Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Coi chừng tự đốt nhà mình khi tích trữ xăng dầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PCCC & CHCN) – Công an TP Hà Nội cảnh báo: Hành vi tích trữ xăng dầu tại nhà luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy - nổ cao, gây nguy hiểm đến tính mạng cho những người trong gia đình và cộng đồng...

Nguy cơ cháy nổ liên quan đến xăng dầu rất cao. Ảnh minh hoạ.
Nguy cơ cháy nổ liên quan đến xăng dầu rất cao. Ảnh minh hoạ.

Hoả hoạn rình rập

Thời gian vừa qua, có hàng trăm vụ cháy lớn gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân gây ra những vụ cháy chủ yếu do người dân chủ quan, thiếu ý thức, không tuân thủ quy định an toàn PCCC. Đặc biệt, là những vụ cháy liên quan đến hành vi người dân mua xăng về nhà tích trữ, hoặc dùng xăng, dầu dư thừa cất trong nhà… Mới đây, khi có thông tin xăng điều chỉnh tăng giá, đã xảy ra tình trạng hàng dài tài xế xếp hàng trước các cây xăng ở Hà Nội yêu cầu nhân viên "đổ đầy bình" cho phương tiện của mình. Thậm chí, một số người dân còn mang can, chai nhựa yêu cầu người bán hàng  đổ đầy mang về tích trữ.

Người dân đổ xô mua xăng trưa ngày 11/3 tại cây xăng Nam Đồng.
Người dân đổ xô mua xăng trưa ngày 11/3 tại cây xăng Nam Đồng.

Trong khi đó, trên thực tế hiện nay, tại các gia đình ở các thành phố lớn đa phần sống trong nhà ống, nhỏ hẹp, việc những can, chai xăng tích trữ thường được đặt tại không gian sinh sống, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Ở địa bàn Thủ đô, mật độ nhà ở, người dân rất lớn. Nhiều nhà cao tầng, khu tập thể cũ. Với không gian sống trật trội không đảm bảo an toàn về cháy nổ thì nguy cơ “bà hoả” rập bất cứ khi nào.

Vụ cháy xảy ra tại cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng (địa bàn huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) vào cuối năm 2019 là một vụ điển hình liên quan đến việc tích trữ xăng. Theo lực lượng chức năng, nguyên nhân vụ cháy do hộ dân đã để can xăng 20 lít trong nhà. Khi đi ngủ, chủ nhà mang đèn pin sạc cắm vào ổ điện gần can xăng. Nửa đêm, đèn no điện nhưng không tự ngắt dẫn đến chập điện, phát cháy. Lửa bùng phát lớn lúc nửa đêm và may mắn đã có người kịp thời phát hiện tri hô. Toàn bộ tài sản trong nhà bị thiêu rụi, rất may toàn bộ 6 thành viên gồm trẻ em và người lớn trong nhà đã được cứu thoát.

Về nguy cơ cháy nổ từ việc tích trữ xăng dầu, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: “Xăng dầu có khả năng cháy, nổ cao và có tính chất lý, hóa đặc biệt, nếu được tích trữ trong các can nhựa hoặc thiết bị chứa không phù hợp, với đặc tính của xăng dầu thì rất dễ dẫn đến hiện tượng bị hư hỏng hoặc do va đập làm vỡ, thủng thiết bị chứa dẫn đến rò rỉ xăng dầu ra ngoài, tạo thành môi trường nguy hiểm  gây cháy, nổ, đặc biệt là trong không gian kín, hẹp”.

Cũng theo Thượng tá Quyến, cùng với những thiệt hại do cháy, nổ gây ra đối với các gia đình, thì người dân (chủ gia đình) có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với những hậu quả do hành vi tích trữ xăng dầu không đảm bảo an toàn gây ra.

Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy khuyến cáo

Trước tình trạng mất an toàn về PCCC nêu trên, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH (Công an TP Hà Nội) khuyến cáo:

Đối với hộ gia đình, không được tích trữ xăng, dầu trái phép dưới mọi hình thức. Trường hợp sử dụng xăng, dầu phục vụ nhu cầu sinh hoạt (đun nấu, thắp sáng, đi lại) thì chỉ lưu giữ đủ nhu cầu trong ngày; các vật dụng, thiết bị, phương tiện chứa xăng, dầu phải bố trí tại nơi thoáng mát và phải cách xa các đồ dùng, vật dụng dễ cháy các khu vực khác thường xuyên phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt. Khu vực đun nấu phải được ngăn cách với các không gian còn lại bằng các vật liệu không cháy.

Việc sử dụng dầu hỏa để đun nấu phải đảm bảo bếp có đủ bấc dầu và thường xuyên được lau chùi sạch sẽ. Trước khi rót thêm dầu vào bếp phải tắt lửa và các nguồn nhiệt xung quanh, tuyệt đối không tận dụng các hóa chất khác như xăng hoặc xăng pha dầu, nhớt để đun bếp dầu. Trong quá trình sử dụng phải có người trông coi, giám sát.

Trang bị các phương tiện chữa cháy xách tay cũng như các kiến thức PCCC cho bản thân và mọi người trong gia đình để kịp thời ứng phó khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Cảnh sát phòng cháy chữa cháy làm nhiệm vụ trong vụ hoả hoạn tại Hà Nội.
Cảnh sát phòng cháy chữa cháy làm nhiệm vụ trong vụ hoả hoạn tại Hà Nội.

Đối với các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu: Trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh, phải tuân thủ tuyệt đối các quy định an toàn về PCCC; duy trì các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC theo quy định và quy trình an toàn trong quá trình xuất, nhập xăng dầu.

Yêu cầu ký cam kết hạn chế bán lẻ xăng, dầu cho người dân vào các dụng cụ, thiết bị chứa như: Chai, lọ, can, thùng, phuy… (trừ trường hợp chất đốt như dầu hỏa phục vụ nhu cầu đun nấu, thắp sáng thì chỉ bán với số lượng ít phù hợp với nhu cầu dung trong ngày của người dân).

Niêm yết khuyến cáo, cảnh báo về sự nguy hiểm và các nguy cơ mất an toàn PCCC đối với chất cháy là xăng, dầu tại cửa hàng để khuyến cáo đến người dân đến mua, bán xăng dầu.

Đối với cơ sở, doanh nghiệp có dự trữ xăng, dầu phục vụ sản xuất, dịch vụ vận chuyển,…

Phải có: Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, thoát nạn, phương tiện PCCC

Quy định, nội quy, biển cấm, biển báo về PCCC; sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn;

Lực lượng PCCC cơ sở được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ; quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ PCCC trong cơ sở;

Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC; có quy trình kỹ thuật an toàn về PCCC;

Phương án chữa cháy, thoát nạn; hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC; văn bản thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC theo quy định để phù hợp với đặc điểm điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tính chất hoạt động của cơ sở.

Hệ thống PCCC, phương tiện PCCC tại chỗ, phương tiện cứu người đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định về PCCC hiện hành.

Không: Tích trữ xăng, dầu ngoài các thiết bị, kho chứa đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC.

Tự ý san, chiết xăng, dầu sang các thiết bị, dụng cụ chứa không đảm bảo an toàn PCCC theo quy định.

Sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt tại những vùng, khu vực nguy hiểm cháy, nổ và những nơi có quy định cấm.

 

Xử phạt thế nào đối với hành vi tích trữ xăng dầu?

Về xử phạt hành chính, theo Khoản 4 Điều 32 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Người có hành vi tàng trữ xăng dầu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy", theo Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tuỳ theo mức độ thiệt hại về người và tài sản, người vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy thể bị phạt cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù. Khung hình phạt cao nhất lên tới 12 năm tù, trong trường hợp: Làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 05 năm.

Đối với hành vi tích trữ số lượng lớn xăng, dầu nhưng không bán ra ngoài cho người tiêu dùng nhằm mục đích chuộc lợi, gây ảnh hưởng tới cộng đồng thì có thể bị xử lý hình sự về "Tội đầu cơ" theo quy định Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá, hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá có giá trị từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc bán lại để thu lời bất chính từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30.000.000 - 60.000.000 đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Khung hình phạt cao nhất bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm trong trường hợp hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên; hoặc thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; hoặc tái phạm nguy hiểm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đối với trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt từ 300.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng tùy theo mức độ vi phạm và có thể bị áp dụng cấm kinh doanh, cấm hoạt động một số lĩnh vực nhất định, thậm chí là bị phạt tù từ 7 đến 15 năm.