Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Cơn khát” tại vùng rốn hạn hán

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 2.100ha cây trồng khô hạn và thiếu nước, trong đó 900ha diện tích cây trồng bị mất trắng, 10 nghìn hộ dân chờ đợi từng lít nước trợ cấp để sinh hoạt hàng ngày... đó là những con số báo động về tình trạng hạn hán chưa từng có trong lịch sử tại tỉnh Kon Tum, gây thiệt hàng hàng chục tỷ đồng.

Thiệt hại 94 tỷ đồng trong đại hạn

Mùa mưa năm 2015, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Kon Tum chỉ đạt 1.100-1.600mm, bằng 40%-60% lượng mưa trung bình nhiều năm. Trong những tháng vừa qua, địa bàn tỉnh hầu như không có mưa. Nhiều hồ đập, sông suối đã cạn trơ đáy. Riêng sông Đăk Bla từ giữa tháng 2 mức nước đã xuống thấp nhất trong lịch sử khi chỉ đạt 514m. 

Tình trạng hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cây trồng nông nghiệp và cuộc sống sinh hoạt của người dân. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2.100ha cây trồng thiếu nước, trong đó có hơn 1.200ha lúa, gần 1.000ha cây công nghiệp và 25ha rau màu các loại. Tình trạng thiếu nước đã khiến 900ha cây diện tích cây trồng mất trắng và 1.300ha cây trồng bị giảm năng suất. Ước tính thiệt hại do hạn hán gây ra đối với sản xuất nông nghiệp vào khoảng 93 tỷ đồng.
  Nhiều diện tích cây trồng tại tỉnh Kon Tum khô héo vì hạn nặng
Nhiều diện tích cây trồng tại tỉnh Kon Tum khô héo vì hạn nặng
Hầu hết các diện tích cây trồng mất trắng tập trung tại các khu vực khe suối, đập tạm thuộc địa bàn huyện Kon Rẫy, huyện Đắc Hà, huyện Ngọc Hồi, huyện Đăc Glei. Người dân ở đây cho biết, công tác bơm nước chống hạn không thể thực hiện bởi nguồn nước tại các đập dâng và khe suối khu vực xung quanh diện tích canh tác đều cạn kiệt.

Tại một số cánh đồng như 1A, 1B xã Đăk La, huyện Đăk Hà, cánh đồng Đăk Sia 2 huyện Sa Thầy, cánh đồng thôn Hòa Bình, xã Sa Nghĩa, trông chờ vào nguồn nước “nhỏ giọt” tại các trạm bơm Vinh Quang, Đoàn Kết. Nguồn nước này chỉ để “cầm chừng” sự sống cho cây trồng.

Trước tình trạng nắng hạn kéo dài, chị Hoàng Thị Hường (thôn 1, thị trấn Sa Thầy) tỏ ra lo lắng: “Cây trồng bị khô cháy, lương thực dự trữ cũng dần cạn kiêt, người dân chúng tôi chưa biết lấy gì để sống trong những tháng giáp hạt”.

Mặc dù được duy trì nguồn nước từ các trạm bơm thủy lợi trong 2 tháng vừa qua nhưng 150ha cà phê và hồ tiêu trên cánh đồng xã Đoàn Kết, TP Kon Tum đang đứng trước nguy cơ khô héo vì nguồn nước cạn dần. 

Bên cạnh những thiệt hại về nông nghiệp, cuộc sống sinh hoạt của người dân cũng hứng chịu không ít khó khăn. Toàn tỉnh Kon Tum có 45 công trình nước sinh hoạt, nguồn nước đến của các đầu mối bị cạn kiệt, hạn chế cấp nước sinh hoạt cho khoảng hơn 1.000 hộ dân, có 8.000 giếng nước có khả năng bị thiếu nước do lưu lượng phục hồi sau thời gian bơm rất nhỏ so với nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Thấp thỏm trước tình trạng nắng hạn, chị Kso Tùng (xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum Thôn) giãi bày: “Vì thiếu nước nên người dân ở đây 2 ngày mới tắm một lần và mỗi lần tắm phải hứng nước vào chai để nước không bị vương vãi ra bên ngoài. Những năm trước dù có hạn hán cũng còn nước sông, suối để tắm giặt nhưng năm nay nguồn nước này cũng cạn kiệt nên người dân chỉ biết trông chờ vào nước trợ cấp.” 

“Cuộc chiến” chống hạn đầy cam go

Trước tình trạng nắng hạn gây thiệt hại nghiêm trọng, Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tưới nước luân phiên, tiết kiệm nước: Hỗ trợ cho người dân tưới nước vào những lúc cần thiết; tập trung ưu tiên cứu chữa cho những cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu.
Người dân chịu thiệt hại nặng nề trước trận nắng hạn kéo dài.
Người dân chịu thiệt hại nặng nề trước trận nắng hạn kéo dài.
Ông Trần Cao Văn Sơn (Phó Trường phòng Kế hoạch và Tài chính -  Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum) cho biết:“ Công tác đối phó gặp nhiều khó khăn vì tình trạng hạn hán diễn ra lâu ngày. Việc tập trung tưới nước chống hạn ưu tiên những diện tích gần các trạm bơm, tiến hành khảo sát những diện tích hạn hán xảy ra để có những chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân và lấy cơ sở để chuyển đổi cây trồng trong những vụ mùa sau”.

Cũng theo ông Trần Cao Văn Sơn, đối với nước sinh hoạt, từng thôn, làng chia sẻ nguồn nước cho nhau, vận động Nhân dân với tinh thần tự vươn lên. Chính quyền chỉ đạo các sở y tế nắm chắc chất lượng nguồn nước, để người dân không sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh dễ bùng phát dịch bệnh và tiến hành cấp nước tại một số vùng thiếu nước trọng điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum. 

Nhìn chung, trước tình trạng nắng hạn kéo dài như hiện nay thì “cuộc chiến” chống hạn của người dân Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung vẫn còn rất cam go. Hiện tại, những biện pháp chống hạn chưa đưa lại hiệu quả khiến diện tích cây trồng chết hạn không giảm thậm chí còn tăng. Bài toán về nguồn nước sinh hoạt của người dân vẫn còn bỏ ngỏ. Thiết nghĩ, việc ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục những hậu quả do thiên tai gây ra cần có những giải pháp dài lâu và có sự vào cuộc của toàn xã hội.