Công bằng - Bài toán khó với thành phố thông minh

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một thực tế đang diễn ra là việc thúc đẩy các thành phố thông minh hơn có thể làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng - vốn đã tồn tại khi các vấn đề về cấu trúc đô thị chưa được giải quyết.

Xe điện chạy trên một con phố tại TP Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: Archdaily
Những gì cấu thành nên thành phố thông minh là rất đa dạng, nhưng chúng có thể được hiểu chung là các TP hướng tới sử dụng công nghệ thu thập dữ liệu và cơ sở hạ tầng hiện đại để cung cấp môi trường đô thị hiệu quả, thuận tiện hơn cho dân cư của mình.
Một ví dụ có thể kể đến là thủ đô Kigali (Rwanda), nơi đã đạt được những bước tiến lớn trong việc giảm thiểu ô nhiễm ở các khu vực đô thị, gần đây đã vạch ra kế hoạch có tên gọi "Thành phố tầm nhìn": Tạo ra một khu phố được vận hành bằng công nghệ, với Wi-Fi miễn phí ở quảng trường và hệ thống đèn đường chiếu sáng được cung cấp bằng năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên, dự án của Kigali đã gặp phải một vấn đề quen thuộc của nhiều thành phố thông minh là không phù hợp với bối cảnh thực tế kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều cư dân tại Kigali đã bị buộc phải di dời để nhường chỗ cho dự án, và những ngôi nhà được bán trong kế hoạch này có giá cao ngất ngưởng - 160.000 USD - vượt quá thu nhập trung bình của người dân TP.
Ở châu Phi nói chung, sự bất bình đẳng tại các thành phố thông minh thường đến từ đầu tư nước ngoài của các công ty công nghệ. Việc cung cấp các dịch vụ thông minh cho TP sẽ khiến những DN này có quá nhiều ảnh hưởng trong sự phát triển của các TP.
Thủ đô Kigali của Rwanda được định hướng phát triển thành thành phố thông minh. Ảnh: Archdaily
Tại châu Á, thủ phủ của đảo Sulawesi (Indonesia) - TP Makassar - đang từng bước tích hợp Kế hoạch Thành phố Thông minh được khởi xướng từ năm 2014 với việc triển khai các dịch vụ y tế từ xa, cho phép người dân tiếp cận tư vấn chăm sóc sức khỏe thông qua các phương tiện di động.
Mặc dù đây được xem là sự đổi mới rất cần thiết, thực tế nó vẫn chỉ phục vụ cho những người có đủ khả năng mua điện thoại di động thông minh, qua đó loại bỏ những người nghèo thành thị không có khả năng tiếp cận các dịch vụ tương tự do ít được kết nối hơn.
Bài toán khó về sự công bằng của các thành phố thông minh, làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng vốn có, không chỉ giới hạn ở các quốc gia được xếp vào nhóm "đang phát triển". Chẳng hạn, tại một quốc gia giàu có hơn như Hàn Quốc, dự án phát triển thành phố thông minh của TP Songdo đã gây nhiều tranh cãi vì thiếu các thiết kế lấy con người làm trung tâm.
TP Songdo là một phần của Khu kinh tế tự do Incheon, một khu vực nhằm tạo ra một môi trường sống, làm việc đô thị cho những người lao động nước ngoài khá giả. Do đó, kế hoạch phát triển được cho là thiếu sáng suốt giữa tình trạng thiếu nhà ở của Hàn Quốc và tỷ lệ chủ sở hữu ngày càng giảm.
Nhìn chung, các sáng kiến ​​thành phố thông minh, đặc biệt là có quy mô lớn, trước hết cần phục vụ cho các nhu cầu kinh tế - xã hội của chính TP đó, hoặc ít nhất là có thể cải thiện hiện trạng bất bình đẳng của các khu định cư.