Còn độc quyền, dân còn thiệt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số lãi khủng từ kết quả kinh doanh năm 2013 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex...

Kinhtedothi - Số lãi khủng từ kết quả kinh doanh năm 2013 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chưa kịp lắng xuống, cuối tuần qua, dư luận lại "nóng" lên, bởi Báo cáo Tài chính quý I/2014 hợp nhất của Tập đoàn này gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy 3 tháng đầu năm nay, tổng lợi nhuận trước thuế của Petrolimex đạt 337 tỷ đồng, cao hơn mức 333,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước dù doanh thu thấp hơn.

Theo báo cáo của Petrolimex, tổng lợi nhuận trước thuế trong quý I đạt 337 tỷ đồng. Điều đáng nói là trước đó vài ngày, doanh nghiệp (DN) xăng dầu này đã kêu phải chịu lỗ 167 - 215 đồng/lít và "âm thầm" xin tăng giá.

 
Người tiêu dùng mua xăng trên phố Láng Hạ.      Ảnh:  Hải Linh
Người tiêu dùng mua xăng trên phố Láng Hạ. Ảnh: Hải Linh
 
Lãi lớn vẫn chưa hài lòng

Cũng theo báo cáo của Petrolimex, năm 2013, hoạt động của khối xăng dầu, lợi nhuận sau thuế đã đạt 1.112,17 tỷ đồng, tăng 671,06 tỷ đồng,  tăng 252% so với năm 2012. Lý giải thêm về số lãi khủng trên, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết, nếu chia mức lợi nhuận (850 tỷ đồng) cho tổng số lượng xăng dầu bán ra trong năm 2013 (9,32 triệu m3/tấn) thì bình quân mức lãi chưa đạt 100 đồng/lít. Trong khi theo Thông tư 34/TT -BTC của Bộ Tài chính quy định, lợi nhuận định mức của DN tối đa là 300 đồng/lít xăng, dầu.Theo một số chuyên gia, thực tế này cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà quản lý trước năng lực kinh doanh của Petrolimex. Liệu tỷ suất lợi nhuận thấp của Petrolimex có liên quan đến việc Tập đoàn này đã tốn quá nhiều chi phí cho hoạt động kinh doanh của mình? (Chi phí bán hàng của Petrolimex tăng từ 1.284 tỷ đồng quý I/2013 lên 1.324 tỷ đồng quý I/2014). Thực tế, chỉ cần bán ra một lít xăng là Petrolimex đã có thể thu về gần 100 đồng tiền lãi. Hơn nữa, với đặc thù của hoạt động mua bán xăng dầu, Petrolimex có lợi thế rất lớn là bán hàng thu tiền mặt ngay, nhưng khi mua lại có thể trả chậm. Trong khi Petrolimex liên tiếp kêu lỗ và xin tăng giá xăng dầu thì những thông tin về doanh thu, lợi nhuận và cơ chế hoạt động, chi phí vận chuyển và giá thực của các hợp đồng xuất nhập vẫn chưa rõ ràng, minh bạch.

Cần giảm bớt gánh nặng cho dân

Ngày 15/5, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các DN xăng dầu giữ nguyên giá bán. Đề xuất tăng giá bán của DN đã không được chấp thuận nhưng bù lại, liên Bộ Tài chính - Công Thương cho phép DN sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) đối với các mặt hàng xăng, dầu diezel và dầu hỏa khoảng từ 160 - 200 đồng/lít, kg thay vì 0 đồng/lít, kg như trước. Như vậy, dù bằng cách tăng giá hay trích Quỹ BOG, DN vẫn được bù lỗ. Chỉ có người tiêu dùng phải chịu thiệt bởi Quỹ BOG cũng là tiền đóng góp của người dân, khi âm quỹ, người dân lại phải đóng góp vào. Trình lên Thủ tướng bản dự thảo mới về Nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã bày tỏ, việc tạo nguồn cho Quỹ BOG là cần thiết. Nhưng nếu như giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ, nghĩa là DN đang lỗ, dẫn tới phải tăng giá bán lẻ mà vẫn trích lập Quỹ BOG thì mức giá bán lẻ điều chỉnh sẽ tăng thêm một khoản bằng khoản trích lập Quỹ BOG đó. Khi ấy, người dân sẽ không có cơ hội sử dụng xăng dầu với mức giá thấp. Khoản số dư Quỹ BOG 842 tỷ đồng như trên thực chất là khoản dự phòng rủi ro nhưng cũng có thể hiểu là khoản "tồn đọng" vốn trong lưu thông xăng dầu.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương từ trước đến nay khi thấy DN kêu lỗ thì đồng ý cho tăng giá hoặc trích Quỹ BOG. Về điểm mới trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ - CP là giảm biên độ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu từ 5% xuống 2%, ông Long cho rằng, chưa phù hợp với thể chế xác định giá đối với thị trường xăng dầu khi vẫn còn độc quyền. "Thời gian giãn cách giữa hai lần tăng giá tối đa là 15 ngày, nhưng với biên độ 2% như vậy, DN rất dễ lợi dụng để tăng giá liên tục. Với người dân, giá xăng tăng 2%, tức khoảng 400 - 500 đồng/lít là cả vấn đề" - ông Ngô Trí Long bình luận. Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, lợi nhuận định mức, chiết khấu hoa hồng, vấn đề độc quyền… nếu không giải quyết được thì người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận những điều bất hợp lý. Chưa kể, tới đây, Bộ Công Thương được giao chịu trách nhiệm cả về quản lý cạnh tranh, quản lý giá cả, như vậy khác nào "vừa đá bóng vừa thổi còi".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần