Còn thiếu quyết liệt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước nâng cao đời sống nông dân, huyện Thanh Oai đã triển khai nhiều biện pháp, bước đầu thu được những kết quả đáng ghi nhận. Song, so với yêu cầu đề ra, tiến độ xây dựng NTM ở các xã trên địa bàn huyện nhìn chung còn chậm.

Khó dồn điền đổi thửa,  thiếu kinh phí

Những ngày này, về xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, ta dễ dàng nhận thấy nơi đây đã có nhiều đổi thay rõ rệt. Đường sá khang trang, nhà cửa sạch đẹp... Bí thư Đảng ủy xã Tân Ước, ông Nguyễn Như Ước cho biết: Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, xã đã có 10 tiêu chí đạt và cơ bản đạt, trong đó có tiêu chí đường giao thông nông thôn. Tuy đạt được một số kết quả, nhưng xã Tân Ước nói riêng và huyện Thanh Oai nói chung đang đứng trước nhiều khó khăn, trước hết là công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT).

Xã Tân Ước có 620ha đất nông nghiệp, đã trải qua 2 lần DĐĐT những năm trước, nhưng ruộng đất vẫn còn manh mún, mỗi hộ có tới 4 - 5 thửa. Vụ xuân 2013, Tân Ước làm điểm DĐĐT tại xóm 4 và xóm 6, thôn Tri Lễ, với diện tích 80ha. Quá trình dồn đổi gặp không ít khó khăn. "Tâm lý người dân chờ dự án vào thu hồi đất để được đền bù nên nhiều hộ không đồng tình với chủ trương DĐĐT. Hơn nữa, nhiều hộ không có nhu cầu làm ruộng, đã "bán" ruộng cho hộ khác, nay chia lại ruộng đã nảy sinh mâu thuẫn." - ông Ước cho biết.

Còn thiếu quyết liệt - Ảnh 1

Nghề đan lồng chim ở xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai cho thu nhập cao. Ảnh: Thắng Văn

Bên cạnh đó, kinh phí xây dựng NTM cũng đang là trở ngại lớn đối với xã Tân Ước. Theo đề án NTM đặt ra, Tân Ước cần nguồn kinh phí trên 200 tỷ đồng. Vừa qua, xã đã triển khai được một số công trình xây dựng cơ bản như trạm y tế, trường học, trụ sở Ủy ban và một số tuyến đường giao thông thôn xóm. Tuy nhiên, do là xã thuần nông nên nguồn thu ngân sách rất hạn chế. Theo Quyết định 16 của UBND TP quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012 - 2016, xã phải có vốn đối ứng, khi thực hiện xong, hoàn thiện hồ sơ mới được thanh toán kinh phí hỗ trợ. Nhưng do xã không có vốn đối ứng nên nhiều công trình chưa thể triển khai.

Còn tâm lý trông chờ

Theo bà Đỗ Thị Kim Dung, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, khó khăn ở Tân Ước cũng là khó khăn chung của nhiều xã trên địa bàn huyện. Kết quả chấm điểm các xã theo tiêu chí xây dựng NTM của huyện mới đây, Thanh Oai mới có xã điểm Hồng Dương đạt và cơ bản đạt 17/19 tiêu chí; 3 xã đạt 10/19 tiêu chí là Cao Dương, Dân Hòa, Thanh Văn; còn lại 16 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Đây là mức thấp so với mặt bằng nhiều huyện, thị trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Tiến Học, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng, những hạn chế trên xuất phát từ lãnh đạo một số xã chưa tập trung cao trong chỉ đạo, nhận thức về xây dựng NTM của một bộ phận cán bộ chưa đầy đủ, cũng như việc huy động nguồn vốn phục vụ chương trình gặp nhiều khó khăn. "Có một thực tế là nhiều xã còn trông chờ vào ngân sách cấp trên nên chưa tập trung triển khai việc xử lý tồn tại trong quản lý đất đai, hoặc hoàn thiện hồ sơ để đề nghị TP cho thu hồi đất đấu giá lấy kinh phí xây dựng NTM" - ông Học cho biết.

Thực tế cho thấy, địa phương nào có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, biết phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân thì tiến độ xây dựng NTM ở địa phương đó mới được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả. Để đẩy nhanh tiến độ Chương trình 02, mục tiêu hoàn thành NTM tại 1 - 2 xã và tăng từ 4 - 6 tiêu chí đối với các xã giai đoạn 1, huyện Thanh Oai cần tập trung, chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai quyết liệt hơn nữa.