Bức thư của cựu tù Mỹ gửi cho con
Tại buổi giới thiệu trưng bày “Thang âm cuộc chiến”, du khách được gặp gỡ 2 nhân chứng lịch sử là: Đại tá Nghiêm Đình Tích, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Đài trưởng đài Radar P35, Đại đội 45, Trung đoàn Radar 291, Quân chủng Phòng không Không quân và ông Nguyễn Văn Hùng, pháo thủ số 1, Trung đội tự vệ nhà máy cơ khí Lương Yên tham gia bắn rơi 1 máy bay F111, tối 22/12/1972.
“Tối 22/12/1972, các đơn vị vào trực súng. Khi có lệnh bắn từ chỉ huy, tôi bắn 9 viên, anh Cường (Nhà máy Gỗ Hà Nội) bắn 6 viên, chị Hiếu (Nhà máy Cơ khí Mai Động) bắn 4 viên. Tổng cộng 19 viên. Khói mịt mù. Vài ngày sau, chiếc F111 được xác định rơi ở Hòa Bình. Hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng tôi chưa bao giờ quên được khoảnh khắc đó” - ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Tại trưng bày, của ông Thomas Eugene Wilber, con trai Trung tá hải quân Walter Eugene Wilber đã có mặt và chia sẻ những cảm nhận vô cùng xúc động về quãng thời gian cha ông ở Việt Nam, bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò.
Ông Thomas - con trai Trung tá hải quân Wilber cho biết, ông rất xúc động khi trở lại Việt Nam và có mặt tại nhà tù Hỏa Lò. Đây là lần thứ 43, ông trở lại Việt Nam. Cha ông - Trung tá hải quân Walter Eugene Wilber đã ở nhà tù Hỏa Lò từ năm 1968 đến năm 1973, một khoảng thời gian không phải là dài so với lịch sử hình thành của nhà tù Hỏa Lò, nhưng đó là thời gian ông phải sống xa bố. Khi nhận được bức thư bố gửi cho ông nhân dịp sinh nhật lần thứ 17 tuổi từ Việt Nam, ông đã vỡ òa cảm xúc. Những lời căn dặn của bố trong bức thư đó vẫn nhớ cho tới hôm nay.
Bức thư có nội dung: "Chúc mừng sinh nhật con trai. Tuổi 17 là khoảng thời gian thật vui. Chân trời đang rộng mở ra trước mắt và con sẽ trở nên tự tin hơn. Đừng bỏ lỡ bất cứ ngày vui nào của tuổi trẻ, thế nhưng vẫn phải tiếp tục rèn luyện thân thể và tâm trí của mình, đặc biệt là học cách suy nghĩ và giải quyết các vấn đề. Hãy thành thật, nhưng đừng trở nên sợ hãi trước đám đông. Bố không biết gửi cho con thứ gì ngoài tình yêu của bố và những lời chúc tốt lành nhất. Con biết đấy, lòng tin và sự yên lành vốn chỉ là những từ ngữ sáo rỗng cho tới khi ta thực hiện nó bằng cả kỷ luật".
Giáng sinh của lính Mỹ tại Hỏa Lò
Trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn nỗ lực tạo điều kiện chăm sóc y tế, sinh hoạt thể chất, văn hoá, tôn giáo cho phi công Mỹ bị bắt giam trong Trại giam Hỏa Lò và các trại tạm giam khác ở miền Bắc.
Hằng tháng, phi công Mỹ được viết thư gửi về gia đình. Dịp Giáng sinh và đón năm mới, phi công Mỹ được tham gia chuẩn bị đón mừng ngày lễ và gửi những lời chúc tốt lành về gia đình. Vào dịp Giáng sinh, đón mừng năm mới, phi công Mỹ được tự tay chuẩn bị bữa ăn, trang trí phòng giam, học hát cho các buổi lễ. Những bức thư được viết nhiều hơn, giúp các phi công Mỹ vơi đi nỗi nhớ nhà. Nhiều phi công còn được thu âm những lời yêu thương gửi về cho gia đình và phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Trung tá Không quân Hervey Studdiford Stockman là một trong những người lính Mỹ bị giam tại Hỏa Lò. Máy bay của ông điều khiển bị bắn rơi ngày 11/6/1967 tại Bắc Giang và sau đó ông được chuyển về Trại tạm giam Hỏa Lò năm 1970. Với năng khiếu mỹ thuật, Trung tá Stockman được phát giấy, bút, màu để vẽ tranh theo sở thích. Ông đã tập hợp các bức tranh thành một tập nhật ký có tựa đề “Odyssey, cuộc viễn chinh còn dang dở của Wellington Blackflye.
Những bức tranh của ông được dùng để trang trí trên tường của phòng giam và treo trong các dịp lễ, Tết. Qua đó, người xem có thể thấy được các tù binh Mỹ đã được đối xử tử tế và nhân đạo như thế nào tại Hà Nội. Nếu nhân vật trong tranh của ông không mặc bộ quần áo tù nhân – “bộ pyjama của phi công Mỹ” như cách họ vẫn gọi – thì người xem sẽ nhầm tưởng đây là không khí Noel ở bất kỳ gia đình bình thường nào.
Khép lại với nội dung “Chung tay hàn gắn”, vào tháng 9/1988, Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ bắt đầu hợp tác triển khai việc tìm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích, khắc phục hậu quả bom mìn, giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh… nhằm xoa dịu những nỗi đau thời chiến. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhiều cựu chiến binh Mỹ đã trở lại Việt Nam, thăm lại chiến trường xưa và thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò, để nhớ về một phần ký ức trong cuộc đời binh nghiệp.
Trưng bày “Thang âm cuộc chiến” chia thành 3 nội dung: “Khúc ca chiến thắng,” “Dòng ký ức” và “Chung tay hàn gắn.”
“Khúc ca chiến thắng” kể câu chuyện Hà Nội đánh B52 như thế nào, người Hà Nội khi đó đã thực hiện việc "sơ tán cũng là đánh địch" ra sao. Nội dung “Dòng ký ức” tái hiện đời sống của những phi công Mỹ trong trại giam Hỏa Lò và các trại tạm giam khác ở miền Bắc. Trong khi đó, phần “Chung tay hàn gắn” giới thiệu những hoạt động hợp tác tìm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích, khắc phục hậu quả bom mìn, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh từ 1988 đến nay.
Trưng bày kéo dài đến ngày 30/6/2024 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 phố Hỏa Lò, Hoàn Kiếm, Hà Nội.