Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán 24/12:

Cổ phiếu bất động sản tiêu cực, YEG vẫn tăng kịch trần

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành bất động sản ghi nhận mức giảm 0,47%, với hàng loạt mã lớn chịu áp lực bán mạnh. Trong khi đó, cổ phiếu YEG vẫn tiếp tục tăng trần.

Cổ phiếu bất động sản tiêu cực

Phiên giao dịch ngày 24/12 khép lại với sự điều chỉnh nhẹ trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index giảm 2,4 điểm, tương đương 0,19%, kết thúc tại 1.260,36 điểm. Cả phiên hôm nay, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 18 ngàn tỷ đồng.

Cổ phiếu bất động sản tiêu cực, YEG vẫn tăng kịch trần - Ảnh 1

Về nhóm ngành, phiên hôm nay, ngành bất động sản ghi nhận mức giảm 0,47%, với hàng loạt mã lớn chịu áp lực bán mạnh. Ngoài DXG và DXS giảm sâu, các mã như NVL và HDC giảm lần lượt 1,91% và 3,07%.

Diễn biến đáng chú ý của bộ đôi nhà Đất Xanh sau khi thông tin tập đoàn này được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp giấy chứng nhận chào bán thêm hơn 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Cụ thể, Tập đoàn Đất Xanh sẽ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cp. Tỉ lệ thực hiện là 24:5, nghĩa là cổ đông sở hữu 24 cổ phiếu DXG sẽ được quyền mua 5 cổ phiếu mới với giá 12.000 đồng/cp. Theo thông tin công bố, sau đợt phát hành, Tập đoàn Đất Xanh dự kiến thu về hơn 1.800 tỷ đồng. Số tiền huy động được sẽ phân bổ 1.559 tỷ đồng để góp vào Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An, phần còn lại dùng để trả nợ trái phiếu và các đối tác. Bất động sản Hà An hiện là công ty con của Tập đoàn Đất Xanh với tỉ lệ chi phối 99,99% vốn điều lệ.

Ngành dầu khí giảm 0,48%, với hầu hết các mã lớn trong ngành đều chìm trong sắc đỏ. Các cổ phiếu như PLX giảm 0,77%, PVC giảm 0,94%, và PVS giảm 0,88% đều chịu áp lực bán mạnh, kéo lùi chỉ số ngành. Dù vậy, một vài mã nhỏ hơn như OIL tăng 0,82% và PVB tăng nhẹ 0,32%.

Nhóm ngân hàng giảm nhẹ 0,14%, với diễn biến phân hóa rõ rệt. Các cổ phiếu như BID giảm 1,3%, MBB giảm 0,62%, và VCB giảm 0,33%, kéo chỉ số ngành đi xuống. Tuy nhiên, một số mã như STB tăng 0,58%, TCB tăng 0,42%, và VIB tăng 0,53% đã phần nào kìm hãm đà giảm của toàn ngành.

Ngành dịch vụ tài chính giảm 0,49%, phản ánh sự thận trọng của nhà đầu tư trước biến động thị trường. Các cổ phiếu như VCI giảm 1,75%, EVF giảm 1,72%, và MBS giảm 1,39%, góp phần kéo chỉ số ngành đi xuống, VIX giảm 1%, VND giảm 0,4%. Dù vậy, một số mã như AAS tăng mạnh 14,29% và DSE tăng 1,33% đã trở thành điểm nhấn tích cực.

Ngược lại, nhóm hóa chất ghi nhận mức tăng 0,62%, dẫn đầu bởi CSV tăng mạnh 5,56%, TRC tăng 3,7% và BFC tăng 3,4%. Các cổ phiếu như DDV, DPM, và DGC cũng đóng góp tích cực với mức tăng lần lượt 2%, 0,57%, và 1,72%.

Ngành xây dựng và vật liệu tăng nhẹ 0,27%, với điểm nhấn là HBC bứt phá mạnh mẽ 9,43%, VCS tăng 3,07%, và CTR tăng 2,04%. Các mã khác như BMP, CTI, và DC4 cũng đóng góp tích cực với mức tăng trên 1%.

Giao dịch khối ngoại cân bằng khi họ đảo chiều mua ròng với giá trị 34 tỷ đồng trên toàn thị trường. Tại chiều mua, cổ phiếu SSI được khối ngoại mua mạnh nhất trên HOSE với giá trị hơn 60 tỷ đồng. Theo sau, MWG và STB là hai mã tiếp theo được gom 39 tỷ đồng và 33 tỷ đồng. Ngoài ra, KDH và HDB cũng được mua lần lượt 27 tỷ đồng và 25 tỷ đồng.

Yeah1 phải giải trình vì cổ phiếu tăng trần liên tục 5 phiên

Cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 đã có 5 phiên liên tiếp tăng hết biên độ, nhảy từ 14.600 đồng một đơn vị lên 20.300 đồng vào hôm qua. Kéo theo đó, vốn hóa công ty vượt lên gần 2.800 tỷ đồng. Liên tiếp trong thời gian này, khối lượng giao dịch mỗi phiên đều đạt hàng triệu cổ phiếu, cao hơn mức trung bình cả năm gấp nhiều lần, riêng hôm 19/12 ghi nhận gần 14,4 triệu mã được sang tay.

Với việc tăng trần 5 phiên liên tiếp, Yeah1 cần giải trình về lý do, theo quy định. Trong văn bản giải trình gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE), công ty này cho rằng YEG tăng do diễn biến khách quan cung - cầu của thị trường chứng khoán, nằm ngoài sự kiểm soát của công ty. Các hoạt động kinh doanh của Yeah1 vẫn đang diễn ra bình thường, theo kế hoạch đã đề ra.

Hôm nay, sau phiên ATC, thị giá được kéo lên hết biên độ, đóng cửa ở 21.700 đồng/cp. YEG đã tích lũy hơn 80% so với đầu năm. Cổ phiếu này đang ở vùng giá cao nhất từ giữa tháng 4/2022.

"Công ty cam kết không có bất kỳ tác động nào gây ảnh hưởng đến giá giao dịch cổ phiếu YEG trên thị trường chứng khoán" - Chủ tịch HĐQT Lê Phương Thảo nêu trong văn bản.