Có phải tại đạo đức nhà giáo?

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tục các vụ việc liên quan đến hành vi thiếu chuẩn mực, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo xảy ra, khiến câu hỏi "phải chăng đạo đức nhà giáo đang “tuột dốc”" càng thêm "nóng" trong dư luận.

Hàng loạt vụ khiến xã hội bất bình
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt vụ việc giáo viên (GV) phạt HS thể hiện sự vô cảm, thiếu nhân cách người thầy, để lại vết thương trong lòng HS, phụ huynh và xã hội, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh ngành sư phạm.
 Một buổi lên lớp của thầy và trò trường THCS Thanh Xuân. Ảnh:  Hải Linh
Ấy là câu chuyện râm ran khắp trong Nam ngoài Bắc từ cuối năm 2013 về GV dạy môn mỹ thuật một trường tiểu học tại TP Hồ Chí Minh bắt 11 HS lần lượt truyền nhau ngậm giẻ lau bảng vì không vâng lời cô. Mới tháng trước là sự việc xảy ra tại trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), cô giáo phạt HS quỳ cả một tiết học. Rồi đáp trả việc GV phạt con, phụ huynh cũng bắt cô giáo quỳ khiến dư luận xôn xao... Dẫu trong đó có cả lỗi của HS, phụ huynh, nhưng ai nấy đều không thể không đặt dấu hỏi về cách ứng xử và đạo đức người làm nghề giáo.

Đến sự việc GV bắt HS “súc miệng” nước vắt từ giẻ lau bảng tại Hải Phòng mới đây, thì không cản được nữa sự phẫn nộ trong dư luận. Không chỉ phụ huynh, mà cả người trong nghề lẫn các nhà quản lý giáo dục đều khẳng định đó là hành động không thể chấp nhận được. Bà Nguyễn Thị Nga (phường Kim Liên, quận Đống Đa) không giấu bức xúc: "Cô giáo này không xứng đáng đứng trên bục giảng. Phải chăng là ngành đào tạo GV chưa quan tâm, chú trọng đến giáo dục đạo đức, nhân cách cho sinh viên sư phạm?". Cũng cảm giác sốc, buồn vì những hành xử của đồng nghiệp, cô Nguyễn Hồng Vân - GV một trường tiểu học ở quận Hoàn Kiếm cho rằng, dù những sự việc này chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng các trường nên quản lý chặt GV, còn cơ sở đào tạo sư phạm cần tăng cường giáo dục đạo đức cho sinh viên.

"Hiện nay, chúng ta chưa đặt nặng về giáo dục chính trị tư tưởng trong các trường sư phạm. Đào tạo sư phạm tràn lan, không đúng chuẩn dẫn tới dư thừa GV, chất lượng kém. Việc đào tạo sinh viên sư phạm phải gắn với thực tiễn, thực tập ở các trường phổ thông. Đặc biệt, các trường sư phạm phải chú trọng giáo dục phẩm chất, đạo đức cho các nhà giáo tương lai." - PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội

Ảnh hưởng nhân cách học trò

Phải nói rằng, đến câu chuyện của cháu Phạm Phương Anh bị cô giáo phạt “súc miệng” bằng nước vắt từ giẻ lau bảng, thì không có thể lập luận xuay quanh chuyện ứng xử nữa. Chính các chuyên gia giáo dục cũng nhìn nhận, việc làm mang tính bản năng chứ không phải là hành động của một nhà giáo, nhà sư phạm.

Với gần 20 năm công tác, cô Nguyễn Hương Trà - GV dạy bộ môn Giáo dục công dân cho rằng, những hành động GV phạt HS như đã xảy ra thời gian qua, đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo có chiều hướng gia tăng. Theo cô Trà, GV luôn gánh trên mình trọng trách trồng người. Để hoàn thành trọng trách đó, không chỉ cần trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, mà hơn hết phải có “tâm” với nghề. Đáng tiếc là trong thời gian qua, một số GV đã có những hành vi lệch chuẩn, thậm chí là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo. "Những “tấm gương mờ” này không chỉ làm ảnh hưởng tới hình ảnh của người GV mà còn tác động xấu tới thế hệ HS” – cô Trà nhận định.

Ở cương vị Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, TS Nguyễn Tùng Lâm cũng đầy nỗi niềm. Ông phân tích, là nhà sư phạm trước hết phải khoan dung với học trò, nghĩ ra cách giáo dục học trò chứ không phải trừng phạt các em. Riêng hành động bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng là việc làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh nhà giáo. Cũng theo TS Lâm, thầy cô giáo trong trường sư phạm cũng như mỗi nhà trường hiện nay, khẩu hiệu nhiều nhưng thực hiện ít. Phương pháp giáo dục quyền uy quá nặng, luôn áp đặt học trò, luôn cho rằng thầy cô là đúng, HS phải thực hiện theo ý mình.

Ở góc độ của nhà quản lý giáo dục, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT nhìn nhận, các vụ việc trên dù xảy ra ở một số trường tại một số địa phương, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, danh dự của nhà giáo, tác động xấu đến môi trường giáo dục và gây bức xúc trong dư luận. Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường và tiếp tục chỉ đạo các sở GD&ĐT tăng cường kiểm tra việc thực hiện nghị định ở các địa phương và các cơ sở giáo dục. Bộ GD&ĐT cũng đã công bố điện thoại đường dây nóng 0888.598.666; email: tiepnhanthongtin@moet.gov.vn để tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân.

Nhưng rõ ràng, dấu hỏi về đạo đức nhà giáo kia là có thật và đang đầy thúc giục. Mà câu trả lời ngoài nằm ở phía nhà quản lý, còn nằm cả ở khâu đào tạo giáo viên sư phạm để có những GV không chỉ giỏi về nghiệp vụ, mà còn phải có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần