Có thể trưng dụng khách sạn ở TP Hồ Chí Minh để làm nơi cách ly tập trung?

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng người cách ly tăng cao, cũng là lúc các khu cách ly tập trung ở TP Hồ Chí Minh bị quá tải. Để ứng phó với tình hình thực tế, Sở Y tế TP đã có văn bản khẩn hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện cách ly F0, F1 tại nhà.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chính quyền TP có thể trưng trưng dụng hàng nghìn khách sạn tư nhân trên đại bàn TP làm nơi cách ly tập trung, điều này sẽ giúp giảm thiểu áp lực đáng kể cho công tác chống dịch chung của toàn TP.
Ngày 15/7, chia sẻ với PV báo Kinh tế & Đô thị, ông Lê Đức Thanh – Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi “đồng tâm hiệp lực” cùng chung tay trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của UBND TP Hồ Chí Minh, mới đây chính quyền quận 1 đã kêu gọi được 22 khách sạn và 1 chung cư trên đại bàn cho mượn cơ sở làm nơi cách ly tập trung các ca F1.
 Danh sách 22 khách sạn ở quận 1 hiện đang cho TP mượn cơ sở làm nơi cách ly tập trung phòng dịch Covid-19
“Chính quyền quận 1 đã vận động chủ các khách sạn giảm phí thực hiện cách ly đến mức tối thiểu. Ngoài ra, liên quan đến việc phát hiện F1, xử lý các ca nghi mắc Covid-19 (nghi F0), UBND quận 1 đã kiến nghị Sở Y tế TP lập 1 đầu mối "tiếp nhận thông tin, chuyển tiếp thông tin’’ để các quận, huyện đăng ký số lượng F0 cần chuyển” - Chủ tịch UBND quận 1 cho hay.
Đánh giá cao hành động tiên phong ủng hộ TP chống dịch Covid-19 của UBND quận 1, TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, trước đây nhu cầu cách ly tập trung ở khách sạn chủ yếu đến từ nguồn khách nhập cảnh, chuyên gia quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài…Tuy nhiên, hiện nay, khi số ca mắc Covid-19 tăng cao, nhu cầu này cũng đến rất nhiều từ chính người dân TP.
“Sử dụng khách sạn làm khu cách ly tập trung giúp đảm bảo các điều kiện sinh hoạt thiết yếu như: Phòng vệ sinh riêng, thông thoáng, an ninh, có Wifi, thuận tiện cho việc tiếp tế hậu cần và vận chuyển chất thải… điều mà không phải nhà dân nào ở TP cũng thực hiện được” - bác sĩ Hùng nói
Tuy nhiên, bác sĩ Hùng nhấn mạnh, các khách sạn chọn làm nơi cách ly tập trung cần phải được khảo sát, thẩm định về cơ sở vật chất có đáp ứng yêu cầu, tập huấn nhân sự… cũng như đáp ứng các phương án cách ly về mặt y tế. Đồng thời, được bố trí trạm gác 24/24 ở cổng và các lối ra vào do công an và dân phòng địa phương đảm nhiệm.
Người cách ly tại khách sạn phải được lấy mẫu xét nghiệm vào ngày đầu, ngày thứ 7, ngày thứ 14 và ngày thứ 20 trong thời gian cách ly. Đối với người cách ly có tiếp xúc gần hoặc đi cùng phương tiện với F0 thì sẽ xét nghiệm vào ngày đầu, ngày thứ 5, ngày thứ 10, ngày thứ 14 và ngày thứ 20.
“Ngoài ra, cũng phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly tại khách sạn thông qua hệ thống camera; thường xuyên phối hợp với các cơ quan y tế địa phương theo dõi sức khỏe của người được cách ly y tế; tổ chức khử khuẩn, vệ sinh môi trường khách sạn theo hướng dẫn của nhân viên y tế” - bác sĩ Hùng nói thêm.
Theo tìm hiểu của PV, dùng khách sạn làm nơi cách ly tập trung thực tế đã được TP thực hiện từ những tháng trước, tuy nhiên quy mô còn nhỏ lẻ vì tình hình dịch bệnh thời điểm đó chưa phức tạp. Cụ thể, tháng 5/2021 có 41 khách sạn ở TP tham gia cung ứng dịch vụ cách ly tập trung có thu phí; đến 21/6/2021 là 46 khách sạn, đến 01/7/2021 là 49 khách sạn…Tuy nhiên, số lượng này được đánh giá là chưa tận dụng được hết tiềm lực hơn 2.000 khách sạn hiện đang có trên địa bàn TP.
 Giới chuyên môn đánh giá thực hiện cách ly tập trung tại khách sạn có nhiều lợi thế về cơ sở vật chất sẵn có 
Trong thời gian giãn cách ở TP như hiện nay, ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho biết, công suất phòng ở các khách sạn chỉ còn 2-3%, thậm chí rơi xuống tận đáy, với mức 1%.
Anh Lê Quốc Dũng - chủ của một khách sạn ở Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) cũng khẳng định, các biện pháp giãn cách nhằm khống chế dịch bệnh khiến cho nhu cầu lưu trú khách sạn tại TP sụt giảm: “Các hoạt động khác trong khách sạn như ẩm thực, hội nghị... cũng ngưng hoạt động, nhiều khách sạn buộc phải đóng cửa, phòng ốc hoàn toàn bỏ trống” - anh Dũng nói.
Đồng quan điểm, chị Lê Thị Ngọc Dung - chủ một khách sạn lớn ở quận 6 (TP Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ, sẵng sàng bàn giao toàn bộ khách của gia đình để chính quyền TP làm nơi cách ly tập trung phòng dịch.
“Nếu được thu phí cách ly sẽ giảm được một phần gánh nặng kinh tế cho mình trong mùa dịch, nhưng nếu không có cũng không sao, vì cơ bản phòng ốc hiện tại cũng đang bỏ trống, không mang lại nguồn thu nào. Nếu chính quyền cần, tôi sẵn sàng giao toàn bộ. Yêu cầu duy nhất của tôi là sau khi cách ly xong, ngành y tế thực hiện tốt vệ sinh dịch tễ để khách sạn kinh doanh an toàn trở lại sau khi hết dịch” - chị Dung chia sẻ.
Đặc biệt, chị Dung đặt vấn đề về việc, trừ đi các khách sạn đang tình nguyện cho mượn cơ sở làm nơi cách ly tập trung, thì dư lượng khách sạn tại TP Hồ Chí Minh còn rất lớn, nếu được tận dụng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công tác chống dịch của TP.
Vậy, câu hỏi đặt ra lúc này là, trong tình thế cấp bách, liệu chính quyền TP Hồ Chí Minh có được phép trưng dụng một phần/hoặc toàn bộ khách sạn đang có trên địa bàn cho công tác chống dịch hay không?
 Nhiều khu cách ly tập trung ở TP Hồ Chí Minh đang quá tải, các chủ sở hữu khách sạn trên địa bàn TP cho biết, sẵng sàng chia sẻ gánh nặng với chính quyền, cùng chung tay chống dịch
Liên quan đến nội dung này, hầu hết các chuyên gia y tế cho rằng, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 5 của quý II/2021 tại TP có điểm đặc biệt nguy hiểm như: Nhiều ổ dịch, nhiều biến chủng cùng lúc, người dân chủ quan hơn… Do đó, cả hệ thống cần phải rút ra những bài học sâu sắc và cần phải hành động quyết liệt hơn, đặc biệt là ý thức của người dân trong phòng dịch.
“Người dân đóng vai trò cực kỳ lớn trong thành công chống dịch. Nếu không có sự chung tay của người dân, chỉ dựa vào nỗ lực của nhà nước, ngành y tế TP, các ban ngành đơn thuần thì không thể hiệu quả. Do đó, nếu được sự chung tay, sẻ chia đến từ các chủ khách sạn tư nhân, tôi mong TP sử dụng triệt để, để làm nơi cách ly tập trung” - một chuyên gia dịch tễ bày tỏ.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, Luật sư Lê Ngô Trung, thuộc Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản cũng có quy định về trường hợp dịch bệnh xảy ra mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được, thì Nhà nước có thể tiến hành trưng dụng tài sản nhằm ngăn chặn kịp thời và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, theo Điều 37 của luật này thì Nhà nước cũng có trách nhiệm thanh toán phần thiệt hại trong khoảng thời gian trưng dụng với mức chi trả dựa trên mức giá thuê của tài sản này tại thời điểm trưng dụng tài sản. Do đó, trường hợp trưng dụng tài sản là các khách sạn sẽ gặp khó khăn về kinh phí để chi trả.
Thực tế hiện nay, nhiều khách sạn đang trong tình trạng gần như đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Vì vậy, việc chủ các khách sạn chung tay với thành phố trong trường hợp này bằng động thái đề xuất mức giá sử dụng và khai thác hợp lý là điều cần nên làm, vì xét cho cùng sẽ có lợi cho cả hai bên.
Tin rằng, với nửa chặng đường còn lại trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TP sẽ có những hướng đi đúng đắn để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, người dân TP sớm được trở lại đời sống thường nhật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần