Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ComBE Five và Quinvaxem đều được công nhận an toàn

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nay (24/4), Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức giao ban báo chí thường kỳ để thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội.

 PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin tại buổi giao ban báo chí
Tình hình sốt xuất huyết sẽ không quá căng thẳng
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Gần đây, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội ổn định, nằm trong tầm kiểm soát; không ghi nhận ổ dịch lớn; các ca bệnh đơn lẻ được khoanh vùng xử trí kịp thời, chưa ghi nhận trường hợp tử vong do dịch bệnh. Song, trước diễn biến thời tiết đang chuyển sang mùa hè, nóng ẩm, mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) phát triển, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường các biện pháp vệ sinh môi trường (VSMT) diệt bọ gậy, chủ động phòng chống dịch bệnh bệnh SXH, người dân chủ động các biện pháp phòng chống dịch cho bản thân và gia đình.

Bên cạnh đó, bệnh tay chân miệng cũng có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn TP, nên người dân cần nâng cao sức đề kháng và tăng cường VSMT khử khuẩn, đặc biệt lưu ý triển khai thường xuyên tại các nhà trẻ, mẫu giáo. Để chủ động phòng chống bệnh sởi, các bậc phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm chủng vắc-xin đúng thời gian, bởi đây là biện pháp phòng chống hiệu quả nhất.

Trả lời câu hỏi liệu tình hình dịch bệnh trong mùa hè năm nay, nhất là SXH và sởi, có căng thẳng như năm trước hay không, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh chia sẻ: Công tác dự báo dịch là vấn đề rất khó khăn, không ai có thể nói trước hết tình hình. Như SXH là dịch bệnh lưu hành tại địa phương, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin, nên khó nói trước năm nay dịch bệnh sẽ thế nào.

“Qua tình hình các năm trước và với các điều kiện hiện nay, SXH vẫn còn nguy cơ có thể xảy ra. Tuy nhiên, theo chủ quan của chúng tôi, năm nay, tình hình SXH sẽ không quá căng thẳng như năm 2017 nếu chúng ta chủ động ngay từ đầu năm và có những biện pháp tích cực. Đây chính là logic giữa việc “chủ động phòng chống dịch” và “diễn biến của dịch”, PGS.TS cho hay.

Cũng theo Phó Giám đốc Hoàng Đức Hạnh, rút kinh nghiệm công tác phòng chống SXH năm 2017, ngay từ tháng 12/2017, Sở đã tham mưu kế hoạch phòng chống SXH năm 2018, không giống như mọi năm mà xây dựng các phương án theo từng tình hình để có thái độ xử lý khác nhau. Ngay đầu năm, Sở đã yêu cầu 30/30 quận, huyện, thị xã cam kết cùng Sở Y tế triển khai công tác phòng chống dịch, bởi cần sự tham gia của toàn dân, các cấp, các ngành.

Giải đáp lo lắng về tình hình bệnh tay chân miệng, lãnh đạo Sở cho hay: Từ đầu năm đến giờ TP mới ghi nhận 234 trường hợp bệnh tay chân miệng, nên có thể yên tâm vì có nhiều quận, huyện, xã, phường không có trường hợp nào. Song, người dân vẫn cần chủ động, ngành y tế vẫn khuyến khích ở các trường tiểu học cũng chú trọng VSMT, khử khuẩn.
 Ảnh minh họa
Quinvaxem tại Hà Nội đủ dùng đến tháng 7/2018
Cũng tại buổi giao ban, trước một vấn đề đang thu hút sự quan tâm là tính an toàn của vắc-xin “5 trong 1” ComBE Five (sản xuất tại Ấn Độ) so với vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem (Hàn Quốc), Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hiện nhà sản xuất phía Hàn Quốc đã dừng sản xuất Quinvaxem nên Việt Nam phải thay thế bằng loại khác. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và tư vấn của Hội đồng Tư vấn vắc xin của Bộ Y tế, Bộ này đã cho phép sử dụng vắc-xin “5 trong 1” ComBE Five, với thành phần, tác dụng tương tự Quinvaxem. Vắc-xin này đã được tổ chức quốc tế cho phép sử dụng và đến nay đã sử dụng 300 triệu liều ở 43 quốc gia; trước khi vào Việt Nam, đã được kiểm định, thử nghiệm lâm sàng và thử nghiệm triển khai ở 4 huyện ở tỉnh Hà Nam năm 2016, tiêm ở 4 tỉnh trước khi Bộ Y tế quyết định cho sử dụng thay thế Quinvaxem.

“Như vậy 2 loại vắc-xin này đều an toàn, được Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế Việt Nam công nhận. Tuy nhiên, dù loại vắc-xin gì, khi sử dụng trên diện rất lớn thì vẫn có thể xảy ra phản ứng ở những mức độ khác nhau, thậm chí chí có trường hợp sốc nặng và tử vong, nhưng rất hãn hữu. Trên thế giới không có loại vắc-xin nào an toàn tuyết đối 100%”, Phó Giám đốc Sở khẳng định, và cho hay: Nếu trẻ đang tiêm Quinvaxem ở mũi thứ nhất, thứ hai thì đến mũi thứ ba hoàn toàn có thể thay thế bằng ComBE Five và cũng không phải tiêm lại từ đầu. Đến nay, Sở chưa có thông báo chính thức từ Bộ Y tế về việc sử dụng ComBE Five vào thời điểm nào. Hiện nay, lượng vắc-xin Quinvaxem vẫn được Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cân đối, tại TP Hà Nội đủ tiêm cho trẻ đến tháng 7/2018.

Phát biểu kết luận, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Trần Xuân Hà đề nghị: Các cơ quan báo chí, nhất là báo chí TP cần tiếp tục tích cực tuyên truyền đầy đủ về công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe Nhân dân, nhất là tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh, cổ vũ cho những kết quả đạt được, thể hiện được quyết tâm của TP trong phòng chống dịch bệnh; về các văn bản của T.Ư và TP, kiến thức cơ bản trong công tác phòng chống dịch bệnh…, để công tác này không chỉ của riêng ngành y tế mà toàn xã hội.