Cổ tức lại lỗi hẹn với cổ đông?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 3 và 4 là thời điểm các ngân hàng thương mại (NHTM) lần lượt tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ).

Giống như năm ngoái, chia cổ tức tiếp tục sẽ là vấn đề gây ra nhiều tranh luận và bức xúc trong mùa ĐHCĐ năm nay ở các NH.

Hồi hộp chờ phương án chia

Theo báo cáo sơ bộ về kết quả kinh doanh năm 2015 mà các NH vừa công bố, điểm chung năm nay là lợi nhuận NH khởi sắc hơn những năm trước do tín dụng tăng trưởng mạnh. Hầu hết các NH đều vượt quota 13% mà Ngân hàng Nhà nước giao hồi đầu năm.
Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh VietinBank Hà Nội.  	Ảnh: Thanh Hải
Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh VietinBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Cứ đến mùa ĐHCĐ thường niên, vấn đề được cổ đông quan tâm nhiều nhất vẫn là việc chi trả cổ tức trong năm và dự kiến mức cổ tức cho năm tiếp theo. Năm ngoái, một mùa ĐHCĐ không bình yên ở nhiều NHTM. Bước vào mùa ĐHCĐ, thông thường các chỉ tiêu và phương án chia cổ tức được đưa ra. Thế nhưng, tại một số NHTM, người trong cuộc chia sẻ, mỗi lần hoạch định cho một năm kinh doanh mới và chia cổ tức giữa giới chủ và ban điều hành luôn có đấu tranh căng thẳng, thậm chí “cò kè” từng phần trăm. Không ít ý kiến từ cổ đông than phiền bức xúc khi phía NH không hề chia cổ tức cho cổ đông, cho dù chỉ tiêu vẫn đạt được và lợi nhuận có kết quả dương. Giới chủ có lý lẽ rằng, so với thời điểm trước khủng hoảng, lợi nhuận NH những năm gần đây sụt giảm đáng kể. Đặc biệt, những NH đang tái cấu trúc không đặt mục tiêu lợi nhuận và cổ tức, mà chủ yếu dành để trích dự phòng rủi ro và phục vụ quá trình tái cơ cấu, nên HĐQT kêu gọi cổ đông có sự chia sẻ.

Theo số liệu mới được công bố, năm 2015 là một năm khá tích cực đối với hoạt động kinh doanh của một số NH. Dù nhiều NH đã khoe lãi cao trong năm nhưng nếu nhìn vào báo cáo tài chính, có thể thấy trích lập dự phòng rủi ro đã ăn mòn lợi nhuận.

Áp lực nợ xấu, tăng vốn điều lệ
Lợi nhuận của NH phụ thuộc rất lớn vào tình trạng nợ xấu thực sự. Đã có nhiều NH lỗ đến mức bị quốc hữu hóa hoặc buộc phải sáp nhập sau khi “tính lại” nợ xấu. Những con số lợi nhuận mà chúng ta thấy chưa chắc đã phản ánh tình trạng sức khỏe thực sự của NH. Tôi cho rằng, sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các NH trong bức tranh lợi nhuận 2015. Do đó, việc chia cổ tức cũng sẽ có sự phân hóa tương tự.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Đến thời điểm này, trong số hơn 10 NH báo cáo kết quả kinh doanh, Sacombank là NH báo lỗ nhiều nhất trong quý cuối của năm 2015, nguyên nhân được cho là đã “gánh hạn” từ Southernbank nên mới chịu ảnh hưởng lớn trong quý đầu tiên khi hoàn tất sáp nhập. Hay như Eximbank, lợi nhuận trước thuế quý IV âm 588 tỷ đồng do đã trích lập dự phòng rủi ro lên tới 935 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2014, chi phí hoạt động quý IV/2015 của ABBank (NH An Bình) tăng mạnh 28% lên 376 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 33% lên 284 tỷ đồng, gấp 2,4 lần lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy khiến tổng lợi nhuận trước thuế quý IV của ABBank lỗ gần 168 tỷ đồng.

Trong mục tiêu lợi nhuận năm 2016, nhiều NH vẫn đang tính toán thận trọng. Tổng Giám đốc một NHTMCP cho rằng, trong năm 2016, khả năng việc trích dự phòng rủi ro vẫn là áp lực đối với NH. Ngay cả ở đầu tàu lợi nhuận 2 năm qua, NH Quân đội (MB) cũng đang tính đến một chỉ tiêu vừa sức, và có thể nói là không mạo hiểm đánh đổi với yêu cầu tăng trưởng, hay thêm sức ép tăng trưởng.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, tính toán trích lập dự phòng năm 2016 được dự báo tăng mạnh lên khoảng 91.374 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với con số 74.828 tỷ đồng năm 2015 và 59.287 tỷ đồng năm 2014. Trong đó, dự phòng nợ xấu trong năm 2016 là 53.098 tỷ đồng, trái phiếu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) khoảng 38.276 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến việc trích lập dự phòng rủi ro của các NH tăng lên là do từ khi tiến hành Đề án tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu có giảm nhưng quy mô nợ xấu theo báo cáo không thay đổi nhiều.

Một số ý kiến cho rằng, mục tiêu tăng tốc lợi nhuận của các NH đang chuyển dần sang thận trọng hơn để tập trung gia cố nền móng cho sự phát triển bền vững; trong đó, ưu tiên hàng đầu là chất lượng tín dụng, mở rộng cơ cấu nguồn thu và thúc đẩy chiến lược NH bán lẻ… Một số NH đang khởi động lại kế hoạch tăng vốn điều lệ sau thời gian dồn sức tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, cải thiện lợi nhuận... Ngân hàng Nhà nước đã công bố, hoạt động NH trong năm 2016 đặt trọng tâm vào xử lý nợ xấu và tiếp tục tái cơ cấu các NH. Điều này cũng có nghĩa là hệ thống NH đang còn nằm trong tình trạng khó khăn, các nhà đầu tư khó có thể trông chờ một kết quả khả quan trong việc chi trả cổ tức trong năm 2016.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần