70 năm giải phóng Thủ đô

Con hư vì bố mẹ quá nuông chiều

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chị dắt con đi mua sắm quần áo, giày dép hàng hiệu, đồ dùng học tập cũng phải thật "độc".

KTĐT - Cô con gái càng lớn, người mẹ càng chú ý cho con ăn diện, làm dáng. Chị dắt con đi mua sắm quần áo, giày dép hàng hiệu, đồ dùng học tập cũng phải thật "độc". Chị tự hào khi thấy con trông nổi bật giữa đám bạn bè. Và chị không ngờ, mình đã gieo vào đầu con ý nghĩ mình thuộc đẳng cấp cao, chỉ dùng đồ sành điệu.

Biết con gái cô bạn thân mới đoạt giải văn nghệ thành phố, chị Hồng tỏ ý muốn mua tặng cháu đôi giày và cô bé 14 tuổi đã dẫn ngay chị vào một cửa hàng đồ hiệu, đòi mua đôi có giá đắt nhất, hơn một triệu đồng.

Tình huống trên khiến chị Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) dở khóc dở cười. Khi đó, trong túi chị chỉ có vài trăm nghìn đồng. Chị bối rối không biết làm sao, nên đành thú thật: "Cháu còn đang đi học, cô nghĩ không cần dùng đồ đắt tiền vậy đâu. Hay cháu chọn đôi khác nhé". Chị không ngờ, cô bé vùng vằng: "Cháu quen dùng hàng 'xịn' rồi, cô không có tiền thì thôi ạ" khiến cả chị và và mẹ cô bé đều đỏ mặt.

Sau này, nghe người bạn kể, chị Hồng mới biết, từ nhỏ, cô bé đã quen được bố mẹ chiều chuộng. Cả hai vợ chồng người bạn chị đều có thu nhập cao, lại chỉ sinh được một cô con gái nên không tiếc tiền đầu tư cho con. Từ khi con còn nhỏ, mua sắm gì cho bé, bố mẹ cũng chọn những thứ có thương hiệu nổi tiếng, đắt tiền.

Cô con gái càng lớn, người mẹ càng chú ý cho con ăn diện, làm dáng. Chị dắt con đi mua sắm quần áo, giày dép hàng hiệu, đồ dùng học tập cũng phải thật "độc". Chị tự hào khi thấy con trông nổi bật giữa đám bạn bè. Và chị không ngờ, mình đã gieo vào đầu con ý nghĩ mình thuộc đẳng cấp cao, chỉ dùng đồ sành điệu.

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Ngọc Phượng, Viện Môi trường và Các vấn đề xã hội thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, trong tình huống trên, cách cư xử của cô con gái chính là hệ quả của cả quá trình chăm sóc và giáo dục không hợp lý của phụ huynh.

Bà Phượng cho biết, trong một buổi giao lưu và trao đổi với các sinh viên về tình yêu, một thiếu nữ đưa ra tiêu chuẩn "3G": giỏi, giàu, già và nói đó là xu thế chọn bạn trai của đa số bạn gái trẻ bây giờ.

Theo bà, khi một đứa trẻ từ bé được chu cấp quá đầy đủ, được đáp ứng mọi nhu cầu một cách vô điều kiện thường ít biết quý trọng sức lao động của cha mẹ và luôn có thói quen hưởng thụ dù chưa kiếm ra tiền. Nhiều bố mẹ luôn thích con ăn mặc thật xịn, cho con tiêu xài thoải mái mà không biết mình đã vô tình tạo cho con một lối sống xa hoa, coi trọng vật chất. Hơn thế điều này còn khiến nhiều trẻ đã vượt khỏi tầm kiểm soát của bố mẹ và nhiều hệ luỵ đã xảy ra.

Gia đình chị Tú, Ba Đình, Hà Nội mấy ngày nay tá hỏa khi phát hiện cô con gái 17 tuổi đã nói dối bố mẹ suốt hơn một năm trời. Chẳng là, hơn năm trước, anh chị lo cho con đi du học Singapore. Từ đó, họ thỉnh thoảng trao đổi với con qua email, chat và cứ hằng tháng gửi tiền cho con tiêu và ăn học qua tài khoản ngân hàng.

Mới đây, họ ngã ngửa khi biết cô con gái chỉ ở Singapore vài ba tháng, do sức học đuối không theo kịp trình độ, đã tự bỏ trường, bay về TP HCM ở nhờ nhà bạn và rồi cứ một thời gian lại bay sang Singapore để rút tiền bố mẹ gửi cho để tiêu pha, chơi bời. Tin này anh chị biết được qua người anh họ của con. Cậu đã vô tình biết được sự thật trong một lần vào Sài Gòn công tác, và sợ cứ đà ăn chơi này, tương lai cô bé chẳng biết đi đến đâu nên báo lại với vợ chồng chị Tú.

Lúc này, chị Tú mới ân hận bởi đã quá nuông chiều và tin tưởng con. Trước đây, chị vẫn nghĩ rằng bố mẹ làm việc vất vả cũng chỉ vì con nên chẳng bao giờ tiếc gì. Từ lớn đến bé, con gái chị muốn mua sắm gì hay xin tiền chơi với bạn bè, chị chẳng bao giờ từ chối. Nhiều khi, con xin tiền, chị cũng chẳng cần hỏi lại xem cô bé dùng vào việc gì. "Con mình là đứa ngoan ngoãn, mình đẻ ra nó và mình hiểu nó", chị từng biện minh thế khi có người nhắc nhở.

Theo nhà tâm lý Ngọc Phượng, trẻ ở tuổi mới lớn rất nhạy cảm, tò mò và luôn thích cái mới. Chúng rất dễ trở nên đua đòi nếu bố mẹ không có sự quan tâm sát sao, lại đáp ứng vô điều kiện các đòi hỏi của trẻ. Khi đã có thói quen tiêu xài thoải mái, được chu cấp đầy đủ, trẻ cũng sẽ không cảm thấy cần phải nỗ lực học tập, lao động. Chính sự cho con tiền quá "thoáng", để trẻ sử dụng đồng tiền vào việc gì cũng không biết sẽ đẩy trẻ tới những hành vi sai như: chơi game, mua sắm các đồ không cần thiết, thậm chí cả hút sách, chơi bời...

Không chỉ vậy, có quá nhiều tiền trong tay đôi khi lại gây nguy hiểm cho chính trẻ. Trường hợp cậu con trai chị Bích (Từ Liêm, Hà Nội) là một điển hình.

Chị Bích bất ngờ khi cô giáo chủ nhiệm gọi điện thoại mời tới trường. Cô giáo cho biết, mới đây, nhờ một người bạn cùng lớp nói, cô phát hiện, cậu con trai lớp 9 của chị đã bị một nhóm học sinh lớp 10 cùng trường "trấn" suốt 5 tháng. Khi cô giáo tìm hiểu thì được biết, trông con trai chị ăn mặc, dùng đồ đắt tiền, tiêu pha có vẻ "rủng rỉnh" nên nhóm "đàn anh" kia đã hăm dọa và bắt cậu bé mỗi ngày phải nộp tiền cho chúng, nếu không sẽ bị đánh. Suốt mấy tháng liền, con trai chị đã nộp mất gần một triệu cho các "đàn anh", trong khi chị vẫn nghĩ tiền đó cháu dùng để ăn sáng, mua sách vở, đồ dùng học tập hay đãi bạn bè.

Theo bà Phượng, dù gia đình có điều kiện, nhưng bố mẹ cần để con hiểu rằng đồng tiền là kết quả sức lao động của người khác, nên cần được sử dụng hợp lý và có ý nghĩa. Chính bố mẹ cũng nên kiềm chế trong tiêu dùng kể cả khi có điều kiện, đồng thời cũng đừng chứng minh với con sự giàu có của mình. Bố mẹ nên là tấm gương về chi tiêu cho con cái.

Bà Phượng cho rằng, để làm được điều này, khi con còn nhỏ, bố mẹ nên chia sẻ với con về chi tiêu trong gia đình ở mức độ vừa phải để trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền và có sự cảm thông với bố mẹ. Ngoài ra, khi cho con tiền, cần biết con sử dụng vào mục đích gì.

"Với những việc như để con mua sách hay phục vụ những sở thích lành mạnh của trẻ như tham gia các câu lạc bộ học tập, vui chơi bổ ích, bố mẹ nên tạo điều kiện, nếu cùng con tham gia các hoạt động này sẽ dễ gần gũi trẻ hơn", bà Phượng chia sẻ.

Tuy nhiên, tuyệt đối tránh tình trạng kiểu kể công, chì triết hay hạch sách khi đưa tiền cho con. Như thế sẽ tạo tâm lý phản ứng không có lợi ở trẻ.

*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi