Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công bố điểm thi THPT Quốc gia 2018: Điểm Lịch sử thấp kỷ lục

Tuệ Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/7, Sở GD&ÐT các địa phương đã công bố điểm thi THPT quốc gia. Ðiều khiến thí sinh (TS) và giáo viên buồn là năm nay, điểm thi môn Lịch sử thấp kỷ lục, nhiều tỉnh có tỉ lệ trên 80% không đạt điểm trung bình.

Nỗi buồn môn Lịch sử
Theo mặt bằng chung, điểm thi các môn năm nay khá thấp, xuất hiện ít điểm 10, riêng đề Toán cả nước chỉ có 2 điểm 10, môn Lịch sử không ghi nhận TS đạt điểm 10. Điều này không lạ khi đề thi năm nay được nhiều chuyên gia đánh giá là có độ phân hóa cao, tăng độ khó nhiều so với năm 2017. Đặc biệt môn Lịch sử ở nhiều địa phương điểm thấp kỷ lục.
 Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2018 tại điểm thi trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng 
Thông tin từ Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, kỳ thi THPT quốc gia tại địa phương này có khoảng 28.000 TS dự thi môn Lịch sử, trong đó 80,9% bài có điểm dưới trung bình (5 điểm); 19,1% TS đạt điểm trên 5 điểm. Số TS đạt điểm giỏi (từ 8 trở lên) chiếm 0,36% và ở môn Lịch sử không có bài thi đạt điểm 10; duy nhất một TS đạt 9,75 điểm. Đà Nẵng đang là địa phương có điểm thi Lịch sử thấp nhất cả nước với 90% TS điểm dưới 5. Đồng Nai, môn Lịch Sử chỉ có 12,76% TS trên 5, có 7,24% TS bị điểm dưới 5 và có tới 180 TS nhận điểm dưới 1. Tỉnh Quảng Trị cũng có 83% TS điểm dưới 5 môn Lịch sử (4328 TS). Tại Phú Thọ cũng chỉ có 20,36% TS được điểm trên 5 môn này.

Còn nhớ, năm 2011 từng xuất hiện nhiều tranh cãi liên quan đến việc môn Lịch sử khi có hàng nghìn điểm 0 trong kỳ thi ĐH, CĐ. Đến năm nay, điểm Lịch sử lại thấp kỷ lục, nhiều giáo viên dạy Lịch sử tỏ ra thất vọng vì học sinh không còn yêu thích môn học này. Nhiều học sinh học đối phó, đặc biệt, nhiều em chọn thi ban Khoa học xã hội chỉ vì không đủ sức thi các khối khác.

Không bất ngờ

Điểm môn Lịch sử thấp kỷ lục là nỗi buồn của nhiều giáo viên dạy Lịch sử, cũng như nỗi lo của phụ huynh và xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, điểm thấp ở môn thi này hoàn toàn không gây bất ngờ. Theo cô Hoàng Thị Lan Hương - giáo viên trường THPT Chu Văn An, đề thi môn Lịch sử năm nay khó hơn so với năm ngoái rất nhiều. Phạm vi kiến thức khá rộng, bao gồm cả chương trình lớp 11 và 12, nhiều câu hỏi mang tính tư duy, TS phải nắm bắt các sự kiện trong mối tương quan, liên hệ với nhau, phải có kỹ năng so sánh, tổng hợp, phân tích, khái quát thì mới làm được.

Còn theo nhiều giáo viên tại Trung tâm Hocmai, đề thi môn Lịch sử không chấp nhận những TS chỉ học thuộc lòng và nhớ máy móc sự kiện, ngày tháng. Những điều chỉnh của đề thi năm 2018 so với trước đây (chuyển từ việc kiểm tra việc tái hiện kiến thức sang đánh giá mức độ vận dụng kiến thức) khiến những TS có thói quen học vẹt, học thuộc lòng, không kết nối, vận dụng được kiến thức sẽ không làm được bài thi. Trong các năm trước đây, điểm môn Lịch sử cũng không cao so với các môn thi khác. Điều này phản ánh cách dạy và học ở trường phổ thông với môn Lịch sử hiện nay, giáo viên chưa thực sự đổi mới về cách dạy, học sinh cũng vẫn quen với lối học cũ, không có sự đầu tư và tạo đam mê với môn học.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, mục tiêu dạy, học môn Lịch sử trong nhà trường đã thất bại, không tạo cảm hứng cho học sinh. Theo GS.TS Phạm Hồng Tung - Chủ biên môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, kết quả môn Lịch sử đã bộc lộ chất lượng giáo dục theo cách cũ không đạt yêu cầu thi cử mới. Vì thế, cần có giải pháp thấu đáo, không nên đổ lỗi cho học sinh, bởi lâu nay, học sinh chỉ được học cách ghi nhớ, nhồi nhét kiến thức nên cảm thấy nhàm chán.

Nhận định về cách dạy và học môn Lịch sử hiện nay, một chuyên gia Sử học thốt lên: “Tôi thấy buồn khi một đất nước có chiều dài lịch sử như Việt Nam, nhưng chúng ta lại không chịu thay đổi cách dạy và học môn Lịch sử".