Con đường học vấn và tư tưởng giáo dục của Nguyễn Trường Tộ

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tạp chí Nam Phong, số 102, học giả Lê Thước viết về Nguyễn Trường Tộ: “Một nhân vật đặc biệt tuyệt vời, người ấy ôm một học vấn lớn, kiến thức lớn, nghị luận lớn, thế mà đến đâu cũng không hợp, rốt cuộc phải uất ức mang theo chí hướng mà thác, đáng đau đáng giận biết chừng nào!”.

Con đường học vấn

Để có thể “ôm một học vấn lớn, kiến thức lớn, nghị luận lớn…”, Nguyễn Trường Tộ đã phải tự mình vượt qua con đường học vấn vạn dặm đầy khó khăn. Đó là một con đường mới, rất mới so với truyền thống hàng ngàn năm của nền giáo dục theo lối khoa cử.

Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1830 (1828?), tại làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên (nay thuộc xã Hưng Trung, Hưng Nguyên, Nghệ An) trong một gia đình Thiên chúa giáo; thân sinh là cụ Nguyễn Quốc Thư làm nghề thầy thuốc.

Tượng Nguyễn Trường Tộ tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh (Nghệ An).
Tượng Nguyễn Trường Tộ tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh (Nghệ An).

Thuở nhỏ, ông học chữ Hán với cha, sau đó ông theo học với tú tài Giai ở Bùi Ngõa, cống Hữu ở Kim Khê và ông quan huyện Địa Linh về hưu ở Tân Lộc (đều ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An).

Từ hồi nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh phi thường, học đến đâu nhớ tới đó, ít khi làm bài, được truyền tụng là “Trạng Tộ”. Đệ nhị giáp Tiến sĩ Đinh Văn Chấp (1882 - 1953) cũng viết: “Lúc nhỏ Tộ cũng giỏi về lối học khoa cử, thời bấy giờ có tên là Trạng Tộ (tục danh Thầy Lân)”.

Nguyễn Trường Tộ có thời gian học chữ Hán lâu và “có vốn liếng về Hán học rất lớn, không thua các vị khoa bảng của triều đình Huế lúc bấy giờ. Văn chương, cú pháp cũng như kiến thức về lịch sử và luật lệ Đông Phương cũ, qua các bài viết của Nguyễn Trường Tộ gửi lên triều đình Tự Đức không ai chê vào chỗ nào được.

Tuy nhiên, ông không đậu đạt gì, một phần vì lẽ ông là người Công giáo nên không được đi thi, một phần có lẽ vì ông không muốn đi theo con đường khoa cử” (Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ - Con người và di cảo).

Sau khi thôi học, Nguyễn Trường Tộ mở trường dạy học chữ Hán tại nhà. Ông còn được mời dạy chữ Hán trong Nhà chung Xã Đoài. Cũng tại đây, ông được Giám mục Gauthier (Ngô Gia Hậu) dạy cho học tiếng Pháp và các kiến thức khoa học thường thức Tây phương.

Tiếp đó, với sự giúp đỡ của Giám mục Gauthier, Nguyễn Trường Tộ đã sang Hồng Kông, các nước trong khu vực Đông Nam Á, sang Pháp và các nước châu Âu. Đây cũng chính là hành trình tìm tòi, học hỏi kiến thức của ông.

Từ Hán học, ông đã bắt đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây từ những năm 1848 - 1849 và tiếp tục con đường học vấn của mình bằng Tây học khi khoảng 20 tuổi. Sự lựa chọn này của ông là bắt nguồn từ việc ông tự nhận thấy sự lạc hậu và bất lực của Hán học, sự tiến bộ của Tây học; và từ thuận lợi khách quan khi được tiếp xúc với Tây học qua ngõ hẹp là Giám mục Gauthier và các giáo sĩ thừa sai người Pháp có học vấn cao, kiến thức phong phú.

Học giả Đào Duy Anh cho biết: “Mặc dầu là người Công giáo từ lúc sinh ra, tâm hồn tiên sinh đã bị lay động mạnh bởi tiếng bom nổ ở Đà Nẵng năm 1848, và từ lúc đó, người thanh niên 20 tuổi ấy quyết từ bỏ lối học cổ truyền để đi theo lối học thực dụng”.

Trong “Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh” viết năm 1864, Nguyễn Trường Tộ viết: “Từ 15 năm nay, tôi đã biết rõ tất phải có mối lo như ngày nay, nên tôi đã ra sức tìm tòi học hỏi trí khôn của mọi người để thêm sự hiểu biết cho mình, chứ không phải chỉ mới một ngày”.

Đến đầu năm 1867, trong "Mục đích của sứ bộ đi Pháp", ông lại viết: “Mấy chục năm nay, tôi bôn tẩu trong thiên hạ, thu thập những tình thế biến thiên xưa nay, đem những điều đã đọc trong sách nghiệm ra việc đời. Đã trao đổi với ai một lời nói, một câu chuyện, thâm tâm tôi cũng có ý muốn thu lấy sự hiểu biết của người làm, của mình…”.

Trong bài "Trần Tình" (1863), Nguyễn Trường Tộ cho biết, việc học của mình thì không môn nào là không để ý, từ thiên văn, địa lý, luật lịch, binh quyền, tôn giáo, bách nghệ… cho tới thuật số, đặc biệt là chính trị và ngoại giao. Qua 58 bản di thảo còn lại và các hoạt động thực tiễn của ông đã chứng tỏ điều đó.

Con đường học vấn của Nguyễn Trường Tộ chủ yếu là con đường tự học không ngừng nghỉ. Để trở thành một nhà trí thức có kiến thức uyên bác về chính trị, quân sự, khoa học kỹ thuật, văn hóa giáo dục… là một sự kết hợp tuyệt vời giữa trí thông minh và sự kiên trì học tập, có khát vọng vươn tới những tri thức mới nhất, hiện đại nhất của Nguyễn Trường Tộ.

Nhà giáo Nguyễn Lân, từ năm 1941, trong sách Nguyễn Trường Tộ đã nhận định ông là “nhà Tây học sớm nhất của đất nước”, “có kiến thức sâu rộng”, “ có lòng yêu nước trên hết”.

Tư tưởng giáo dục thực dụng

Là người bắt đầu con đường học vấn từ giáo dục Nho học, sau đó lại có quá trình Tây học, đi sang phương Tây, Nguyễn Trường Tộ có cái nhìn vừa toàn diện, vừa cụ thể nền giáo dục khoa cử đã lỗi thời và chủ trương xây dựng một nền giáo dục mới, thực dụng và hiện đại.

Trước hết, ông phê phán một cách thuyết phục lối dạy/học cũ. Sau khi chỉ ra rất nhiều điều vô lý của nền giáo dục/học thuật nước nhà, trong "Tế cấp bát điều", ông hạ bút: "Xưa nay các nước trên thế giới chưa từng có nước nào có nền học thuật như vậy. Quả thật lạ đời!”.

Trên cơ sở sự phê phán nền học thuật cũ, từ nhận thức mới về tính ưu việt của nền văn minh phương Tây, Nguyễn Trường Tộ đề nghị một đường lối giáo dục mới, mục tiêu giáo dục mang tính “thực dụng”.

Ông cho rằng: “Không có một nền học thuật sáng suốt thì phong tục ngày một bại hoại, lòng người sẽ ngày một giả dối, phù phiếm, trống rỗng”. Quan điểm của ông về giáo dục thể hiện rõ nhất trong "Về việc học thực dụng" (7/1866) và "Tế cấp bát điều" (10/1867). Ông cho rằng: “Học những gì thực tế thì sẽ có tác dụng, học những cái vụn vặt thì chỉ cái vụn vặt, trồng đậu được đậu, đó là lẽ tự nhiên”.

Ông đề nghị triều đình hướng giáo dục tới mục tiêu mới, học những điều cần ngay cho ngày nay, vì: “Ngày xưa chống giặc bằng cung tên, ngày nay phải có đại bác mới chống được giặc”. Cho nên không thể bảo thủ, cần phải học cái hay, cái mới của người ta, phải học những cái chưa biết để mà biết, để mà làm những công việc thực tế trước mắt cũng như những công việc lâu dài: “Vậy học là gì? Là học những gì chưa biết để biết mà đem ra thực hành. Đó là thực hành những gì thực tế trước mắt và còn để lại lợi ích cho đời sau nữa”.

Từ quan niệm học thực dụng, ông đề xuất các khoa, các môn để góp phần dần dần làm tiêu tan cái “tệ đoan” do hư học đưa lại, đó là các khoa: Nông chính, thiên văn, địa lý, công kỹ nghệ, luật học. Các khoa đó bao gồm: Khoa hải lợi, khoa sơn lợi, khoa địa lợi, khoa thủy lợi và cả đáp ứng các ngành chế biến, cất giữ thực phẩm, đồ gia dụng, bào chế thuốc, trồng trọt, lập hãng buôn...

Ông còn đề nghị phát động học tập kinh nghiệm sáng kiến trong Nhân dân và đề nghị triều đình chọn người gửi ra nước ngoài để đào tạo. Ông chỉ ra: Nếu muốn sang thông hiếu hoặc chọn người sang phương Tây học tập quan sát thì nên học những cái gì, ngành nào để thiết thực, phù hợp và có lợi nhất cho phát triển đất nước.

Ông chủ trương lấy “phương pháp hay của mình” và “cả những phương pháp hay trên thế giới” để hợp dụng, thực hành song song: “Như thế những cái mới của thiên hạ có, mình cũng có và những cái mình sẵn có thì thiên hạ không có. Lấy hai điều biết mà địch lại một điều biết… Như thế ai dám khinh rẻ nước mình?”.

 

Tư tưởng giáo dục của Nguyễn Trường Tộ có thể chưa hoàn thiện nhưng chắc chắn đó là sự đột khởi theo hướng hiện đại trong lịch sử giáo dục/học thuật nước nhà. Ông xứng đáng là nhà trí thức yêu nước tiên phong chuẩn bị cho công cuộc duy tân đất nước vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.