Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Con đường xanh hướng tới Phát triển cộng đồng bền vững

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – 25 năm qua, Tổ chức Bánh mì cho Thế giới đã đồng hành cùng nhiều đối tác ở Việt Nam để thực hiện 450 dự án và chương trình; trực tiếp hỗ trợ cho khoảng 5 triệu người đang gặp khó khăn.

Các giải pháp xanh với biến đổi khí hậu

Ngày 19/10, Tổ chức Bánh mì cho Thế giới và các đối tác tổ chức Hội thảo Con đường xanh hướng tới phát triển cộng đồng bền vững. Sự kiện có sự tham dự của hơn 100 đại diện đến từ các đối tác chiến lược, các cộng đồng thụ hưởng dự án của Tổ chức Bánh mì cho Thế giới, các cơ quan chính phủ, đại sứ quãn, quỹ và giới truyền thông.

Trưởng Văn phòng đại diện Bánh mì cho Thế giới khu vực Việt Nam – Lào Eva-Maria Jongen cho biết: Khi chúng tôi thực hiện các giải pháp giảm thiểu hay thích ứng với biến đổi khí hậu đều hỗ trợ sinh kế bền vững. Ảnh: Trần Oanh.
Trưởng Văn phòng đại diện Bánh mì cho Thế giới khu vực Việt Nam – Lào Eva-Maria Jongen cho biết: Khi chúng tôi thực hiện các giải pháp giảm thiểu hay thích ứng với biến đổi khí hậu đều hỗ trợ sinh kế bền vững. Ảnh: Trần Oanh.

Biến đổi khí hậu ngày càng là mối đe dọa đối với sự phát triển bền vững toàn cầu. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên – Môi trường, mực nước biển dâng gây mất 5% đất dọc các bờ biển và giảm 10% GDP. Tác động của biến đổi khí hậu – trong đó có hạn hán và suy giảm tài nguyên nước, xói lở đất và mất chất dinh dưỡng trong đất, sa mạc hóa, gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai. Không chỉ vậy, tác động của biến đổi khí hậu đã là suy giảm sản xuất lương thực, thực phẩm – đã gạt đi bao thành tựu đạt được, làm chậm sự phát triển trong nhiều lĩnh vực và có ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của đời sống con người.

Các đại biểu tham dự Hội thảo thưởng thức những sản phẩm do Tổ chức Bánh mì cho Thế giới đồng hành cùng nhiều đối tác hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn. Ảnh: Trần Oanh
Các đại biểu tham dự Hội thảo thưởng thức những sản phẩm do Tổ chức Bánh mì cho Thế giới đồng hành cùng nhiều đối tác hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn. Ảnh: Trần Oanh

Năng lượng vừa là bài toán, vừa là lời giải trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Sản xuất và tiêu thụ năng lượng hiện là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Mặt khác, sự phát triển đột phá của năng lượng gió và mặt trời đã trở thành giải pháp then chốt để cứu loài người khỏi thảm họa khí hậu.

Trong 25 năm qua, Tổ chức Bánh mì cho Thế giới đã đồng hành cùng nhiều đối tác ở Việt Nam để thực hiện 450 dự án và chương trình; trực tiếp hỗ trợ cho khoảng 5 triệu người đang gặp khó khăn. Quan hệ đối tác đa phương nhấn mạnh các giải pháp xanh đối với biến đổi khí hậu, bao gồm các mô hình nông nghiệp thân thiện với môi trường, sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, các sáng kiến về năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo, tăng cường hấp thụ các-bon và thúc đẩy khôi phục hệ sinh thái và nâng cao khả năng chống chịu với khí hậu cho các cộng đồng còn gặp khó khăn.

Mô hình trồng rau hữu cơ tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. 
Mô hình trồng rau hữu cơ tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. 

Thông qua những hoạt động của các đối tác của Tổ chức Bánh mì cho Thế giới, người dân địa phương, đặc biệt là người nghèo dân tộc thiểu số được tăng cường năng lực, xác định được các tốt nhất để giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với bối cảnh của mình. Tổ chức Bánh mì cho Thế giới và các đối tác đã đẩy mạnh các giải pháp về tiếp cận năng lượng sạch trong các cộng đồng, gia tăng các cơ hội phát triển công bằng; đảm bảo sức khỏe và phát triển bền vững cho người dân địa phương.

Cải thiện sinh kế cho người dân địa phương

Tại Hội thảo các đối tác thực hiện những dự án của Tổ chức Bánh mì cho Thế giới đã chia sẻ kinh nghiệm, cũng như hiệu quả khi thực hiện dự án. Bà Chu Thị Hà - Giám đốc Chương trình Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) đã có chia sẻ về việc hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân: 3 dự án mà Tổ chức ActionAid Việt Nam và Quỹ AFV đang thực hiện có độ phù hợp và bổ trợ rất lớn đối với những chương trình, dự án các đối tác đang triển khai.

Hỗ trợ mô hình điện mặt trời cho nuôi tôm thâm canh thuộc Dự án Chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu tại  khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 
Hỗ trợ mô hình điện mặt trời cho nuôi tôm thâm canh thuộc Dự án Chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu tại  khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

“Dự án có nhiều hoạt động nhưng tập trung vào nâng cao năng lực và hiểu biết và cam kết chuyển đổi năng lượng cho những người đang chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ Dự án Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, AFV hỗ trợ 248 hộ gia đình lắp đặt mô hình năng lượng, sản xuất năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời), sử dụng cho 2 mục đích chính là nuôi tôm ăn nuôi, tôm hộ gia đình. Hiện nay chúng tôi đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm và đang nghiên cứu và đưa vào triển khai trên diện rộng” – bà Chu Thị Hà cho hay.

Dự án xây dựng năng lực dựa vào cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long với mô hình lúa chịu mặn. 
Dự án xây dựng năng lực dựa vào cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long với mô hình lúa chịu mặn. 

Ông Trịnh Văn Hoặt đến từ ấp Bình Điền, xã Long Điền Tây, tỉnh Bạc Liêu – đại diện một hộ gia hưởng lợi từ dự án do AFV thực hiện cho hay: “Tổ chức Bánh mì cho Thế giới và Quỹ AFV  đã hỗ trợ gia đình 70 triệu đồng và chúng tôi đối ứng 21 triệu đồng; nhờ đó chúng tôi sản xuất điện bằng năng lượng mặt trời, đã làm được 2 ao nuôi tôm và 1 ao xử lý nước thải. Sau 1 năm tôi đã đối ứng đủ 21 triệu đồng và hiện nay mỗi tháng gia đình tiết kiệm được 1,5 triệu đồng tiền điện” – ông Hoặt phấn khởi khoe.

Theo Trưởng Văn phòng đại diện Bánh mì cho Thế giới khu vực Việt Nam – Lào Bà Eva-Maria Jongen, biến đổi khí hậu là vấn đề, thách thức mà chúng ta không thể nào bỏ qua được. Nó cũng là thách thức lớn đối với phần lớn cộng đồng dễ bị tổn thương ở các dự án mà chúng tôi hỗ trợ. Chính vì vậy, chúng tôi đã ưu tiên rất nhiều kinh phí để tài trợ các dự án giải quyết những vấn đề về biến đổi khí hậu và tăng cường năng lực biến đổi khí hậu và năng lực chống chịu biến đổi khí hậu ở các cộng đồng.

Khi chúng tôi thực hiện các giải pháp giảm thiểu hay thích ứng với biến đổi khí hậu đều có hoạt động hỗ trợ sinh kế bền vững cho cộng đồng. Ngoài ra, chúng tôi hợp tác với các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu để xây dựng cơ sở học tập nhằm chia sẻ kinh nghiệm và phổ biến kiến thức biến đổi khí hậu. Và, góp phần tích cực để nâng cao năng lực cho cộng đồng và những đối tác đang hoạt động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu này.