KTĐT - “Tư tưởng của một số giám đốc doanh nghiệp còn chần chừ chưa quyết tâm. Một số vướng mắc trong vấn đề chính sách của cổ phần hóa phát sinh trong thực tế và cơ quan quản lý nhà nước đang trong quá trình nghiên cứu sửa đổi cũng là một trong những yếu tố cản trở tốc độ cổ phần hóa (CPH)- ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài Chính cho biết. Xung quanh vấn đề CPH doanh nghiệp Nhà nước, ông Tiến đã có những trao đổi thẳng thẳng với báo chí.
Nhiều ý kiến cho thực tế CPH đang chậm nhưng dường như các cơ quan chức năng vẫn không có chủ trương mới để đẩy nhanh? Ông nói gì về điều này?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc CPH các doanh nghiệp Việt Nam chậm. Trong đó, việc thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn nền kinh tế suy giảm nên không nhiều hấp dẫn dẫn tới khi cổ phần hóa không hấp dẫn được các nhà đầu tư, nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng tác động nhiều đến CPH. Bên cạnh đó, tư tưởng của một số giám đốc doanh nghiệp còn chần chừ chưa quyết tâm. Một số vướng mắc trong vấn đề chính sách của cổ phần hóa phát sinh trong thực tế và cơ quan quản lý nhà nước đang trong quá trình nghiên cứu sửa đổi cũng là một trong những yếu tố cản trở tốc độ CPH.
Cho đến nay, Chính phủ vẫn quyết tâm đẩy nhanh CPH, nhưng không có nghĩa làm bằng mọi giá, mà phải có hiệu quả nhất, đảm bảo phát huy được hiệu quả của việc CPH. Có doanh nghiệp muốn CPH để đổi mới chu trình quản trị quản lý nhưng vì chưa tìm được đối tác chiến lược, nên phải dừng để tìm.
Chủ trương của Chính phủ là vẫn giữ một số tổng công ty lớn trong những lĩnh vực nhạy cảm, đồng thời vẫn hình thành những tập đoàn đa sở hữu, ví dụ xăng dầu…, tiến tới những Tập đoàn nhà nước vẫn đang nắm giữ 100% vốn, trong điều kiện cho phép sẽ CPH. Nhà nước là chủ sở hữu chỉ cần nắm tỷ lệ vốn nhất định đủ để chi phối chứ không cần 100%, trừ những lĩnh vực đặc biệt.
Một số kết quả khảo sát cho thấy, trên 70% bộ máy quản lý của các doanh nghiệp sau cổ phần vẫn không thay đổi? Tại sao, thưa ông?
Việc thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp là để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Nếu bộ máy quản lý cũ làm được việc, việc duy trì bộ máy cũ cũng không có gì là lạ. Điều này sẽ hạn chế được sự xáo trộn sau CPH.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình CPH các doanh nghiệp ở Việt Nam, cái bóng Nhà nước vẫn quá lớn. Ông nói sao về điều này?
CPH là giai đoạn thí điểm, vừa làm vừa hoàn thiện cơ chế nên vai trò quản lý Nhà nước vẫn phải có, nếu không sẽ xảy ra tình trạng như các nước là người lao động bị đưa ra ngoài. Điều này đảm bảo nâng cao hiệu quả, phát huy tính dân chủ của người lao động. Nếu không có quản lý Nhà nước, công ty sau cổ phần, họ sẵn sàng lựa chọn những doanh nghiệp theo ý muốn của họ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc CPH các doanh nghiệp lớn còn bộc lộ nhiều lúng túng?
Mô hình công ty lớn có nhiều đặc thù, vấn đề lớn cần có cơ chế riêng. Hướng Chính phủ chỉ đạo là sửa đổi cơ chế cho phù hợp với thực tế.
Vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào đảm bảo vốn nhà nước bán theo giá thị trường; nếu thấp hơn giá thì phải có xử lý rõ ràng.
Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc sửa đổi Nghị định 109 về CPH doanh nghiệp. Ông có thể cho biết, những sửa đổi này tập trung vào vấn đề nào không?
Khó khăn nhất của doanh nghiệp trong quá trình CPH là việc định giá trị sở hữu đất đai, giá trị thương hiệu, mua bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, giải quyết thế nào với người lao động…
Chất lượng tư vấn cũng có vấn đề, một số doanh nghiệp nói chất lượng tư vấn không đáp ứng được, Bởi vậy, việc nâng cao chất lượng tư vấn cũng cần để ý.
Sắp tới, chúng tôi sẽ khảo sát lại để rà soát nhưng vấn đề phát sinh trong thực tế và có những điều chỉnh cho cơ chế bám sát với thực tế.