Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng khi kết quả kinh doanh đáng khích lệ

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quý 3/2020, có 13 ngân hàng đạt kết quả kinh doanh đáng khích lệ, với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 29,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Đây là điểm đáng chú ý được thị trường kỳ vọng vào các cổ phiếu ngành này.

 Ảnh minh hoạ.
Lợi nhuận trước thuế (LNTT) quý 3/2020 của 13 ngân hàng thương mại niêm yết được cải thiện tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng mạnh với mức tăng 14% so với cùng kỳ, chi phí dự phòng tăng 5,7% so với cùng kỳ và chi phí hoạt động tăng 10% so với cùng kỳ.
Mặc dù mức tăng LNTT quý 3 của các ngân hàng cao nhưng vẫn thấp hơn mức tăng quý 2/2020 là 24,6% so với cùng kỳ. Thực tế, mức sụt giảm này là do ảnh hưởng LNTT của VCB trong quý 3 giảm 21% đã tác động tiêu cực đến kết quả chung của toàn ngành.
LNTT sụt giảm còn do mức trích lập dự phòng khác biệt đáng kể giữa ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần. Trong khi VCB và CTG có mức trích lập dự phòng tăng lần lượt là 35% và 39%, thì ngân hàng thương mại cổ phần trích dự phòng rủi lại giảm 10,7% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng qua, LNTT của các ngân hàng đạt 86,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mức tăng lợi nhuận trước thuế là 26,9% của cùng kỳ năm 2019, nhưng hoạt động của ngành vẫn vượt trội so với các ngành khác. Ngân hàng thương mại cổ phần là động lực chính của lợi nhuận trước thuế trong quý 3/2020. Cụ thể, LNTT của các ngân hàng tư nhân tăng 18,6% so với cùng kỳ, trong khi đó, các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ tăng 0,9% LNTT so với cùng kỳ.
Theo dự báo của Công ty chứng khoán SSI, tăng trưởng tín dụng năm 2020 của ngành ngân hàng sẽ đạt từ 9 - 10% so với đầu năm. Có thể NHNN thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng vào quý 4 năm nay. Các khoản tiền gửi lãi suất cao đang dần đáo hạn, do đó lãi suất huy động đã được cắt giảm từ 0,2 - 0,4% trong tháng 10. Nợ xấu của ngành được kỳ vọng sẽ cải thiện trong những quý tới. Tuy nhiên, chi phí dự phòng có thể tăng nhanh trong quý 4/2020.
Triển vọng chung của ngành ngân hàng tốt hơn so với ước tính trước đây do ít bị ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 2.
Ước tính LNTT cho các ngân hàng tăng 9,2% trong năm 2020 và tăng 10,5% cho năm 2021, tương ứng đạt 110,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ và đạt 129,3 nghìn tỷ đồng tăng 16,8% so với cùng kỳ.
Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước có thể giảm LNTT 6,2% trong năm 2020 và phục hồi 21,8% trong năm 2021. Ngược lại, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ tăng trưởng 9,3% trong năm 2020 và tăng 13,7% trong năm 2021.
Những đánh giá trên cho thấy, cổ tức bằng cổ phiếu đối với ngành ngân hàng trong năm 2021 là khả quan, là yếu tố hỗ trợ tăng giá tích cực của cổ phiếu ngân hàng trong quý 4/2020.