Ngày 17/12, tại tỉnh Yên Bái, Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức hội thảo “Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá" tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp nhìn lại bức tranh kinh tế tiềm năng của tỉnh Yên Bái với những cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, Yên Bái có phong cảnh thiên nhiên đa dạng, nhiều địa điểm tham quan hấp dẫn như: Khu di tích quốc gia đặc biệt, danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải, khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, du lịch sinh thái Suối Giàng, cánh đồng Mường Lò, di tích cách mạng chiến khu Vần, Căng Đồn, Nghĩa Lộ…
Với trên 30 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc mang đậm bản sắc, văn hoá riêng là thế mạnh thu hút khách du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới mang tính khác biệt như: du lịch nghỉ dưỡng cấp cao, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái... Những lợi thế này đang được tỉnh Yên Bái cụ thể hóa trong quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà...
“Thời gian qua, thị trường bất động sản Yên Bái đã hình thành, đang đà phát triển; hạ tầng du lịch là nhu cầu quan trọng và đi trước một bước trong phát triển du lịch đã được nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước quan tâm tiếp cận, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Vì vậy, tỉnh Yên Bái đã và đang tập trung các nguồn lực để phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch, làm cơ sở để phát triển thị trường bất động sản, xem đây là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phát triển quan trọng hàng đầu trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới” – ông Trần Huy Tuấn nói.
Còn Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản Hoàng Hải nhấn mạnh, Yên Bái là đầu mối giao thông quan trọng, với nhiều tiềm năng, thế mạnh, đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Tây Bắc. Thời gian qua, các cấp chính quyền Yên Bái đã tích cực kêu gọi, tạo điều kiện, không ngừng thay đổi để thu hút đầu tư, gia tăng năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, tỉnh Yên Bái đang thiếu nhiều cở sở hạ tầng du lịch và các khu đô thị, dự án bất động sản xứng tầm, chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược có nguồn lực mạnh, kinh nghiệm cũng như các nhà đầu tư kinh doanh hoạt động chuyên biệt về phân khúc ngách và kinh doanh dịch vụ đặc biệt chất lượng cao, thương hiệu mạnh, tôn vinh giá trị độc bản...
“Vì vậy, hội thảo tập trung vào các vấn đề như: Hiện trạng kinh tế, tiềm năng và cơ hội thu hút đầu tư bất động sản và hạ tầng du lịch tại Yên Bái; Sự trỗi dậy của vùng đất mới - Điểm đến đầu tư bất động sản, hạ tầng du lịch; Tình hình các DN đang đầu tư và xúc tiến đầu tư vào bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái; Chính sách, môi trường đầu tư và hành động của chính quyền tỉnh Yên Bái trong phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch; Kinh nghiệm quốc tế trong việc thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư vào bất động sản, hạ tầng du lịch...” – ông Hoàng Hải cho hay.
Theo Tổng biên tập Báo Xây dựng Nguyễn Anh Dũng, Yên Bái là tỉnh nằm ở khu vực trung tâm của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, kết nối khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và Thủ đô Hà Nội.
Đây chính là cửa ngõ của vùng Tây Bắc, nằm trên trung điểm của một trong những tuyến hành lang kinh tế chủ lực Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Bên cạnh đó, Yên Bái cũng là địa phương hiện đang chứng kiến những tín hiệu kinh tế lạc quan với nhiều cú hích về hạ tầng giao thông và thương hiệu điểm đến du lịch hấp dẫn.
Đáng kể nhất là thống kê số liệu dòng vốn đầu tư ước tính lên đến hơn 4 tỷ USD, cùng sự xuất hiện của các doanh nghiệp giàu tiềm lực đang mở ra một tương lai đáng chờ đợi... cho thấy, Yên Bái có nhiều tiềm năng phát triển, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhà đầu tư.
Các chuyên gia kinh tế, bất động sản cho rằng, để thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, phát triển bất động sản và hạ tầng du lịch đột phá, Yên Bái cần làm tốt công tác lập quy hoạch về xây dựng, đất đai.
Thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, nhất là về hạ tầng giao thông; tập trung phát triển một số ngành chủ lực như du lịch, khai thác, phát triển dược liệu; tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân; công khai minh bạch quy hoạch, danh mục tiến độ triển khai các dự án, tránh hiện tượng tung tin nhiễu loạn.