Cần nhiều giải pháp căn cơ, cốt lõi hơn
Sáng 25/5, thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) nêu rõ, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 43/2022/QH15 cần nhiều giải pháp căn cơ, cốt lõi hơn. Phải khắc phục có hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư các dự án còn chậm - đây là nguyên nhân chính của việc giải ngân thấp. Việc chậm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án, đề nghị Chính phủ đánh giá trách nhiệm của địa phương, ngành, đơn vị thi công để phân định, đôn đốc, nhắc nhở, phê bình nghiêm khắc.
Về lâu dài, đối với các dự án có vốn đầu tư lớn cần phải quy hoạch từ đầu nguồn vật liệu, tránh việc đến lúc triển khai dự án phải mua lại dẫn đến đội chi phí lên cao. Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn việc phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh có đủ năng lực làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn, tuyến cao tốc đi qua địa bàn.
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh) khẳng định, Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã thể hiện rất rõ tinh thần “ứng vạn biến” của Quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu nêu rõ, quá trình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nói chung và Nghị quyết số 43/2022/QH15 nói riêng còn có một số tồn tại, hạn chế. Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét theo tình hình thực tế cho điều chuyển nguồn vốn đối với các chính sách kém hiệu quả sang các chính sách mà xã hội, người dân đang có nhu cầu, nhằm phát hiệu hiệu quả các chính sách hỗ trợ.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn tỉnh Bình Dương) cho biết, Nghị quyết số 43/2022-QH15 được kỳ vọng bố trí 145 dự án trong lĩnh vực y tế với tổng số vốn đầu tư gần 13,5 nghìn tỷ đồng để đầu tư, nâng cao chất lượng hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tuy nhiên, qua báo cáo giám sát cho thấy, tổng số giải ngân chỉ đạt khoảng 6,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 48%).
Đại biểu kiến nghị Chính phủ tổng kết, sửa đổi Luật Đầu tư công và các văn bản thi hành, xóa bỏ thủ tục không cần thiết để thực hiện đầu tư công ở nước ta nhanh chóng và hiệu quả nhất. Đồng thời, trong các Dự thảo Nghị quyết lần này cần có phương án, thời gian cụ thể để giải quyết khó khăn cho từng lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế.
Còn đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Đoàn tỉnh Trà Vinh) đề nghị, ngay sau kỳ họp này, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành tập trung nghiên cứu xem xét hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho 27 địa phương, bộ ngành với 70 kiến nghị, được tổng hợp tại báo cáo của Đoàn giám sát; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông chính sách đến từng doanh nghiệp đủ điều kiện biết để tham gia.
Đề xuất tiếp tục kéo dài chính sách hỗ trợ 2% VAT
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 và đưa ra một số giải pháp cụ thể.
Cùng với việc đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai (Đoàn tỉnh Tuyên Quang) kiến nghị Chính phủ, xem xét, bổ sung đối tượng được vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đối với hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số sinh sống ở xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bổ sung quy định ưu đãi cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp thuê theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định 49/2021/NĐ-CP.
Cùng chung quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) đánh giá cao hiệu quả của chính sách giảm thuế VAT 2% và đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thêm thực hiện chính sách trong thời gian phù hợp. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội xem xét tiếp tục mở rộng áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù không chỉ áp dụng cho các công trình quan trọng quốc gia, đường cao tốc mà cả các công trình quan trọng khác của quốc gia, của tỉnh.
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh) kiến nghị tiếp tục cho kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 hoặc nghiên cứu khả năng xây dựng một Chương trình phục hồi kinh tế mới trong giai đoạn 2024-2025 nhằm tiếp tục rà soát, hỗ trợ cho các đối tượng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Ban hành văn bản chậm dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp
Tham gia thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng việc ban hành văn bản hướng dẫn chính sách còn chậm dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp; một số chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến kết quả chung. Đại biểu đề nghị Quốc hội tiếp tục giám sát việc kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong các tồn tại, hạn chế đã nêu.
Đại biểu Quôc hội Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn tỉnh Thái Bình) dẫn chứng, chính sách tiền thuê nhà cho người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm, Quyết định số 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/3/2022 quy định được triển khai thực hiện chính sách đến hết ngày 15/8/2022. Thời gian chỉ có 4,5 tháng để triển khai thực hiện là rất gấp gáp và nhiều khó khăn.
Trong khi đó, có địa phương, đối tượng thụ hưởng chính sách này lên tới hàng trăm nghìn người, cần có thời gian tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, giải quyết. Vì vậy, còn nhiều người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng nhưng hết thời gian thực hiện chính sách nên không được hưởng.
Bên cạnh đó, có địa phương ban hành thêm điều kiện được hưởng, thêm danh mục hồ sơ đề nghị hưởng chính sách làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho người lao động và tạo tâm lý cho họ không muốn làm thủ tục đề nghị hưởng chính sách.
Để giải quyết tình trạng chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Quốc hội Siu Hương (Đoàn tỉnh Gia Lai) đề nghị cần đánh giá rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm của cơ quan liên quan cũng như cần nghiên cứu giải pháp căn cơ hơn để có hướng giải quyết việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn.