Có một Hà Nội chưa xa... và một Hà Nội bây giờ

Đỗ Phấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Văn hóa ứng xử” là thuật ngữ mới được dùng với tần suất cao trong khoảng chục năm nay. Hình như không chỉ riêng chuyện ứng xử, hầu hết những gì đang diễn ra trong TP, người ta đều hướng đến tiêu chí văn hóa khiến nhiều người giật mình tự hỏi vì sao lại như vậy ở một TP lâu đời nhất nước như Hà Nội? Câu hỏi cũng tự nó là một phần của câu trả lời…

 Ảnh: Nhật Nam
Có một Hà Nội chưa xa…
Suốt hơn nghìn năm lịch sử, Hà Nội luôn là kinh đô của nước Việt chỉ trừ 142 năm nhà Nguyễn. Lẽ đương nhiên, Hà Nội là nơi tụ họp những tinh hoa dân tộc về mọi mặt. Có thể thấy từ một gánh đồng nát chẳng hạn. Đành rằng phần lớn là người ở các vùng nông thôn ven nội đổ vào phố xá kiếm ăn, nhưng gánh đồng nát ở quê thường cần lao hơn cánh đồng nát TP. Từ cách ăn mặc cho đến tiếng rao hàng, từ lối kì kèo mặc cả cho đến những thứ mà họ thu mua.

Cuối thập kỷ 50, 60, những con phố vắng Quang Trung, đầu Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… là nơi tụ tập của những bà buôn đồng nát. Họ gặp nhau ở đó và toả đi mọi ngóc ngách trong TP. Buổi trưa lại kéo nhau về ngồi giở cơm nắm ra ăn, sắp xếp lại chủng loại hàng hóa… Những nơi như vậy lại là mối quan tâm lớn của những người có liên quan đến chữ nghĩa. Họ tìm đến các bà và ngồi mê mải lục lọi trong đống sách báo cũ các bà mua được ở những tòa đại sứ trong TP.
Tất nhiên họ bán với giá đồng nát, chỉ nhỉnh hơn giá ở những nơi thu mua phế liệu bán cân phía Ô Đống Mác, Hoàng Cầu, Kim Mã chút ít. Vài nhà văn quèn lân la bên những gánh đồng nát không chỉ để mua sách vở, tạp chí cũ. Họ tìm thấy ở đấy những câu chuyện đời sống cực kì phong phú mà dân đồng nát là những người chứng kiến hàng ngày ở khắp các ngõ ngách phố phường…

Một Hà Nội chưa xa trong phép tắc ứng xử công sở thời thuộc địa còn sót lại hết sức ngay ngắn. Viên chức lưu dụng còn ở lại làm việc trong các cơ quan Nhà nước khá nhiều. Họ cần mẫn nhiệt tình với công vụ chẳng phải vì cái lí lịch từng phục vụ chế độ cũ không sáng sủa cho lắm. Đó chính là niềm tự hào của tầng lớp ưu tú ông thông, ông phán ngày trước.
Những thầy giáo lưu dụng mực thước đôi khi còn là linh hồn của những ngôi trường phổ thông nức tiếng trong phố. Họ như những tấm gương ứng xử trong trường khiến nhiều cán bộ giáo dục mới ở chiến khu về cũng phải ra sức học tập.

Xã hội nào thì chợ búa cũng là bộ mặt nói một cách trung thực nhất phẩm chất của nó. Những khu chợ và kể cả những cửa hàng tư nhân trong phố có cách giao thiệp bán mua nhẹ nhàng lịch lãm. Không bao giờ thấy chủ hàng đon đả chào mời chèo kéo hơn mức cần thiết, càng hiếm thấy việc chao chát cãi cọ ngay cả ở những hàng thịt hàng cá trong chợ. Tác phong này đôi khi còn làm cho người ở xa đến hiểu lầm rằng họ kênh kiệu lạnh nhạt. Thế nhưng những ai hiểu đều thấy đó chính là những chuẩn mực của một nền thương mại văn minh.

Từ cái ăn cho đến việc mặc, thị dân Hà Nội tự nhìn nhau mà điều chỉnh sao cho khiêm nhường, kín đáo. Đàn ông, đàn bà nhiều khi mặc những bộ quần áo vá, nhưng vẫn được giặt là cẩn thận. Một chiếc quần tây bó sát như chị Nhung trong bộ phim cùng tên công chiếu vào năm 1970 đã được coi là nhức nhối khêu gợi. Và dĩ nhiên nó được dân phố nhìn bằng con mắt không mấy thiện cảm.

… Và một Hà Nội bây giờ

Cùng với việc tăng dân số cơ học ồ ạt trong khoảng hai chục năm gần đây là cái nhốn nháo rất thiếu trách nhiệm cộng đồng ồ ạt chen vào phố. Bắt đầu từ những năm cuối cùng của thời kì bao cấp gian nan. Việc xếp hàng ở những cửa hàng và những nơi vui chơi công cộng không còn duy trì được trật tự.
Cửa hàng lương thực nhếch nhác thiếu hàng buộc người ta phải dậy từ mờ sáng đi xếp hàng mua. Không khó để nhìn thấy trên vỉa hè Hà Nội những hàng ngoằn ngoèo xếp bằng gạch đá, rổ rá và giày dép. Đến lúc có hàng về mở cửa bán là cảnh chen lấn xô đẩy.

Chợ búa cũng bắt đầu có cảnh tranh giành cãi cọ từ chỗ ngồi trở đi. Những cửa hàng, cửa hiệu mở ra sau thời kì đổi mới bắt đầu xuất hiện các nhân viên có cách tiếp thị tương đối phiền phức. Từ chỗ chiếc quần tây bó sát như chị Nhung mặc lúc trước được coi là xốn mắt thì nay trăm hồng nghìn tía với những loại vải xuyên thấu và kiểu cách hở hang táo bạo.

Người ta sẽ không khó để nảy ra trong đầu suy nghĩ về tầng lớp tinh hoa ngày nay hình như có nhiều hơn một vấn đề là tri thức học hành. Chỉ nhìn vào bằng cấp thì cực kì phiến diện khi đánh giá về ứng xử của một thị dân.
Đơn giản vì bằng cấp bây giờ là thứ vô cùng phổ cập, ở bậc đại học và hơn thế nữa… Những “tinh hoa” loại này tràn ngập đã làm méo mó hình ảnh công chức khiêm nhường giản dị ngày nào. Cho nên TP bắt đầu cho phổ biến bộ Quy tắc ứng xử nơi công sở là tuyệt nhiên đúng. Dù có hơi buồn lòng vì những việc đơn giản xưa nay mà bây giờ phải nhắc nhở nhau thực hiện thì cũng phải làm cho bằng được.

Người Hà Nội ở đâu bây giờ?

Đã có không ít cuộc tranh luận trên truyền thông đi tìm căn cước cho một thị dân đích thực mà kết quả thường vô vọng. Không ai dám quả quyết đưa ra một định nghĩa thế nào là một người Hà Nội. Nó chẳng liên quan gì đến gốc gác như ta vẫn lầm tưởng. Ở Hà Nội hơn chục đời có thể vẫn cư xử kém cả người vừa mới nhập cư chục năm.
Cuối cùng ta đành yên tâm với khái niệm “người sống ở Hà Nội” mà thôi!

Hà Nội những năm đầu tiếp quản 1954 với dân số vỏn vẹn khoảng ba chục vạn người có thể coi là một cái mốc để nói về sinh hoạt lịch lãm của thị dân cũ. Con số ấy giờ nếu còn tồn tại thì hẳn đã bị pha loãng đến mức mờ nhạt trong 7 triệu công dân Thủ đô. Dù có sức lan tỏa đến đâu, cũng chưa thể có những đóng góp quyết định cho lề thói ứng xử của cả một TP.

Thế nhưng có một thứ vô hình vẫn tồn tại trong thị dân như một giá trị bất biết. Đó là cốt cách của một thị dân Hà Nội. Âm thầm sang trọng và cũng đầy khiêm cung vị tha. Họ không đủ sức lan tỏa cái căn cốt ấy ra toàn TP, nhưng vẫn bền bỉ giữ gìn nó như một báu vật. Có thể quan sát thấy điều này ở một nơi công cộng như quán bia hơi vỉa hè chẳng hạn.
Vài người sống ở Hà Nội chưa đủ lâu sẽ cùng đứng lên quanh bàn bia hô một… hai… ba… dzô đầy hào hứng, như thể quanh đấy chỉ có mình ta đủ tiền uống bia mà thôi. Lúc ấy quan sát kỹ sẽ thấy trong cái xô bồ hỗn tạp nọ vẫn có vài người im lặng ngẫm ngợi đầy tha thứ. Im lặng chính là cách phản đối của những người Hà Nội cũ hơn không phải lúc nào cũng vô tác dụng…

“Văn hóa ứng xử” là một thành ngữ chỉ gồm có 4 từ nhưng sức bao quát của nó thật lớn. Hình như nó là tiền đề cho mọi văn hóa khác. Ứng xử có văn hóa chính là tự mình tạo ra một môi trường sống bình đẳng khoan hòa làm cho mảnh đất này trở thành một nơi đáng sống. Đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta, những người sống ở Hà Nội.
Có một thứ vô hình vẫn tồn tại trong thị dân như một giá trị bất biết. Đó là cốt cách của một thị dân Hà Nội. Âm thầm, sang trọng và cũng đầy khiêm cung vị tha.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần