Công bằng cơ hội trong giáo dục cho người khuyết tật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người khuyết tật (NKT) luôn mong muốn xã hội tạo cơ hội cho họ được học tập tốt hơn. Nhưng vừa qua, việc Bộ GD-ĐT triển khai quy định cho NKT được xét tuyển thẳng vào đại học mà không phải thi lại vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ chính NKT.

Công bằng cơ hội trong giáo dục cho người khuyết tật - Ảnh 1
Tại sao lại có nghịch lý này? PV đã có buổi trao đổi với bà Lưu Thị Ánh Loan (ảnh) - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực NKT (Khuyết tật & Phát triển - DRD) để làm rõ vấn đề này.

Thưa bà, tại sao NKT lại phản ứng với quy định xét tuyển thẳng vào đại học trong khi mục tiêu của nhà nước là tạo điều kiện cho nhiều NKT được học đại học hơn, nâng cao trình độ của cộng đồng NKT?

Bước chân vào giảng đường đại học là cơ hội cho mọi người phát triển tương lai. Với người không khuyết tật, cơ hội ấy cũng không dễ dàng nắm bắt. Với NKT thì càng gian truân hơn nhiều nhưng nhiều NKT vẫn vượt qua tất cả để thực hiện ước mơ bước vào giảng đường đại học. Do đó, trước hết tôi xin khẳng định là NKT rất muốn được học đại học, được đào tạo chuyên nghiệp để có thể lao động và tự nuôi sống bản thân.

Tuy nhiên, NKT muốn vào đại học nhưng không phải bằng cách ban ơn cho họ “được” vào mà không phải thi cử như bao người khác. Nếu NKT vào đại học bằng cách đó thì các sinh viên khác sẽ nhìn họ ra sao? Đánh giá trình độ của họ ra sao? Hay lại nghĩ “vì anh bị tật nên mới được vào đây học”?... Đây là những tác dụng tiêu cực mà bất cứ ai cũng không mong muốn xảy ra.
Hiện nhiều người khuyết tật có trình độ đại học vẫn rất khó kiếm việc.
Hiện nhiều người khuyết tật có trình độ đại học vẫn rất khó kiếm việc.
Đó là chưa kể khi ra trường, tấm bằng tốt nghiệp đại học của NKT cũng sẽ bị doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đánh giá không cao. Vì một tấm bằng do đặc cách mới có thì làm sao thể hiện được trình độ của chủ nhân. Hiện nhiều NKT cầm tấm bằng tốt nghiệp mà họ có được bằng chính trình độ của họ, có thi đầu vào, đầu ra hẳn hòi như bao người khác còn khó tìm việc. Sau này, NKT cầm tấm bằng tốt nghiệp “đặc cách” thì làm sao tìm việc?

Vậy theo bà làm sao mới tốt cho NKT?

Quan điểm phát triển cộng đồng NKT của các nước tiên tiến hiện nay là tạo công bằng cơ hội chứ không phải ban phát cơ hội. Chẳng hạn như trong trường hợp tuyển sinh đại học, thi cử là nơi thi thố trình độ, hãy để NKT tranh tài cùng bao người khác để giành lấy cơ hội vào đại học xứng đáng với trình độ của họ như lâu nay chúng ta vẫn làm.

Tuy nhiên, do NKT bị nhiều hạn chế như người bị liệt tay thì viết chậm, liệt chân thì khó đến phòng thi, người khiếm thị không thể làm bài như người không khuyết tật… Chúng ta có thể xây dựng các quy định hỗ trợ để họ cạnh tranh công bằng như cho người yếu tay thời gian làm bài dài hơn, bố trí cho người liệt chân thi ở phòng tầng trệt, giám thị đọc đề cho người khiếm thị và cho họ làm bài bằng chữ nổi…

Thi tuyển đậu hay không cũng có nghĩa là họ nắm bắt được cơ hội hay không. Nếu chúng ta có những chính sách hỗ trợ để NKT có thể cạnh tranh công bằng với người không khuyết tật tức là đã tạo công bằng cơ hội cho họ. Đó là cách hỗ trợ tốt nhất để NKT phát triển tích cực.

Mô hình giáo dục này ở các nước được triển khai như thế nào? Có mô hình nào hay mà chúng ta có thể học tập?

Ở Mỹ, nơi tôi theo học chương trình đào tạo sau đại học không chỉ có các chính sách tạo công bằng cơ hội trong thi cử cho NKT mà còn tạo công bằng cơ hội trong giáo dục đại học.

Trong trường đại học, họ có một bộ phận gọi là phòng hỗ trợ sinh viên khuyết tật. Ở đó, sinh viên khuyết tật dạng nào cũng có thể tìm sự hỗ trợ cho mình để khắc phục những trở ngại trong quá trình học tập. Sinh viên khiếm thị có thể yêu cầu làm sách nói những bản sách mà họ muốn học. Sinh viên các dạng tật khác cũng có thể yêu cầu hỗ trợ dụng cụ học tập phù hợp với họ…

Việc các trường làm theo mô hình trên trong khi rất ít NKT học đại học là một điều không thực tế. Trong điều kiện chưa thể thực hiện được mô hình trên, bà nghĩ chúng ta phải làm những gì để tạo công bằng cơ hội cho NKT?

Trước hết là vấn đề tiếp cận. Với NKT chi dưới (liệt chân), trở ngại lớn nhất là các cầu thang trong trường học. Việc leo thang hàng ngày ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của họ, khiến họ học tập không tốt. Với người phải ngồi xe lăn mà không có người hỗ trợ thì hầu như không thể đến trường. Còn với người khiếm thị thì trở ngại lớn nhất là giáo trình học tập. Nguồn sách nói và sách chữ nổi quá hiếm, không đa dạng nên hạn chế họ mở rộng kiến thức, khó tiếp cận tri thức mới.

Việc cải tạo công trình giáo dục dễ tiếp cận cho người liệt chi dưới và tạo nguồn sách phù hợp cho người khiếm thị thực ra không quá phức tạp và tốn kém. Chỉ cần giải quyết được vấn đề này đã tạo ra cơ hội cho 2 nhóm lớn nhất trong cộng đồng NKT được học tập tốt hơn. Điều quan trọng là chúng ta phải nhận thức đúng cách hỗ trợ cho NKT.

Xin cảm ơn bà!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần