Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ sở sản xuất nước ngọt Tân Tiến Phát gây ô nhiễm thách thức pháp luật?

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Với hàng loạt vi phạm “nối tiếp” từ năm này qua năm khác về vấn đề môi trường, sản phẩm nước uống không đảm bảo; Công ty CP Thương mại Tân Tiến Phát vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp quy định. Mới đây, lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở này tiếp tục phát hiện vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, xả thải gây ô nhiễm môi trường…

 Hình ảnh phóng viên ghi nhận tại khu vực xưởng sản xuất nước ngọt của Công ty CP thương mại Tân Tiến Phát. (ảnh: Đạt Lê).

Tiếp tục phát hiện sản phẩm nước uống vi phạm
Như báo Kinh tế & Đô thị đã phản ánh, trước thực tế xưởng sản xuất nước ngọt của Công ty CP Thương mại Tân Tiến Phát (ở xóm Me Táo, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trước tình trạng vi phạm về môi trường và có dấu hiệu mất an toàn thực phẩm tại xưởng sản xuất của Công ty Tân Tiến Phát, vừa qua Đoàn kiểm tra liên ngành 389 của huyện Hoài Đức, Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đối với cơ sở này.
Theo đó, Đoàn liên ngành 398 của UBND huyện gồm: Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24, Chi Cục QLTT Hà Nội; Đội Cảnh sát Môi trường (Công an huyện Hoài Đức); Phòng Tài Nguyên Môi trường huyện Hoài Đức đã kiểm tra tại xưởng sản xuất, kho chứa hàng của công ty này.
 Lực lượng chức năng kiểm tra tại xưởng sản xuất Tân Tiến Phát. (ảnh: Đạt Lê).

Ghi nhận của phóng viên tại thời điểm kiểm tra cho thấy, phía trong xưởng, tại khu sản xuất đặt máy đóng hộp, nước nhớp nháp. Khu chứa nguyên liệu bốc hương vị của trái cây quyện với mùi hôi khiến cảm giác rất khó chịu. Cạnh đó là khu vực chứa nước thải (lời của nhân viên trong xưởng sản xuất) với nhiều bình lớn cáu bẩn. Dưới sàn của những bình này nước thải cũng hôi hám bốc mùi khó chịu.
Với vai trò là Trưởng Đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội đã thực hiện việc truy xuất đối với từng sản phẩm của công ty Tân Tiến Phát. Mặc dù, cơ sở này đăng ký hồ sơ gồm 6 sản phẩm nước giải khát (trong đó có 3 sản phẩm có 3 loại có nguồn gốc nguyên liệu từ nông sản: chanh leo, me, bí đao) nhưng tại thời điểm kiểm tra, Công ty Tân Tiến Phát đã không xuất xứ được hóa đơn chứng từ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của nông sản nguyên liệu…  “Đối với những sản phẩm tại cơ sở này, có vi phạm hay không, chúng tôi sẽ kiểm tra, tổng hợp và sẽ đưa ra kết luận và thông tin sau…”, ông Lộc cho hay.
 Khu vực để nguyên liệu nhớp nháp, mùi hôi... (ảnh: Đạt Lê).

Điều đáng nói, khi phóng viên đặt câu hỏi đối với ông Nguyễn Bá Vinh – Giám đốc Công ty CP Tân Tiến Phát về nguồn gốc chanh leo, me lấy từ đâu? Ông Vinh ấp úng nói: “Chúng tôi mua thu gom từ các lái buôn ở miền trong”. Tiếp tục hỏi về việc sản phẩm có đảm bảo về vấn đề có thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản và hóa đơn chứng từ? Lúc này vị Giám đốc công ty không trả lời được.
Cũng tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Huy Cường – Đội trưởng Đội QLTT số 24 (Chi Cục QLTT Hà Nội) cho biết: Qua kiểm tra đối với cơ sở này đã phát hiện những vi phạm, dù đăng ký hồ sơ 6 sản phẩm nước giải khát, trong đó 3 loại có nguồn gốc từ nông sản. Đây là nguyên liệu đầu vào để sản xuất nước uống nhưng tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đã không xuất trình được các hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của nông sản nguyên liệu. Do đó, đoàn kiểm tra tiến hành niêm phong sản phẩm đã là thành phẩm.
Theo sự chỉ đạo của ông Nguyễn Huy Cường, giao cho các thành viên trong đoàn tiến hành niêm phong và yêu cầu tạm giữ hàng ngàn sản phẩm nước uống của Công ty Tân Tiến Phát. Tuy nhiên, phóng viên ghi nhận thực tế, phía đơn vị chỉ niêm phong “qua loa” được 2 – 3 kiện hàng (?)…
Bất chấp quy định của pháp luật?
Liên quan đến những bức xúc mà người dân phản ánh về việc xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng tại xưởng sản xuất của Công ty CP Thương mại Tân Tiến Phát; phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Lý, Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hoài Đức để làm rõ hơn về vấn đề này. Ông Lý cho hay, sau khi báo phản ánh, chúng tôi đã nắm được và phối hợp cùng cơ quan chức năng kiểm tra xử lý đối với cơ sở của Tân Tiến Phát. “Tôi đã cử cán bộ xuống địa bàn kiểm tra, tập hợp hồ sơ đối với cơ sở này. Vừa qua đoàn liên ngành của huyện kiểm tra về an toàn thực phẩm, Phòng Tài Nguyên Môi trường đã cử cán bộ phối hợp…” – ông Lý nói.
 Xả thải của Tân Tiến Phát gây ô nhiễm nghiêm trọng phía sau xưởng.

 
Đề cập đến việc cơ sở hoạt động của Công ty Tân Tiến Phát liên tục vi phạm nối tiếp từ năm này đến năm khác; Việc giám sát, xử lý của lực lượng chức năng huyện Hoài Đức thực hiện như thế nào? ông Lý cho biết, do mới nhận nhiệm vụ được vài tháng nên cũng chưa nắm bắt hết. Riêng đối với hoạt động gây ô nhiễm của Công ty CP Thương mại Tân Tiến Phát, qua hồ sơ Phòng đã nắm được, vào tháng 5/2017 Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TP Hà Nội) đã kiểm tra và xử phạt đối với hành vi vi phạm về hoạt động xả thải của xưởng sản xuất Tân Tiến Phát. Công an TP đã ra quyết định xử phạt 50 triệu đồng đối với Tân Tiến Phát.
Vị lãnh đạo Phòng Tài Nguyên Môi trường huyện cũng khẳng định: “Huyện đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra, trong tuần này chúng tôi sẽ kiểm tra đối với các cơ sở, trong đó có Tân Tiến Phát. Quan điểm của huyện là nếu phát hiện vi phạm quá quy định thì kiên quyết xử lý nghiêm. Có thể đình chỉ hoạt động đối với cơ sở này”.
Theo Quyết định số 1525/QĐ – XPHC (ngày 31/5/2017) do  Giám đốc Công an TP Hà Nội ký nêu rõ: “Công ty CP Thương mại Tân Tiến Phát, ở Đội 7B, thôn Me Táo, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã thực hiện hành vi xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; có chứa thông số CODAB vượt quá quy chuẩn cho phép đến 2,7 lần (trong trường hợp nước thải từ 10m3/ngày đến 20m3/ngày…”. Quyết định của Công an Hà Nội cũng yêu cầu: Công ty CP Tân Tiến Phát buộc phải khắc phục hành vi vi phạm , đảm bảo nước thải đạt quy chuẩn cho phép theo quy định trước khi xả thải ra môi trường.
 Lực lượng Quản lý thị trường niêm phong sản phẩm vi phạm. (ảnh: Đạt Lê)

Điều đáng nói, với hàng loạt vi phạm có “truyền thống”, vào năm 2016, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp với C49 (Bộ Công an) đã kiểm tra tại cơ sở Công ty Tân Tiến Phát đã có kết luận cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh để sản xuất; sử dụng nước không đạt quy chuẩn để sản xuất thực phẩm (cụ thể theo kết quả xét nghiệm của Viện Dinh Dưỡng quốc gia mẫu nước dùng phối trộn nguyên liệu lấy từ vòi chảy vào thùng phối trộn có nhiễm Coliforms). Cục An toàn Thực phẩm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên 120 triệu đồng, buộc Công ty Tân Tiến Phát thu hồi các lô hàng hóa vi phạm về nhãn và chất lượng đang lưu hành trên thị trường để tiêu hủy nhãn và sản phẩm…
Đến đầu tháng 1/2017, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất nước giải khát của Công ty Tân Tiến Phát lại tiếp tục phát hiện vi phạm. Sản phẩm của công ty này không đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất…
Trước những sai phạm nối tiếp sai phạm về sản phẩm nước uống của Công ty CP Thương mại Tân Tiến Phát, dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng có sự “làm ngơ” của lực lượng Quản lý thị trường cơ sở, cần làm rõ ai là người “chống lưng” cho công ty này chưa đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động thách thức pháp luật trong thời gian dài như vậy?
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Đối với những sản phẩm nước ngọt do Công ty CP Thương Mại Tân Tiến Phát sản xuất vi phạm về an toàn vệ sinh thực thẩm; trước đó vào ngày 10/1, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Chúng tôi sẽ yêu cầu lập đoàn kiểm tra đối với cơ sở này. Cho dù là bất cứ doanh nghiệp nào, nếu phát hiện vi phạm thì kiên quyết xử lý nghiêm. Không thể để kiểu làm ăn kiểu như vậy được…”