Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công an Hà Nội đối thoại cùng báo chí về tác nghiệp khi cháy nổ

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhằm tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong công tác phối hợp giữa công an và cơ quan báo chí; Công an Hà Nội tổ chức Hội nghị gặp mặt các đơn vị báo chí, thống nhất trong công tác phối hợp cung cấp thông tin, hình ảnh… Từ đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền…

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Ngày 22/3, Công an TP Hà Nội đã tổ chức đối thoại cùng hơn 100 cơ quan báo chí trung ương và địa phương trên địa bàn Hà Nội để cùng đưa ra những giải pháp về quy chế thông tin và những kỹ năng tác nghiệp trong đám cháy cùng lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH).

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội nêu rõ, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cũng như việc phản ánh diễn biến ban đầu của các vụ cháy, nổ trên địa bàn Thủ đô còn một số khó khăn, hạn chế.  Đó là do công tác phối hợp giữa công an với các cơ quan báo chí trong việc phản ánh diễn biến, thông tin ban đầu của các vụ cháy, nổ trên địa bàn thành phố chưa kịp thời dẫn đến thông tin sai lệch gây hoang mang trong dư luận và quần chúng nhân dân.

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội chia sẻ tại Hội nghị.
Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội chia sẻ tại Hội nghị.

“Điển hình là vụ cháy lán tạm chứa vải vụn, quần áo, hàng tạp hóa tại Khu Soi Baza, thôn 6, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội ngày 30/12/2021 đã có nhiều trang báo giật tít “Cháy Chợ vải Ninh Hiệp”, “Cháy lớn Chợ Ninh Hiệp”...; hay những nội dung bài viết chưa được xác minh nguồn thông tin mà chỉ lấy từ ý kiến, phản ánh của người dân về lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trong quá trình thực thi nhiệm vụ làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh người chiến sỹ công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, Đại tá Trần Ngọc Dương nhấn mạnh.

Từ thực tiễn, nhằm tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong công tác phối hợp giữa Công an TP và các cơ quan báo chí, Công an TP Hà Nội đã yêu cầu Phòng PCCC&CNCH tổ chức Hội nghị gặp mặt các đơn vị báo chí thống nhất trong công tác phối hợp cung cấp thông tin, hình ảnh, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC&CNCH cũng như hình ảnh người chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH Thủ đô.

Tại Hội nghị có nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất từ các nhà báo, phóng viên về vấn đề tác nghiệp, quy chế phát ngôn...
Tại Hội nghị có nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất từ các nhà báo, phóng viên về vấn đề tác nghiệp, quy chế phát ngôn...

Nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất từ các nhà báo, phóng viên về vấn đề tác nghiệp, thông tin, hình ảnh, quy chế phát ngôn… liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy đựa đưa ra trao đổi tại Hội nghị. Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến của đại diện các cơ quan báo chí, Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hà Nội) - cho biết: Để tạo hiệu quả tuyên truyền mang tính định hướng dư luận, đơn vị đã chủ động kết nối cùng các cơ quan báo chí thành lập các nhóm zalo chung để trực tiếp lắng nghe những phản hồi từ công luận đồng thời nhanh chóng trả lời những vấn đề mang tính thời sự.

“Trên cơ sở nhóm Zalo chung, các thành viên trong nhóm có trách nhiệm cung cấp các bài viết, tư liệu, ảnh, clip ghi nhận hình ảnh của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH để kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC&CNCH. Từ đó lan tỏa hình ảnh người chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH Thủ đô mưu trí, dung cảm, không ngại hiểm nguy”, Đại tá Hiếu nói.

Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH(Công an TP Hà Nội) thông tin tại Hội nghị.
Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH(Công an TP Hà Nội) thông tin tại Hội nghị.

Trước những ý kiến về yêu cầu tác nghiệp, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH khẳng định: “Phóng viên khi tiếp cận, hai thác thông tin, hình ảnh tại hiện trường có trách nhiệm tuân thủ, chấp hành theo sự chỉ dẫn của người chỉ huy chữa cháy. Đồng thời, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH và Công an 30 quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp cung cấp thêm thông tin để các cơ quan báo chí có đầy đủ thông tin phục vụ viết bài, đăng tải bài chính xác, hiệu quả; với mục tiêu không để việc đăng tải thiếu thông tin, thiếu chính xác có thể gây hoang mang trong dư luận và quần chúng nhân dân”.

Cũng theo đại diện Công an TP Hà Nội, một số thông tin từ các vụ cháy, nổ, sự cố cứu nạn cứu hộ được Công an TP Hà Nội cung cấp theo đúng thẩm quyền gồm: Tên, địa chỉ cơ sở xảy ra chảy, nổ, sự cố cứu nạn cứu hộ; Thời điểm lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH có mặt tại; Lực lượng, phương tiện được điều động; Sơ bộ kết quả tổ chức triển khai công tác chữa cháy; Số lượng người, tài sản cứu được tại các vụ việc; Thiệt hại; Diện tích cháy,...

“Định kỳ 6 tháng đến 1 năm Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hà Nội) chủ trị, tổ chức gặp mặt các đơn vị báo chí, truyền thông để trao đổi, đánh giá, từ đó duy trì và phát huy những nội dung phối hợp đã mang lại hiệu quả cao, đồng thời nêu ra những tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp để rút kinh nghiệm và nêu xuất những giải pháp trong thời gian tiếp theo”, Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho hay.