“Cởi trói tư duy” để xoá khoảng trống kinh tế đêm tại Việt Nam
Kinhtedothi - Kinh tế đêm đã và đang trở thành động lực phát triển kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, ở Việt Nam, lĩnh vực giàu tiềm năng này vẫn chưa được khai thác xứng tầm, dẫn đến sự thiếu hụt những trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.
Góc nhìn từ kinh tế đêm Hà Nội
Doanh nhân người Anh James Brogan, từng đến Việt Nam công tác và du lịch vài lần, ấn tượng với một vài hoạt động giải trí về đêm ở phố cổ Hà Nội như ngồi uống bia tại “ngã tư quốc tế” Tạ Hiện hay thưởng thức cà phê đường tàu Phùng Hưng.
Tuy nhiên, cũng giống như quan sát của một người bạn Ấn Độ đang sinh sống tại Việt Nam, anh James Brogan cảm nhận rằng ngoài dịch vụ ăn uống, mua sắm, khách sạn hay bar karaoke, “bữa tiệc buffet du lịch đêm” vẫn chưa có nhiều lựa chọn, dù các chương trình biểu diễn về đêm đã tăng lên đáng kể.
ThS Đặng Hoàng Anh (Trường Đại học Thương mại) nhìn nhận, thế mạnh về ẩm thực Hà Nội có thể sánh ngang các thành phố lớn của Thái Lan, tuy nhiên ẩm thực đường phố chủ yếu là bán rong. Tại các khu vực kinh doanh kinh tế đêm, dịch vụ còn nghèo nàn, chủ yếu là ẩm thực và mua sắm sản phẩm giá trị thấp.

Show hoạt náo tại Chợ đêm Sunset Town Phú Quốc.
Thống kê từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, năm 2025 ghi nhận Hà Nội đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế dịp Tết Nguyên Đán, mang về hơn 3.530 tỷ đồng. Phần lớn hoạt động vẫn chủ yếu diễn ra vào ban ngày. Một số sự kiện như lễ hội ánh sáng, lễ hội âm nhạc đã được tổ chức để thúc đẩy kinh tế đêm, nhưng phần lớn chỉ mang tính thời điểm và chưa tạo được sự liên kết dài hạn.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, dù Hà Nội đã đạt được những bước tiến đầu tiên nhờ các chính sách hỗ trợ, nhưng vẫn cần giải quyết những hạn chế nhằm tăng chất lượng kinh tế đêm.
Mặc dù trong doanh thu về lưu trú ăn uống của khách du lịch tăng đều trong những năm gần đây, nhưng du khách không chỉ muốn trải nghiệm ẩm thực mà còn mong chờ các chương trình văn nghệ đường phố mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là các buổi biểu diễn ứng dụng công nghệ hiện đại của nghệ sĩ nổi tiếng. Những hoạt động này cần tới không gian khác ngoài phố cổ.
“Thắp sáng” tiềm năng sau ánh hoàng hôn
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai, kết quả ghi nhận tại nhiều địa phương vẫn chưa đạt kỳ vọng. Không riêng Hà Nội, sức sống về đêm ở các thị trường trọng điểm như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam) hay các thành phố du lịch khác… vẫn chưa vươn hết sức.
Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu vực Bùi Viện, chợ Bến Thành là những điểm sáng ban đêm, nhưng phần lớn các dịch vụ vẫn chỉ xoay quanh ăn uống và giải trí đơn giản. Tại Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng) – những nơi đang thí điểm áp dụng kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ đến 6h hôm sau, thì thời gian khai thác hầu hết đến 22h, một số điểm cung cấp dịch vụ muộn nhất là 24h.

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng.
Trong bức tranh chung, ở những “tọa độ” du lịch tầm cao như Đà Nẵng và Phú Quốc, bức tranh kinh tế đêm đã có bước chuyển tích cực. Thành phố rực rỡ ánh sáng với các chương trình nghệ thuật đẳng cấp quốc tế, các siêu thị và khu mua sắm xuyên đêm, những điểm đến độc đáo sau ánh hoàng hôn.
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, các sản phẩm du lịch đêm được đầu tư bài bản từ một số doanh nghiệp đã tạo “cú hích” cho các địa phương. Tuy nhiên, để “thắp sáng” kinh tế đêm tại Việt Nam xứng với tiềm năng, cần nhận thức đúng đắn và các chính sách có tầm nhìn dài hạn.
Theo TS. Trần Thị Thu Hương - Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), các nước châu Âu đã thành công nhờ việc quy hoạch không gian công cộng, tạo khu vực riêng cho kinh tế đêm, đồng thời đa dạng hóa loại hình dịch vụ và kéo dài giờ mở cửa. Ngoài ra, họ còn chú trọng hỗ trợ hạ tầng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ và xây dựng cơ chế kiểm soát rủi ro.
Nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý cũng cho rằng, một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của kinh tế đêm tại Việt Nam là nhận thức và tư duy. Các nhà quản lý cần “cởi trói tư duy”, coi kinh tế đêm là một chiến lược phát triển kinh tế mũi nhọn, thay vì chỉ là một hoạt động phụ trợ. Điều này đòi hỏi sự thay đổi trong cách tiếp cận và quản lý, cũng như việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của kinh tế đêm.
Có thể khẳng định, kinh tế đêm là một lĩnh vực đầy tiềm năng, nhưng để phát triển kinh tế đêm, đòi hỏi sự đầu tư bài bản và chuyên nghiệp. Trong bối cảnh đất nước đang tập trung nguồn lực để vươn mình trong kỷ nguyên mới, việc đầu tư bài bản và quản lý hiệu quả sẽ trở thành động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trích dẫn
“Việt Nam cần tiếp cận kinh tế đêm một cách toàn diện, quy hoạch các khu vực riêng biệt và đầu tư vào các sản phẩm đa dạng như biểu diễn nghệ thuật, triển lãm văn hóa và khu vui chơi hiện đại. Với Hà Nội, việc mở rộng dịch vụ ra ngoài khu vực phố cổ sẽ giảm tải và tạo sự cân bằng” - PGS.TS Đào Thị Ái Thi (Trường ĐH Thành Đô).

GDP quý I/2025 tăng 6,93%, kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
Kinhtedothi- Kinh tế Việt Nam trong quý I khởi sắc với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,93%, tăng cao nhất so với các năm trong giai đoạn 2020-2025. Kết quả tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đặt ra cho quý I/2025 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP nhưng chưa đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 do thế giới biến động nhanh, nhiều bất ổn đã ảnh hưởng đến kinh tế xã hội Việt Nam.

Chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ là cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam
Kinhtedothi - Chiều 6/4, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài thông tin về tác động của chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ, trong đó Hoa Kỳ quyết định áp thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ
Kinhtedothi - Ngày 8/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã chủ trì cuộc họp của Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ.