Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công dân có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ lẽ phải

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) đánh giá Dự án Bộ Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) đáp ứng đòi hỏi thực tiễn hiện nay, đảm bảo công dân có quyền yêu Tòa án bảo vệ lẽ phải và các lợi ích chính đáng của mình.

Ngày 26/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về những điểm còn ý kiến khác nhau của Dự án Bộ Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Trong đó, vấn đề tòa án không được quyền từ chối xét xử khi chưa có quy định của pháp luật nhận được nhiều sự đồng tình. 
 ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng)
ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng)
Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong khi pháp luật dân sự chưa có quy định đầy đủ để điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội, khi có tranh chấp dân sự xảy ra mà chưa có điều luật áp dụng thì cần thiết phải có quy định cho phép Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng để thụ lý vụ việc dân sự và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chung do Bộ luật này quy định.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, Dự án Bộ luật đã bổ sung các quy định về giải quyết các vụ việc dân sự, trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng tại các điều 4, 43, 44 và 45 của dự thảo Bộ luật. 

Quy định như vậy là phù hợp với nội dung tại các điều 5,6 và 14 của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Tán thành với quy định này, ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) đánh giá quy định này của Dự án Bộ luật đáp ứng đòi hỏi thực tiễn hiện nay, đảm bảo công dân có quyền yêu Tòa án bảo vệ lẽ phải và các lợi ích chính đáng của mình. 

Đây là căn cứ để Tòa án nhận đơn, thụ lý vụ việc, tiến hành giải quyết những tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội mà pháp luật chưa thể dự liệu, không để người dân tự xử lý, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. 

Đồng thời, Tòa án vận dụng nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật, phong tục tập quán, nguyên tắc công bằng, thông lệ quốc tế,... để phán quyết, chấm dứt tranh chấp. 

Theo đại biểu trong điều kiện các quan hệ xã hội biến đổi liên tục thì quy định này sẽ góp phần mở đường cho việc hình thành án lệ, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. 

Tuy nhiên, để đề phòng xu hướng đương sự lạm dụng quy định này để khởi kiện ra Tòa, ĐB đề nghị cần quy định chặt chẽ quyền khởi kiện phải đi đôi với nghĩa vụ chứng minh; đặc biệt phải cung cấp đầy đủ chứng cứ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình thì Tòa án mới xem xét thụ lý. 

Đồng thời, Luật cần xây dựng chế tài vật chất kèm theo để buộc đương sự phải chịu án phí trong trường hợp Tòa bác đơn kiện. 

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) thì lại bày tỏ sự băn khoăn khi cho rằng thêm chữ “hợp pháp” trong quy định tại Điều 4 “Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” rất khó thực hiện. 

Bởi người dân khởi kiện, họ sẽ cho rằng mình hợp pháp, còn Tòa án có lý lẽ của mình, vì hợp pháp hay không phải qua xét xử mới thấy được… Vì lo ngại này và để chặt chẽ, dễ áp dụng hơn, ĐB đề nghị chỉ ghi là quyền yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích của người dân.