Theo kết quả kiểm toán tại Công ty mẹ HVG năm 2016 (niên độ 1/10/2015 - 30/9/2016) lợi nhuận sau thuế hợp nhất của cổ đông tại đây đã chuyển từ lãi 308,65 tỷ đồng trước kiểm toán thành lỗ 49,29 tỷ đồng sau kiểm toán.
|
Cổ phiếu của HVG bị đưa vào diện cảnh báo. Ảnh minh họa. |
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2016 so với báo cáo tài chính tự lập của HVG, tổng doanh thu thuần giảm từ 19.921 tỷ đồng xuống 17.884 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế chỉ còn 58,8 tỷ đồng, giảm 86% so với trước kiểm toán và giảm 62% so với thực hiện năm 2015 (156 tỷ đồng). Lợi nhuận gộp giảm gần 222 tỷ đồng, trong đó, giảm do điều chỉnh loại trừ doanh thu - giá vốn trên báo cáo riêng của Công ty mẹ là 221,79 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Hùng Vương còn 9,7 tỷ đồng, trong đó, phần lợi nhuận thuộc về Công ty mẹ sau kiểm toán âm 49,3 tỷ đồng, giảm 309 tỷ đồng so với trước khi kiểm toán.
Ngay sau khi có kết quả này của cơ quan kiểm toán, Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh ngày 6/2 đã đưa cổ phiếu HVG vào danh sách các cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ.
Ngày 8/2, HVG tiếp tục bị HOSE đưa vào diện cảnh báo kể từ 15/2. Theo quy chế niêm yết tại HOSE, những cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, diện kiểm soát sẽ không được giao dịch ký quỹ. Cổ phiếu bị ảnh hưởng lớn về thanh khoản nên nhà đầu tư cần lưu ý khi sở hữu mã chứng khoán thuộc một trong các diện trên.
Cũng theo quy định tại HOSE, cổ phiếu niêm yết đưa vào diện bị kiểm soát khi xảy ra một trong các trường hợp như nợ quá hạn trên 1 năm hay tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn 10% tổng vốn chủ sở hữu; không có đủ 100 cổ đông nắm giữ tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty; kết quả kinh doanh phát sinh âm theo báo cáo tài chính kiểm toán; tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh chính; cổ phiếu không có giao dịch trong vòng 90 ngày hay không thực hiện công bố thông tin theo yêu cầu của UBCKNN/Sở GDCK.
Như vậy, trường hợp của HVG là kết quả kinh doanh phát sinh âm theo báo cáo tài chính kiểm toán.