Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cởi trói chính sách cho doanh nghiệp khoa học công nghệ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã có chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN), nhưng doanh nghiệp lại khó khăn tiếp cận, bởi các chính sách đang chưa sát với thực tế. Đây là nguyên nhân dẫn đến số lượng doanh nghiệp KHCN còn khiêm tốn và chưa xem trọng KHCN.

Chính sách hỗ trợ xa rời thực tế

Tính đến cuối năm 2022, cả nước có 712 doanh nghiệp đã nhận được sự công nhận đặc biệt trong lĩnh vực KHCN. Các doanh nghiệp KHCN đang hoạt động và phát triển sản xuất một cách tích cực, tạo ra nhiều việc làm và đóng góp tích cực cho xã hội. Trong số này, nhiều doanh nghiệp đã có tên trong danh sách Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam. 

Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận so với tiềm lực, thì số lượng doanh nghiệp KHCN còn khá khiêm tốn. Mặc dù Nhà nước đã thiết lập một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho các doanh nghiệp KHCN, bao gồm ưu đãi thuế thu nhập và giảm tiền thuê đất, nhưng việc thực hiện các chính sách này vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc.

Doanh nghiệp khoa học công nghệ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ.
Doanh nghiệp khoa học công nghệ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Giám đốc Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, thực tế để được chứng nhận là doanh nghiệp KHCN, hiện nhiều đơn vị phải trải qua quá trình thẩm định hồ sơ với nhiều thủ tục và quy định rườm rà. Mặt khác, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính để đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, để tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp KHCN phải có doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu KHCN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu mới được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Mặc dù mức tỷ lệ này đã giảm so với trước đây, nhưng nhiều doanh nghiệp KHCN vẫn khó có thể đạt để được hưởng ưu đãi.

 

Kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam đối với 167 doanh nghiệp thành viên cho thấy, đa số các doanh nghiệp không được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, mới chỉ có 6 doanh nghiệp được ưu đãi theo Nghị định với tổng số tiền ưu đãi là 91 tỷ đồng. Trong khi đó, 18 doanh nghiệp chưa biết tiếp cận cơ chế ưu đãi như thế nào; 1 doanh nghiệp có doanh thu sản phẩm khoa học công nghệ không đủ tỷ lệ 30% để nhận ưu đãi; 141 doanh nghiệp chưa được hưởng ưu đãi - Chủ tịch VST Hoàng Đức Thảo thông tin.

Chia sẻ thêm vướng mắc khi tiếp cận chính hỗ trợ, Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo cho biết, đối với doanh nghiệp, vướng mắc lớn nhất là vấn đề thương mại hóa sản phẩm. Ngân sách cho hoạt động KHCN còn rất ít, trong khi thủ tục còn nhiều và khó giải ngân; nguồn nhân lực phục vụ hoạt động KHCN còn thiếu và yếu. Hiện chưa có cơ chế thiết thực để bảo hộ thị trường, công nghệ, giải pháp kỹ thuật, sản phẩm mới. Cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ban hành chưa đồng bộ, tổ chức thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời.

Cần chính sách mở

Đánh giá về chính sách hỗ trợ Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam (VST) Hoàng Đức Thảo cho biết, Nghị định 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp KHCN là một bước đột phá về cơ chế chính sách hỗ trợ các hoạt động doanh nghiệp với ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, tín dụng… Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp rất hạn chế tiếp cận được chính sách, cũng như nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Theo Chủ tịch VST, để tạo động lực cho doanh nghiệp KHCN, Nhà nước cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu, theo đó thực thi các quy định về ưu đãi hoạt động đổi mới sáng tạo. Các tổ chức trực thuộc Bộ KH&CN tăng cường phối hợp với các sở KH&CN địa phương tổ chức, tập huấn, hướng dẫn, triển khai thực hiện Nghị định 13, bảo đảm doanh nghiệp KHCN đều được hưởng lợi từ Nghị định này.

Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc Nguyễn Thị Hồng kiến nghị, cần có chính sách hỗ trợ tăng cường nguồn kinh phí cho nghiên cứu cho các doanh nghiệp KHCN. Mặt khác, cần tạo cơ hội cho các doanh nghiệp KHCN giao lưu, kết nối, chia sẻ những hoạt động sản xuất kinh doanh của mình với các đơn vị trên cả nước. Bên cạnh đó, cần có thêm các chính sách mới về ưu đãi đất đai, về tín dụng đầu tư, như giảm các thủ tục tiếp cận vay ưu đãi tại Nghị định ưu đãi tín dụng đầu tư.

Trưởng Phòng Ươm tạo và phát triển doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN) Đào Quang Thủy cho biết, các doanh nghiệp KHCN hiện đang được hưởng một số ưu đãi như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm tiền thuê đất. Một số doanh nghiệp KHCN được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác của Nhà nước như miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, vay vốn với lãi suất thấp hơn doanh nghiệp thông thường… Hiện Bộ KH&CN đang lập đề xuất xây dựng luật sửa đổi Luật KH&CN, dự kiến trình trong năm nay. Bộ sẽ nghiên cứu, hoàn thiện và đề xuất sửa đổi các quy định của Luật làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển doanh KHCN.

Bộ KH&CN sẽ tham mưu, kiến nghị Chính phủ ban hành chương trình phát triển doanh nghiệp KHCN một cách cụ thể và rõ ràng kèm theo cơ chế tài chính hỗ trợ. Trong đó định hướng, hoàn thiện chính sách đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như ưu đãi đầu tư vào khu kinh tế là 15 năm; đề xuất mức thuế suất 10%; bỏ quy định việc trừ đi các ưu đãi trước đó khi doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN… Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp KHCN tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án nghiên cứu, đổi mới công nghệ từ Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia và Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia...