Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơn gió kỳ lạ ở Himalaya đang hạn chế biến đổi khí hậu

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những cơn gió Katabatic tràn xuống từ khu vực cao của dãy Himalaya đang góp phần bảo vệ hệ sinh thái ở những vùng thấp hơn.

Các sông băng ở dãy Himalaya đang tan chảy nhanh chóng không còn là điều gì quá mới mẻ, tuy nhiên, kỳ lạ hơn cả là hiện tượng này đang làm chậm tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Sông băng ở Himalaya đang tan chảy nhanh chóng. Ảnh: CNN
Sông băng ở Himalaya đang tan chảy nhanh chóng. Ảnh: CNN

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience vào ngày 4/12, nhiệt độ ấm tác động lên một số khối băng ở độ cao nhất định sẽ tạo ra những cơn gió mạnh thổi xuống sườn dốc, còn được gọi là gió Katabatic.

Francesca Pellicciotti, chuyên gia về băng hà tại Viện Khoa học và Công nghệ Áo, giải thích rằng: “Khí hậu ấm lên sẽ tạo ra chênh lệch nhiệt độ lớn giữa các luồng không khí phía trên sông băng Himalaya. Luồng không khí lạnh hơn sẽ tiếp xúc trực tiếp với bề mặt khối băng.”

“Điều này sẽ thúc đẩy việc trao đổi nhiệt trên bề mặt sông băng và làm nguội nhanh hơn các luồng không khí trên bề mặt. Khi không khí trên bề mặt khô, mát, chúng trở nên lạnh và đặc hơn, từ đó di chuyển dọc xuống sườn núi, tràn vào các thung lũng và làm mát những khu vực thấp hơn của sông băng cũng như các hệ sinh thái lân cận” – Bà giải thích.

Bà Pellicciotti cho biết: “Gió Katabatic là nét đặc trưng và thường xuyên xảy ra tại các sông băng ở dãy Himalaya và các thung lũng gần đó. Tuy nhiên, theo những gì chúng tôi quan sát được, các cơn gió này đang gia tăng đáng kể về cường độ và thời gian hoạt động, có thể bắt nguồn từ sự nóng lên toàn cầu”.

Với việc băng, tuyết từ dãy núi này chảy vào 12 con sông, cung cấp nước ngọt cho gần 2 tỷ người ở 16 quốc gia, điều quan trọng là cần phải xem các sông băng ở dãy Himalaya có thể duy trì khả năng tự làm mát hay không, nhất là khi khu vực này đang đối mặt với nguy cơ nước biển dâng trong vài thập kỷ tới.

Đồng tác giả nghiên cứu Nicolas Guyennon, thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Ý, cho biết: “Chúng tôi tin rằng gió Katabatic là phản ứng của các dòng sông băng trước nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng cao và hiện tượng này giúp bảo tồn các lớp băng vĩnh cửu và thảm thực vật xung quanh”.

Sông băng tan chảy

Vào tháng 6, một báo cáo cho biết trong khoảng thời gian từ 2011-2020, các sông băng ở Himalaya đang tan chảy nhanh hơn so với thập kỷ trước, cho thấy tác động ngày càng lớn của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Fanny Brun, nhà nghiên cứu tại Institut des Géosciences de l'Environnement, Grenoble, Pháp, cho biết: “Nhiệt độ tăng khiến các con sông mất đi đáng kể lượng băng của mình. Việc các sông băng ngày càng mỏng hơn sẽ làm tăng thêm nhiệt độ không khí do bề mặt hấp thụ năng lượng lớn hơn”.

Sự hấp thụ năng lượng ở bề mặt bắt nguồn từ hiệu ứng Albedo. Những bề mặt sáng hoặc trắng như băng tuyết sẽ phản chiếu nhiều ánh sáng mặt trời hơn (Albedo cao) so với bề mặt “tối” như vùng đất phía dưới lớp sông băng, đất và đại đương (Albedo thấp).

Tuy nhiên, tại chân núi Everest, các phép đo cho thấy nhiệt độ trung bình lại ổn định một cách kỳ lạ thay vì tăng lên. Một nghiên cứu chi tiết cho thấy những gì đang thực sự xảy ra.

Franco Salerno, nhà nghiên cứu của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Ý, hay CNR, cho biết: “Trong khi nhiệt độ tối thiểu bề mặt vẫn duy trì đà tăng đều đặn, nhiệt độ tối đa vào mùa hè lại liên tục giảm’.

Tuy nhiên, ngay cả khi xuất hiện các cơn gió mát, nhiệt độ ngày càng cao và biển đổi khí hậu đang làm tan băng nhanh chóng. Thomas Shaw, thành viên nhóm nghiên cứu ISTA, cho biết rất khó để giải thích tình trạng tan băng nhanh chóng tại các con sông băng.

“Việc làm mát chỉ mang tính cục bộ và chưa đủ để ngăn cản tác động khủng khiếp của hiện tượng nóng lên toàn cầu lên các dòng sông băng”.

Pellicciotti giải thích việc thiếu dữ liệu nghiên cứu ở các khu vực có độ cao lớn trên toàn cầu là nguyên nhân khiến nhóm nghiên cứu tập trung khai thác dữ liệu tại trạm ở Himalaya.

Bà khẳng định hiện tượng được nghiên cứu trong báo cáo có thể xảy ra tại bất kỳ dòng sông băng nào trên toàn thế giới, đồng thời cho biết nghiên cứu này sẽ tạo động lực để thúc đẩy những nỗ lực tương tự mang tính dài hạn ở các khu vực có độ cao lớn hơn.