Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ phiếu ngành xây dựng “lên ngôi”

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kết thúc 3 quý của năm 2016, thông tin kinh tế trong nước và nhiều khu vực trên thế giới phục hồi mạnh. Đồng thời, thị trường bất động sản cũng sôi động, do đó tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.

Trong tháng 9, khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm đến nay, với tổng giá trị bán ra là 2.819 tỷ đồng, giá trị bán ròng 2.752 tỷ đồng, chủ yếu trên sàn HOSE.

Ngược lại với các nhà đầu tư “ngoại”, nhà đầu tư trong nước lại đang dồn tâm điểm vào các cổ phiếu ở những lĩnh vực kinh tế đang phục hồi mạnh, như: Xây dựng, bất động sản, cảng biển …

Thị trường cổ phiếu tháng 9 tăng cả về khối lượng và giá trị giao dịch so với tháng 8, với tổng khối lượng giao dịch đạt 874,599 triệu CP và giá trị giao dịch đạt 10.770 tỷ đồng, tăng 7,63% về khối lượng giao dịch và tăng 7,38% về giá trị giao dịch so với tháng trước.

Thực tế, trên cả hai sàn trong tháng 9 đã có khoảng 20 cổ phiếu niêm yết có mức tăng giá hơn 25% so với giá trị chào sàn ban đầu.
 Cổ phiếu ngành xây dựng đang tăng giá mạnh trong 9 tháng qua. Ảnh minh họa.
Một số cổ phiếu tăng giá chóng mặt, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, như: Cổ phiếu ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng Faros.

Ngày 1/9, cổ phiếu này mới chào sàn HOSE với giá tham chiếu 10.500 đồng/CP. Ngay phiên đầu tiên đóng cửa đã tăng lên mức giá 12.600 đồng/CP. Sau một tháng, ROS đóng cửa phiên giao dịch tháng 9 với mức 34.100 đồng/CP, tăng 170,6%. Tại 3 phiên giao dịch đầu tháng 10, cổ phiếu ROS tiếp tục tăng trần giá, chốt phiên 4/10 đạt mức 39.000 đồng/CP.
Cùng với ROS, mã DTL của Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc tăng gần 64% so với tháng 8. Tiếp đó là Công ty Nam Việt chuyên sản xuất tấm lợp xi măng sợi và thương hiệu vật liệu xây dựng, nhờ triển vọng kinh doanh khả quan mã NAV tăng 43,6%. Kế sau đó là mã QTC của Công ty Cổ Phần Đầu Tư Xây Dựng & Phát Triển Hạ Tầng Viễn Thông tăng 31%; mã SMC và TNA tăng hơn 26%.

Đặc biệt, cổ phiếu TNA của Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Thiên Nam đã duy trì đà tăng khá dài, tính từ đầu năm đến ngày 30/9, mức tăng là hơn 170%, tăng từ mức giá 28.400 đồng/CP lên 76.900 đồng/CP.

Theo Chủ tịch HĐQT của công ty, bà Nguyễn Thị Hiệp: Nhờ hoạt động kinh doanh có triển vọng và sự tăng giá mạnh của mã TNA trên thị trường, doanh thu 9 tháng của công ty ước đạt 3.000 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch năm và tăng 28,6% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế cũng vượt 26% kế hoạch và tăng 101,8% so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế vượt 26% kế hoạch và tăng 107% so với năm 2015.

Với mức tăng 27% trong tháng 9 còn có mã cổ phiếu PAC và TAC. Cổ phiếu TAC bắt đầu đà tăng giá từ tháng 6, với mức giá khi ấy là 37.800 đồng/CP, đến phiên 30/9 khép lại, cổ phiếu này đã đạt mắc giá 85.500 đồng/CP, tăng 126% trong 3 tháng.

Theo các công ty chứng khoán nhận định, những cổ phiếu dự báo có kết quả kinh doanh quý III tốt sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư tăng mua. Trong đó, dự báo các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, ngân hàng, cảng biển…

Lý do các đơn vị kinh doanh chứng khoán đưa ra là vì hoạt động đầu tư bất động sản đang sôi động trở lại, việc xây dựng các hạng mục công trình vào quý cuối của năm cũng nhộn nhịp theo. Mặt khác, hệ thống ngân hàng vừa có động thái tích cực đó là điều chỉnh giảm lãi suất huy động và hướng đến giảm lãi suất cho vay. Mục tiêu của ngành này là hướng đến đẩy mạnh giải ngân vốn vào nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, tạo lợi nhuận cho cả ngân hàng và đơn vị sử dụng vốn tín dụng.

Cùng với đó, dự báo của giới chuyên gia cũng cho rằng ngành vận tải, cảng biển cũng tăng trưởng những tháng cuối năm và các mã chứng khoán trong lĩnh vực này sẽ là tâm điểm cho nhà đầu tư bỏ tiền vào.