Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Con đường đau khổ" qua phố Keo, huyện Gia Lâm: Đã có phương án khắc phục

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối từ quốc lộ (QL) 5 vào Khu công nghiệp Hapro được thực hiện từ năm 2007 nhưng do vướng mắc GPMB nên vẫn còn 760m chưa thể thi công (phố Sủi: 160m, phố Keo: 600m). Sau 13 năm “đau khổ”, đến nay, đường qua phố Keo mới có hy vọng được hoàn thành.

 
 Đường 181 đi qua phố Keo (xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quý 
13 năm mòn mỏi
Năm 2007, UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối từ QL5 vào Khu công nghiệp Hapro. Đây vốn là tuyến Tỉnh lộ 181, sau trở thành đoạn QL17, qua phố Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm. Tổng chiều dài dự án 6,21km nhưng do vướng mắc GPMB 26 hộ dân nên vẫn còn 760m chưa thể thi công.
Đáng nói là, do vướng mắc nêu trên, không có mặt bằng thi công nên hệ thống cống thoát nước của tuyến đường chưa được lắp đặt. Hàng ngày, người dân vẫn xả thẳng nước sinh hoạt ra đường, cộng với những hôm khi mưa lớn, nước đọng trên bề mặt không có lối thoát, làm yếu liên kết, khi xe tải đi qua, mặt đường nhanh chóng sụt lún sâu, gây nứt vỡ. Gần 1km đường qua phố Keo đã trở thành “ác mộng” đối với người tham gia giao thông từ lâu.
Bộ GTVT sẽ ủng hộ phương án phân luồng, phục vụ thi công của Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội cần có sự đồng thuận của các địa phương liên quan. Bên cạnh đó, trước mắt, cần khắc phục tạm thời mặt đường để người dân lưu thông.
Ông Nguyễn Tiến Hồng - Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT
Thêm vào đó, thời gian qua, rất nhiều xe tải trọng lớn nối nhau chạy qua phố Keo, để “né” trạm thu phí BOT trên QL5 khiến đoạn đường càng thêm xuống cấp trầm trọng. Phó Đội trưởng, Đội CSGT trật tự, Công an huyện Gia Lâm Đỗ Trọng Hải cho biết: “Theo chúng tôi ghi nhận, mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt xe tải lớn nhỏ, container đi qua khu vực này”. Chính những xe tải hạng nặng này là nguyên nhân khiến đoạn QL17 qua phố Keo có nguy cơ bị hư hỏng, không thể lưu thông. Trên mặt đường có những hầm hố sâu đến 60 - 70cm; mưa thì lầy lội, nguy cơ sập sụt như đánh bẫy các phương tiện; ngày nắng bụi bặm che mờ mắt người. Trong khoảng 3 năm qua, tại đây đã có đến 10 người tử vong vì tai nạn giao thông.
Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, tuyến đường đã được duy tu, sửa chữa nhiều lần nhưng nhanh chóng xuống cấp trở lại. Thậm chí, có chỗ vừa lấp hầm hố được 1 - 2 giờ đồng hồ đã sụt lún như cũ. “Nếu không cào bóc toàn bộ mặt đường cũ lên để làm lại và đặc biệt là không xử lý được khâu thoát nước, sẽ không thể giải quyết triệt để tình trạng xuống cấp của QL17 qua phố Keo” - vị này cho hay.
45 ngày có quá khó khăn?
Tháng 5 vừa qua, liên ngành Sở GTVT - Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP đã kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép điều chỉnh thiết kế, nhanh chóng hoàn thành đoạn tuyến QL17 qua phố Keo trước mùa mưa bão. Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết: “Chúng tôi đưa ra phương án không chờ đợi GPMB 26 hộ dân còn lại, mà điều chỉnh vị trí đặt cống thoát nước ra mép đường hiện trạng hoặc tận dụng rãnh thoát nước cũ. Nếu được phê duyệt, chỉ trong khoảng 45 ngày sẽ hoàn thành thi công toàn bộ đoạn tuyến, với kinh phí xấp xỉ 1,7 tỷ đồng”.

Vấn đề đặt ra là nếu muốn quyết liệt thi công, sớm hoàn thành tuyến đường nên cấm hẳn xe cơ giới bốn bánh lưu thông qua phố Keo, vừa để bảo đảm ATGT, vừa có thể đẩy nhanh tiến độ.
Để triển khai, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã tổ chức họp lấy ý kiến của các bên liên quan về phương án phân luồng, tổ chức giao thông trong thời gian thi công. Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT huyện Gia Lâm Trần Việt Hải cho biết, do QL17 liên quan đến cả các tỉnh lân cận như: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, nhiều xe tải ra vào một số nhà máy, xí nghiệp trong khu vực nên cần có phương án phân luồng phù hợp, giảm thiểu ảnh hưởng đến vận tải. “Hoàn thành sửa chữa tuyến đường là mong ước 13 năm qua của người dân Gia Lâm. Hơn nữa, thời gian qua, Hà Nội đã thí điểm cấm xe tải từ hướng Bắc Ninh về vào buổi sáng, từ Hà Nội đi vào buổi chiều qua khu vực phố Keo, phố Sủi, kết quả không gây xáo trộn gì. Nên phương án hạn chế hoặc cấm hẳn xe tải lớn qua đây là có thể thực hiện được” - ông Hải cho hay.
Đông đảo người dân đang sinh sống dọc tuyến QL17 qua phố Keo cho biết, phần lớn xe tải nặng đi qua đây là để né trạm thu phí BOT QL5. Việc cấm hẳn nhóm xe này lưu thông trong 45 ngày để thi công, khắc phục dứt điểm nỗi khổ 13 năm qua họ phải gánh chịu là điều nên làm ngay, không thể tiếp tục chần chừ.