Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, quy hoạch tỉnh Bến Tre được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ưu tiên phát triển mạnh về hướng Đông với điểm nhấn là khu lấn biển với diện tích khoảng 50.000 ha để mở rộng không gian phát triển, nhằm phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
Bà Hồ Thị Hoàng Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, phụ trách Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre cho biết, Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để giới thiệu và khẳng định tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng phát triển của Bến Tre trong tương lai. Đồng thời, mở ra không gian phát triển mới trên cơ sở phát huy nội lực và tận dụng các hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài.
“Đây là một bước khởi đầu rất quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Bến Tre, là cơ sở và tiền đề để công bố, thông tin rộng rãi về định hướng phát triển, thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư; đặc biệt là khởi nguồn thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh nhà trong thời gian tới”, bà Hồ Thị Hoàng Yến nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 17/11, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Bến Tre với phạm vi, ranh giới gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Bến Tre và không gian biển được xác định theo Luật biển Việt Nam năm 2012 với diện tích tự nhiên 2.379,7km2, bờ biển dài khoảng 65km.
Theo quy hoạch, tỉnh Bến Tre phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, có đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 10 - 10,5%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt trên 170 triệu đồng.
Đến năm 2050, Bến Tre là tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống có hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, môi trường sống xanh, sạch, phấn đấu trở thành đơn vị hành chính đô thị loại I đặc thù, đô thị vệ tinh của TPHCM, các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước...