khách và thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với thế hệ mai sau.

Tỉnh Quảng Ngãi ký kết thỏa thuận về giấy phép sử dụng ảnh của ông Ronald L. Haeberle.
Tỉnh Quảng Ngãi ký kết thỏa thuận về giấy phép sử dụng ảnh của ông Ronald L. Haeberle.

Việc ký kết thỏa thuận về giấy phép sử dụng ảnh của ông Ronald L. Haeberle là điều cần thiết giữa tác giả bộ ảnh và UBND tỉnh Quảng Ngãi để đảm bảo rằng, tất cả các bức ảnh của ông Ronald L. Haeberle được trưng bày với những thông báo về bản quyền và thống nhất nội dung chú thích, rõ ràng kích thước hình ảnh.

Sự kiện này là điểm xuất phát hướng tới tương lai, là thông điệp hòa bình và cũng thể hiện mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Theo Giám đốc Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ Phan Thị Vân Kiều, tại đây, có đến hơn 500 tư liệu, hiện vật, hình ảnh về vụ thảm sát Sơn Mỹ được trưng bày. Năm 2022, Khu Chứng tích đón gần 25.000 du khách, trong đó có 3.000 khách nước ngoài, đến từ các quốc gia khác nhau, không ít trong số này là những cựu binh Mỹ.

Du khách nước ngoài đến thăm Chứng tích Sơn Mỹ.
Du khách nước ngoài đến thăm Chứng tích Sơn Mỹ.

Với mục đích kết nối các điểm du lịch, đồng thời phát huy các giá trị của Khu Chứng tích Sơn Mỹ, đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi có chủ trương đầu tư dự án chỉnh lý, trưng bày hiện vật, tư liệu nhà trưng bày chứng tích Sơn Mỹ với tổng nguồn vốn hơn 4 tỷ đồng. Sau khi hoàn thiện, nhà trưng bày Khu Chứng tích Sơn Mỹ sẽ có diện mạo mới, hiện đại, khoa học hơn.

"Từ chỗ là một biểu tượng cho nỗi đau trong chiến tranh, Sơn Mỹ giờ đây đã trở điểm đến của hòa bình, thân thiện và hiếu khách"- bà Kiều chia sẻ.