Con đường phụng sự dân tộc của Nguyễn Văn Vĩnh

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự nghiệp duy tân văn hóa, giáo dục nước nhà của Nguyễn Văn Vĩnh thành công vì ông đã chọn đúng đường hợp với sở đắc của mình.

Nhà báo, nhà văn, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh và tờ Đăng cổ tùng báo.
Nhà báo, nhà văn, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh và tờ Đăng cổ tùng báo.

Từ cậu bé kéo quạt

Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 15/6/1882 tại thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Phú Xuyên, Hà Nội), trong một gia đình nông dân.

Do nhà nghèo, làm nông khó khăn, ông Nguyễn Văn Trực đưa cả gia đình lên ở nhờ tại nhà một người họ hàng bên ngoại là vợ của ông nghè Phạm Huy Hổ ở phố Hàng Giấy, Hà Nội để kiếm sống. Để đỡ đần gia đình về kinh tế, từ rất nhỏ, Nguyễn Văn Vĩnh đã đi chăn bò thuê ngoài bãi sông Hồng.

Năm lên 8 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh bỏ việc chăn bò thuê và xin làm chân kéo quạt mát cho lớp học của trường Thông ngôn. Với trí thông minh khác thường và ham học, vừa kéo quạt ông vừa học lỏm và nhanh chóng biết nói và viết tiếng Pháp thành thạo. Năm 1893, ông hiệu trưởng d’Argence rất cảm mến và đồng ý cho Nguyễn Văn Vĩnh dự thi tốt nghiệp lớp thông ngôn tập sự ngạch Tòa công sứ cùng với 40 học sinh của khóa học và đã đỗ thứ 12 lúc 11 tuổi. Nhờ vậy, hiệu trưởng d'Argence đặc cách xin học bổng cho ông vào học chính thức khóa học tiếp theo. Năm 1895, Nguyễn Văn Vĩnh đã đỗ đầu khóa này lúc 13 tuổi, và được tuyển đi làm thông ngôn ở Tòa sứ Lào Cai.

Từ năm 15 tuổi, khi làm thông ngôn ở Tòa sứ Bắc Giang, ông đã viết bài báo đầu tiên bằng tiếng Pháp với bút danh Tân Nam Tử với khát vọng làm một Người Nam mới.

Năm 1899, Nguyễn Văn Vĩnh được điều chuyển về Tòa sứ Hải Phòng. Tại đây ông đã tự học và tốt nghiệp phổ thông nhờ việc mua lại bộ Sách tự học chương trình phổ thông bằng tiếng Pháp. Năm 20 tuổi, ông được điều chuyển từ Hải Phòng về Tòa sứ Bắc Giang, làm thư ký cho Chánh sứ Hause. Năm 1906, ông chuyển về Tòa Đốc lý Hà Nội khi ông Hause được bổ nhiệm làm Đốc lý ở đây.

Cùng năm, Nguyễn Văn Vĩnh được cử đi Hội chợ Thuộc địa tổ chức tại TP cảng Marseille (Pháp) từ tháng 3 đến tháng 6/1906. Kết thúc hội chợ, ông ở lại thêm 1 tháng để tìm hiểu về nghề in, xuất bản và báo chí.

Trở lại Việt Nam, Nguyễn Văn Vĩnh xin thôi làm công chức Tòa Đốc lý Hà Nội. Sự nghiệp duy tân văn hóa giáo dục bằng báo chí, xuất bản của ông chính thức từ thời điểm này và nhanh chóng tỏa sáng, trở thành một trong tứ kiệt “Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn” của Hà Nội những thập niên đầu thế kỷ XX.

Hướng đến một nền giáo dục mới của dân tộc

Đóng góp đầu tiên của Nguyễn Văn Vĩnh đối với giáo dục là đứng tên viết đơn xin mở trường Đông Kinh nghĩa thục và dạy các môn chữ Quốc ngữ, Pháp văn, Diễn thuyết ở trường này. Ngoài ra, ông còn cộng tác với Francois Henry Schneider, một người Pháp gốc Đức, xuất bản tờ Đăng cổ tùng báo (1907), tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc Kỳ mà ông là chủ bút. Đăng cổ tùng báo được xem như là cơ quan ngôn luận của Đông Kinh nghĩa thục, cổ súy cho tư tưởng duy tân và mô hình giáo dục của ngôi trường này. Ông cũng là sáng lập viên của các tổ chức tiến bộ, hướng đến giáo dục nâng cao dân trí như Hội Trí tri, Hội Dịch sách, Hội Giúp đỡ người Việt sang Pháp học...

Nguyễn Văn Vĩnh luôn hướng đến một nền giáo dục dân tộc mới, tiến bộ và công bằng. Ông phê phán giáo dục Nho học đã lỗi thời, lạc hậu: “Một nền giáo dục như vậy, không khi nào thể hiện là một nền giáo dục hoàn toàn hữu ích”.

Trong bối cảnh chính quyền thực dân thực hiện cải cách giáo dục, ông cũng không đồng tình với xu hướng đoạn tuyệt hoàn toàn với nền giáo dục cũ và chỉ rõ nền giáo dục mà người Pháp đang xây dựng cũng chỉ là nhằm phục vụ cho lợi ích của họ: “Nền giáo dục chính thức hiện nay của người Pháp, thường tỏ ra như một phương thức để chuẩn bị cho những sản phẩm của mình chuẩn bị cho vị trí làm việc trong hệ thống của nhà cầm quyền, hoặc có một số sẽ làm việc cho tư nhân”.

Ông khẳng định: “Sự can thiệp của người Pháp, thực chất chỉ là một sự đổi ngôi của tầng lớp cai trị, họ bỏ mặc đa số người dân vẫn lầm lũi theo cách sống và mức sống như cách đây nửa thế kỷ. Việc đem lại sự thay đổi trong xã hội, hiển nhiên là kết quả của việc sử dụng chữ viết mới: chữ Quốc ngữ… Vì vậy, người An Nam mình vẫn phải giữ là người An Nam nếu chúng ta muốn tận dụng được những thành quả tốt đẹp của nền văn minh châu Âu mà người Pháp đã đem đến một phần ở đất nước này”.

 

Với sự nỗ lực của rất nhiều người mà trong đó Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những người tiên phong, để đến năm 1918, với việc bỏ chế độ giáo dục khoa cử Hán học, chữ Quốc ngữ đã chiến thắng, trở thành chữ viết chính thức của người Việt, dân tộc Việt. Từ đó, một nền Quốc học mới được hình thành. Với một tinh thần yêu nước sâu sắc, Nguyễn Văn Vĩnh đã thành công khi chọn cho mình một con đường phụng sự riêng, phù hợp với sở đắc của mình là ngôn ngữ và báo chí, văn chương.

Ông nói:“Muốn giữ được mình, trước tiên phải có một hệ thống giáo dục riêng của dân An Nam, dạy bảo và nuôi nấng trẻ em để trở thành người An Nam thực sự. Giữ vững những tính cách tích cực đã từng tạo nên sức mạnh An Nam, sức mạnh đã được thử thách qua bao thăng trầm của quá khứ với lịch sử khốc liệt”.

Phát triển Quốc học và Quốc ngữ bằng báo chí, xuất bản

Với Nguyễn Văn Vĩnh, báo chí, xuất bản là để truyền bá chữ Quốc ngữ; chữ Quốc ngữ là phương tiện để phát triển báo chí, truyền bá tư tưởng, văn hóa và học thuật.

Nguyễn Văn Vĩnh là người làm chủ nhiệm, chủ bút nhiều nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Ông là chủ bút tờ Đăng cổ tùng báo (28/3 - 14/11/1907). Sau khi Đăng cổ tùng báo đình bản, ông ra tờ báo tiếng Pháp Notre Journal (1908 - 1909). Một năm sau, năm 1910, ông lại chủ trương ra tờ Notre Revue bằng tiếng Việt (tồn tại được 12 số). Cùng năm đó, ông làm chủ bút tờ Lục Tỉnh tân văn ở Sài Gòn. Đầu năm 1913, ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tuần báo Đông Dương tạp chí (15/5/1913 - 15/9/1919), ở Hà Nội. Tất cả các tờ báo mà ông làm chủ bút, đặc biệt là Đông Dương tạp chí đã nỗ lực phổ biến chữ Quốc ngữ, truyền bá tư tưởng Âu Tây bằng cách dịch những tác phẩm hay của nước ngoài, nhất là của Pháp sang Quốc ngữ.

Năm 1919, tuần báo Đông Dương tạp chí đổi thành Học báo vẫn do ông làm chủ nhiệm. Cùng năm, ông mua lại tờ Trung Bắc tân văn và cho xuất bản nhật báo, là tờ nhật báo đầu tiên ở Bắc Kỳ. Năm 1931, ông cho ra tờ báo bốn thứ tiếng “Annam Nouveau” và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút cho tới năm 1936.

Trong 30 năm làm báo, Nguyễn Văn Vĩnh say mê viết mọi lĩnh vực, mọi thể loại và luôn thể hiện được sự uyên bác, thông tuệ của một người trí thức mẫn cảm với thời cuộc. Các tác phẩm báo chí, văn học, dịch thuật... của ông không chỉ phản ánh tư tưởng về chính trị, xã hội, văn hóa, học thuật của một học giả mà đồng thời là những nỗ lực trong quá trình phát triển hoàn thiện và truyền bá chữ Quốc ngữ.

Nguyễn Văn Vĩnh và nhóm Đông Dương tạp chí từ rất sớm đã hô hào dân chúng học chữ Quốc ngữ và vận động giới trí thức, tân học và cựu học “cũng nên dùng Quốc văn mà phát đạt nó ra cho cả người đồng - bang được hưởng”. Để khắc phục những lủng củng, vụng về ban đầu của chữ Quốc ngữ, ông đề xuất một biện pháp đơn giản và hiệu quả là tất cả các thể loại sách, báo, văn chương, thơ phú… đều sử dụng chữ Quốc ngữ để mọi người làm quen và hoàn thiện dần khả năng sử dụng từ, cách đặt câu, cách viết, chấm phẩy... thống nhất cả ba miền.

Theo ông, mỗi miền nếu chịu học những từ chuẩn của nhau thì chữ Quốc ngữ sẽ ngày càng rõ ràng và trên văn tự có sự thống nhất trong cả nước. Ông muốn chữ Quốc ngữ có lối viết có luật lệ, có kinh điển để “xứng đáng làm văn chương riêng của nước Nam ta”. Ông đề nghị chính quyền không chấp nhận đơn từ viết sai chính tả trừ những trường hợp khẩn cấp. Từ năm 1913, ông đã cho đăng trên Đông Dương tạp chí bảng mẫu chữ cái bao gồm một số nguyên âm và phụ âm, các số đếm từ số 1 đến 9 và số 0. Ông còn đề xuất cách phiên âm tiếng nước ngoài sang chữ Quốc ngữ. Ông còn soạn sách tự học chữ Quốc ngữ.