Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có thể ban hành Nghị quyết riêng về giáo dục do dịch Covid-19

Bảo Thắng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc liên tiếp lùi thời điểm trở lại trường, một số chuyên gia pháp lý lo ngại, có thể phải sửa Luật Giáo dục cho phù hợp.

 Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị sáng 16/3, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, chỉ cần Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng cho lĩnh vực này là đủ.
Ông đánh giá như nào về việc Bộ GD&ĐT liên tiếp điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học cũng như việc các địa phương cho học sinh nghỉ học kéo dài để phòng, chống dịch?
- Dịch Covid-19 là nằm ngoài mong muốn, cả thế giới cũng như Việt Nam đang phải gánh những thiệt hại vô cùng nặng nề. Trong bối cảnh này, chúng ta cần xác định con người chính là vốn quý, là vấn đề cốt lõi hàng đầu để xây dựng các phương án ứng phó. Do vậy, việc Bộ GD&ĐT cân nhắc thời điểm cho học sinh đến trường cũng là phù hợp.
Có chuyên gia pháp luật từng lên tiếng, có thể gặp trục trặc trong tình huống học sinh lùi thời điểm trở lại trường và lùi các kỳ thi với nội dung tại Điều 34 của Luật Giáo dục 2019, dẫn tới phải sửa luật. Ông nhận định như nào về tình huống này?
- Để làm xong một đạo luật, có khi các chuyên gia, cơ quan có thẩm quyền phải mất cả chục năm với khoản kinh phí lớn. Bởi thế, không phải cứ nói sửa luật là sửa được và tình huống có cần thiết phải sửa hay không hay có thể điều chỉnh ở các loại hình văn bản khác. Tôi thấy, với tình huống này có thể có nhiều phương án điều chỉnh.
Giả thiết dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, việc tổ chức các kỳ thi với sự tập trung đông người là không cần thiết, vậy tại sao các trường đại học, cao đẳng không công nhận kết quả học tập THPT thay vì điểm mấy môn thi kia? Đồng ý rằng, học sinh trong giai đoạn này sẽ có những thiệt thòi nhất định nhưng để đảm bảo chất lượng và thời gian đào tạo, nhà quản lý có thể tính toán đến việc tiết giảm dung lượng một số môn học, điều chỉnh lịch các kỳ thi, tăng cường những mô hình đào tạo kết hợp (trực tuyến, truyền hình...) để bổ sung kiến thức cho học sinh.
Nhưng nếu không sửa luật, các nhà quản lý lấy căn cứ nào để điều chỉnh tầm vĩ mô, thưa ông?
- Việc Nhà nước hay Quốc hội có điều chỉnh khi đất nước lâm nguy hay gặp những khó khăn nhất định đã xảy ra ở nhiều quốc gia. Như gần đây, Tổng thống Mỹ đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, nhờ đó huy động được nhiều lực lượng, nguồn lực tập trung để xử lý sự cố, cụ thể là giải phóng được 50 tỷ USD trong ngân sách liên bang nhằm nâng cao công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Với Việt Nam, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ với vai trò của mình sẽ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng cho lĩnh vực giáo dục trong giai đoạn dịch bệnh. Có thể giữa hai kỳ họp Quốc hội hàng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ra Nghị quyết này để các cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào đó điều chỉnh phương án đào tạo, giáo dục cho phù hợp.

Xin cảm ơn ông!