Công bố Nội các Myanmar: Chức thấp, quyền cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi bầu Chủ tịch Quốc hội và Tổng thống mới, Myanmar đang xúc tiến quá trình thành lập chính phủ mới để kịp thời nhậm chức vào ngày 1/4 tới.

Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền đã gây bất ngờ khi để Chủ tịch đảng này, bà Aung San Suu Kyi, tham gia trực tiếp vào nội các với cương vị bộ trưởng. Bà Aung San Suu Kyi không dấu diếm chủ ý trở thành tân Tổng thống của Myanmar nhưng không được toại nguyện do bị hiến pháp hiện hành cản trở và việc sửa đổi hiến pháp hay hiểu hiến pháp theo cách khác để khắc phục sự ngăn trở đó bị giới quân sự phủ quyết. Bà Aung San Suu Kyi cũng từng công khai tuyên bố sẽ nắm thực quyền cho dù không thể trở thành tổng thống. Bây giờ, đảng này đã tìm ra cách thức mới để hợp pháp hoá cả chức lẫn quyền cho bà Aung San Suu Kyi.
Công bố Nội các Myanmar: Chức thấp, quyền cao - Ảnh 1
Bây giờ, trên danh nghĩa thì bà Aung San Suu Kyi có chức thấp hơn tổng thống nhưng điều đó không làm thay đổi thực chất là người phụ này nắm giữ quyền hành cao hơn cả tổng thống. Trực tiếp tham gia chính phủ như thế, bà Aung San Suu Kyi có được chính danh trong bộ máy hành pháp ở Myanmar và danh chính sẽ đảm bảo cho ngôn thuận. Cũng từ vị trí này, bà Aung San Suu Kyi kiểm soát được đảng cầm quyền và chính phủ hiệu quả hơn, tránh được bị cho là "buông màn nhiếp chính" và tổng thống chỉ là bù nhìn. Như thế rất có lợi cho cả vị tổng thống được đảng này cử ra.

Mục tiêu quan trọng không kém của bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD với động thái này là hạn chế sự chống phá của giới quân sự ở Myanmar và tranh thủ sự hậu thuẫn của bên ngoài. Giới quân sự sẽ khó khăn hơn khi đối phó bà Aung San Suu Kyi có nghĩa là đối phó với chính phủ do dân cử và bên ngoài sẽ dễ dàng hơn khi hậu thuẫn bà Aung San Suu Kyi có nghĩa là hậu thuẫn chính phủ mới do dân cử ở Myanmar.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần