Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cọc bê tông cản đường xe chữa cháy

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cọc bê tông, barie kiên cố... là cách để người dân ngăn các phương tiện giao thông có tải trọng lớn đi vào, diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt khu vực ngoại thành.

KTĐT - Cọc bê tông, barie kiên cố... là cách để người dân ngăn các phương tiện giao thông có tải trọng lớn đi vào, diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, cách bảo vệ đường như vậy đã trở thành rào cản, là một trong những bất cập về giao thông chữa cháy hiện nay trên địa bàn Hà Nội.

12h ngày 5/1, tại thôn Minh Hiệp 1, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội xảy cháy lớn tại xưởng sản xuất bánh quy thuộc doanh nghiệp tư nhân Tân Việt Trung. Đám cháy bùng phát mạnh đã thiêu rụi khoảng 500m2 nhà xưởng, 2 dây chuyền sản xuất bánh, 1 ngôi nhà của chủ doanh nghiệp và có nguy cơ lan sang các hộ dân xung quanh.

Vượt quãng đường mấy chục cây số từ nội thành Hà Nội đến xã Minh Khai, huyện Hoài Đức để chữa cháy, nhưng gần đến nơi, xe cứu hỏa bị chặn lại bởi 2 chiếc cọc bê tông ngăn ôtô trên đường vào thôn. Mất 10 phút để đập tan chiếc cọc cản đường, Cảnh sát PCCC mới cho xe tiếp cận hiện trường, tổ chức chữa cháy. Lúc này, người dân mới thấm thía việc xây cọc để bảo vệ đường đã cản trở hoạt động cứu hộ, cứu nạn khi gặp các sự cố...

Bị cọc ngáng đường là một trong những tình huống "dở khóc dở cười" của Cảnh sát PCCC Hà Nội. Tại nhiều khu dân cư, đặc biệt khu vực ngoại thành, đóng cọc đã trở thành "thói quen" đối với các công trình đường sá huy động đóng góp kinh phí của người dân.

Trung tá Vương Đắc Kỷ, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC Sơn Tây kể, một lần nhận tin báo cháy xảy ra trên địa bàn huyện Phúc Thọ, Đội đã điều 4 xe đến cứu chữa. Song, còn cách đám cháy vài trăm mét thì tất cả xe chữa cháy khựng lại trước "hàng rào" cọc bê tông trên đường. Trong các vụ cháy thì thiệt hại tăng lên từng giây, từng phút. Nếu đợi phá cọc bê tông cho xe vượt qua sẽ mất nhiều thời gian. Trong tình huống trên, Cảnh sát PCCC phải huy động tất cả bình chữa cháy mang theo, cùng người dân sử dụng xô, chậu... múc nước cứu chữa. Đấy là những đám cháy nhỏ. Đối với những đám cháy lớn, việc xe chữa cháy tiếp cận điểm cháy sẽ giúp cho việc cứu chữa hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

Một cán bộ Đội Cảnh sát PCCC Đông Anh cho biết, trước đây, những con đường liên xã trên địa bàn huyện "nổi tiếng" về việc đóng cọc, bục bệ ngăn đường, chỉ đủ cho ôtô con lọt qua. Nhiều vụ cháy xảy ra, Cảnh sát PCCC xuất xe chạy hàng chục cây số đến nơi, lại phải quay về, điều loại xe nhỏ hơn thay thế. Sau nhiều năm kiến nghị, vận động, đến nay người dân ý thức được tác hại của những chiếc cọc gây ra đối với giao thông chữa cháy nên đã tự phá bỏ. 

Những bất cập giao thông chữa cháy cần được giải quyết

Theo khảo sát mới đây của Phòng Cảnh sát PCCC Công an Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có tới trên 800 đường, ngõ vào các khu dân cư nhưng xe chữa cháy không thể vào được do bị cản trở bởi cọc bê tông và sự lấn chiếm, cơi nới diện tích, bày bán hàng... ngay trên đường đi của chính người dân. Nếu chiểu theo tiêu chuẩn Việt Nam, đường giao thông chữa cháy phải đạt chiều rộng  3,5m và cao thông thủy 4,5m để xe chữa cháy có thể đi qua thì hiếm có đường nội bộ vào các khu dân cư nào đạt chuẩn như vậy. Ngay cả đường đi tại một số khu đô thị mới, đơn vị chủ đầu tư cũng không ngại đặt barie, xây cổng chào khiến xe chữa cháy bị cản. Ngoài tình trạng lấn chiếm phổ biến như trên, các loại dây của ngành Điện lực, Bưu điện chồng chéo như hiện nay cũng là tác nhân cản trở việc chữa cháy...

Trung tá Lê Phi Hùng, Phòng Cảnh sát PCCC Công an an Hà Nội cho rằng, ngay như việc tổ chức giao thông, chống ùn tắc hiện nay ở khu vực nội thành cũng đang "làm khó" cho giao thông chữa cháy. Đó là việc một số ngã ba, ngã tư đã được "bịt" bằng dải phân cách cứng khiến xe chữa cháy phải chạy đường vòng, mất thêm nhiều thời gian. Nếu vào giờ cao điểm thì xe chữa cháy cũng chịu chết trước dòng người và xe ùn tắc tại các nút này. Theo Trung tá lê Phi Hùng, ở các điểm nút giao thông này, chỉ nên sử dụng dải phân cách mềm để linh hoạt mở đường cho các phương tiện đi lại phục vụ các sự cố như cháy, cấp cứu...

Đối với lực lượng chữa cháy, một trong những yếu tố tiên quyết đảm bảo công tác chữa cháy hiệu quả là thời gian chạy xe đến điểm cháy phải được rút ngắn tối đa. Muốn vậy, những bất cập trong giao thông chữa cháy tại Hà Nội cần sớm được các cơ quan chức năng và người dân nhìn nhận, chung tay tháo gỡ.