Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công bố quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế

Anh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các cơ quan, địa phương, đối tác đã phối hợp chuẩn bị chu đáo hội nghị “3 trong 1”: công bố Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế và xúc tiến đầu tư của tỉnh; thể hiện tầm nhìn phát triển Thừa Thiên Huế được xây dựng một cách bài bản, có chiến lược và dài hạn và sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quy hoạch có vai trò dẫn dắt, định hướng, giúp phát triển đúng hướng nhanh, bền vững, toàn diện; giúp khai thác, sử dụng hiệu quả không gian: mặt đất, mặt nước-biển, không gian ngầm; quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể và bao trùm; quy hoạch phải đi trước một bước, đồng thời phải đảm bảo tính lớp lang, hệ thống, khoa học và từng bước thực hiện quy hoạch có hiệu quả. Nếu có nhà tư vấn tốt thì sẽ có quy hoạch tốt, từ quy hoạch tốt sẽ dự án tốt, có dự án tốt thì sẽ có nhà đầu tư tốt, góp phần thực hiện quy hoạch hiệu quả.

Theo quy hoạch, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.

Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố festival, trung tâm văn hóa-du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh: VGP

Về các định hướng, ưu tiên phát triển, quy hoạch xác định 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 3 động lực tăng trưởng, 5 khâu đột phá phát triển.

3 trung tâm đô thị, gồm: Đô thị trung tâm (gồm thành phố Huế, quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà); Đô thị vùng Tây Bắc (gồm thị xã Phong Điền-Quảng Điền-A Lưới); Đô thị vùng Đông Nam (gồm các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông).

3 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế Bắc-Nam, Hành lang kinh tế Đông-Tây, Hành lang kinh tế đô thị hướng biển.

3 động lực tăng trưởng gồm: Thành phố Huế, Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, Khu công nghiệp Phong Điền.

5 khâu đột phá phát triển là: Phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh; Hoàn thiện hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng viễn thông; Phát triển kinh tế biển, đầm phá, hệ thống cảng biển nước sâu; Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng; Thúc đẩy dịch vụ - du lịch, công nghiệp văn hóa, bảo tồn di sản Cố đô Huế.

 

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Lễ khởi công Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế 2 của Bệnh viện Trung ương Huế. Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế 2 với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng phần xây dựng và gần 100 tỷ đồng phần trang thiết bị y tế. Công trình có quy mô đầu tư gồm một tòa nhà 6 tầng nổi và 1 tầng hầm với tổng diện tích sàn xây dựng 21.000 m2, với đầy đủ hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại.