Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Còn đâu ao làng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đầu xuân năm nay, bà Thu mới có dịp về quê thăm anh em họ hàng, bà con lối xóm sau nhiều năm làm ăn nơi xứ người. Vừa đến đầu làng, bà cứ ngỡ mình đi nhầm, bởi mảnh đất nơi chôn rau cắt rốn giờ đã thay đổi quá nhiều.

Ngoài con đường bê tông sạch đẹp, mấy ngôi nhà tầng mới mọc lên, điều làm bà ngạc nhiên nhất là cái hồ lớn ở đầu làng đã bị lấp và một công trình cao tầng mọc lên. Đi tiếp xuống lối rẽ vào ngõ nhà mình, bà Thu lại thêm một lần nữa ngỡ ngàng vì cái ao ở đầu ngõ, nơi hàng ngày người dân vẫn ra ngồi dưới gốc tre hóng mát cũng đã được đổ đất, san lấp...

Trước băn khoăn của bà Thu, ông Thuận, em trai bà giải thích: "Cái ao này đã được bán cho ông Khanh với giá gần 2 tỷ đồng rồi chị ạ". Ông Thuận cũng buồn rầu kể thêm, toàn bộ hơn chục cái ao, hồ lớn, nhỏ trong làng giờ đã được san lấp khi bán hết cho các cá nhân để xây dựng nhà ở. Thậm chí, có hồ đã được đấu thầu để nuôi trồng thủy sản dài hạn (50 năm), thôn cũng thu hồi về để... bán. "Chắc đợt vừa rồi mấy cán bộ xã kiếm được kha khá từ bán" - một người họ hàng khác góp chuyện.

Ao làng không chỉ để thả cá, phát triển kinh tế của người dân thôn quê mà còn là nơi để mọi người nghỉ giải lao, chuyện trò sau những giờ lao động mệt nhọc. Hơn nữa, ao, hồ còn để thoát nước khi mưa lũ và điều hòa môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp cho làng quê, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, vì lợi ích cá nhân hoặc do thiếu "tầm nhìn" của lãnh đạo xã mà toàn bộ ao làng Đông đã bị san lấp rồi bán, để lại nhiều thắc mắc và nuối tiếc.