Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Còn nhiều rào cản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã có nhiều chính sách liên quan đến việc hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất, nhưng việc tiếp cận của các DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Đóng bao bảo quản giống tại Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp). 	Ảnh: Quang Thiện
Đóng bao bảo quản giống tại Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp). Ảnh: Quang Thiện
Làm sao để khơi thông được bế tắc đó là bài toán đặt ra cho ngành nông nghiệp nếu muốn thu hút mạnh mẽ DN đầu tư vào lĩnh vực này.

Khó tiếp cận chính sách

Từ nhiều năm nay, ứng dụng KHCN vẫn được xem là một trong những điểm yếu của ngành nông nghiệp, cả trong sản xuất và chế biến. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho chất lượng, giá trị nông sản còn thấp, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Ông Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình chia sẻ, trình độ KHCN trong sản xuất nông nghiệp hiện nay rất lạc hậu và rất chậm được đổi mới. Trong đó, khó khăn với DN là quản lý Nhà nước còn nhiều bất cập, cơ chế chính sách thiếu nhất quán, nền hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả...

Để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, các DN nông nghiệp rất khó tiếp cận được nguồn vốn lớn, dài hạn với lãi suất thấp. Chính vì vậy, DN nông nghiệp luôn bị yếu thế do công nghệ thấp, khó cạnh tranh, chi phí cao dẫn đến lợi nhuận thấp và không có kinh phí để mở rộng, nghiên cứu công nghệ mới hơn. Hơn nữa, tiêu chuẩn nước thải trong chăn nuôi lại quá cao dẫn đến các DN đầu tư vào lĩnh vực này còn rụt rè.

"Chính sách của Nhà nước thì rất nhiều nhưng thực thi chẳng được bao nhiêu" – Tổng Giám đốc Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương Lê Quang Thành chia sẻ. Băn khoăn của ông Thành không phải là không có cơ sở, bởi qua khảo sát thực tế của Vụ KHCN&MT (Bộ NN&PTNT), hầu hết các DN chưa biết hoặc chưa tiếp cận được hỗ trợ của Nhà nước về phát triển KHCN. Việc tiếp cận hồ sơ để được hưởng ưu đãi còn phức tạp nên đến năm 2014, cả nước mới có 132 DN được công nhận là DN KHCN, trong đó có 18 DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thêm vào đó, điểm yếu trong nghiên cứu, chuyển giao KHCN lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là thiếu sự liên kết giữa DN với các đơn vị nghiên cứu và nông dân do chưa có cơ chế của Nhà nước tác động mạnh.

Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp

Nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, đồng nghĩa với quá trình chuyển giao KHCN của thế giới vào Việt Nam và sản phẩm chất lượng cao sẽ cạnh tranh quyết liệt ngay trên sân nhà. Chính vì vậy, các DN Việt Nam hiện nay không có con đường nào khác là phải ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh, quản lý, nghiên cứu tạo ra những sản phẩm tốt cho riêng mình hoặc hợp tác tạo ra những sản phẩm chung mới có thể tồn tại và phát triển. Để làm được điều này, nhiều DN kiến nghị Nhà nước nên gom các văn bản, chính sách về hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong nông nghiệp thành một chính sách đủ mạnh và dễ thực hiện.

Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn nghiên cứu, nhiều DN, đơn vị nghiên cứu đề nghị Bộ NN&PTNT trình Chính phủ thành lập một quỹ đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN để các DN được vay vốn. Đáng chú ý, theo gợi ý của một số chuyên gia, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách trích một phần nhỏ giá trị các nông sản xuất khẩu để tái đầu tư cho KHCN. Chẳng hạn, trích 1USD/tấn gạo xuất khẩu cho công tác nghiên cứu về lúa gạo. Đây cũng là cách làm đang được nhiều nước áp dụng hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mắt xích quan trọng là DN và DN sẽ đóng vai trò nghiên cứu, chuyển giao KHCN và dẫn dắt nông dân sản xuất. Do đó, các đơn vị trực thuộc Bộ trong thời gian tới cần tạo điều kiện hỗ trợ DN tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào nghiên cứu KHCN. Đồng thời, giao Vụ KHCN&MT thành lập một bộ phận chuyên trách về hỗ trợ DN để tiếp nhận các kiến nghị, vướng mắc của DN và hướng dẫn cách giải quyết, tránh tình trạng rơi vào "im lặng đáng sợ" như hiện nay. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc xây dựng chính sách phải bắt đầu từ thực tiễn, tuyệt đối không làm luật theo kiểu "ngồi bàn giấy".