“Công dân học tập” phát huy năng lực tiềm ẩn trong mỗi con người

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong điều kiện bình thường mới, mô hình “Công dân học tập” đã phát huy năng lực tiềm ẩn trong mỗi người, giúp hoạt động hiệu quả bất chấp đại dịch Covid-19 đang bùng phát.

Người về hưu tham gia mô hình "Công dân học tập".
Người về hưu tham gia mô hình "Công dân học tập".

U70 vẫn tham gia “Công dân học tập”

Đại dịch Covid-19 với các biến thể mới ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe người dân, nền kinh tế và buộc mọi người thay đổi tư duy, phương pháp làm việc, học tập. Trước tình hình đó, từ tháng 10/2021, Hội Khuyến học Hà Nội đã thực hiện thí điểm mô hình “Công dân học tập”.

Chi hội trưởng Cựu chiến binh phường Phú Đô Nguyễn Huy Quý chia sẻ: Khi tham gia mô hình “Công dân học tập”, tôi quyết tâm tự tìm hiểu các chức năng của máy tính, đến nay cơ bản sử dụng được Word và Excel.
Chi hội trưởng Cựu chiến binh phường Phú Đô Nguyễn Huy Quý chia sẻ: Khi tham gia mô hình “Công dân học tập”, tôi quyết tâm tự tìm hiểu các chức năng của máy tính, đến nay cơ bản sử dụng được Word và Excel.

“Công dân học tập cần có 3 năng lực cơ bản, đó là năng lực tự học, học suốt đời; năng lực sử dụng các công cụ tương tác và năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội. Và, điều đầu tiên đặt ra đối với các “Công dân học tập” thời kỳ dịch bệnh là nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước” - Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết.

Đến nay mô hình “Công dân học tập” tại Hà Nội đã trở thành hướng đi phù hợp cho mọi người dân. Cũng như thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và đất nước. Nhớ lại những ngày đầu thực hiện mô hình “Công dân học tập”, ông Nguyễn Huy Quý (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là ngõ trưởng, bảo vệ dân phố, Chi hội trưởng Cựu chiến binh (CCB), chia sẻ: Trước đây, tôi gặp khó khăn trong chỉ đạo, làm văn bản nên thường xuyên phải nhờ con cháu hỗ trợ. Thế rồi, dù gần 70 tuổi nhưng tôi quyết tâm tự tìm hiểu các chức năng của máy tính, đến nay cơ bản sử dụng được Word và Excel. Tôi còn tiết kiệm tiền mua điện thoại smartphone để giao dịch, lập nhóm zalo nhờ đó các công việc được giải quyết nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường Đức Giang Phạm Đức Bách (ngoài cùng bên trái) tham gia mô hình “Công dân học tập” đã tự học mọi lúc, mọi nơi thông qua điện thoại, máy tính, ti vi...
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường Đức Giang Phạm Đức Bách (ngoài cùng bên trái) tham gia mô hình “Công dân học tập” đã tự học mọi lúc, mọi nơi thông qua điện thoại, máy tính, ti vi...

Năm 2021 khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cán bộ, hội viên hội khuyến học các cấp đã xác định phải vượt lên thích ứng trong điều kiện bình thường mới. Ông Phạm Đức Bách (quận Long Biên) đã thay đổi tư duy trong công tác chỉ đạo, nội dung hoạt động, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch Hội Cựu giáo chức, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường Đức Giang. Ông Bách tự học mọi lúc, mọi nơi thông qua điện thoại, máy tính, ti vi...Thay vì tổ chức các hội nghị trực tiếp, ông chuyển sang trực tuyến, lập nhóm trên zalo cho dù rất gian nan, vất vả đối với “Công dân học tập” khi đã nghỉ hưu. 70 tuổi nhưng với tinh thần, quyết tâm cao, ông Bách vẫn tham gia học tập các chuyên đề, nghe thời sự để bồi đắp thông tin, tiếp nhận kiến thức vừa phòng chống dịch đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, vừa ổn định đời sống và phát triển kinh tế.

Đích hướng đến của mỗi người dân

Trong năm 2021, Hà Nội thí điểm mô hình “Công dân học tập” với 4.180 công dân tham gia. Kết quả đã có 3.996 công dân “Công dân học tập” (chiếm 95,6% công dân đăng ký). Từ thực tế triển khai, những người tham gia “Công dân học tập”nhận định mô hình này có ý nghĩa thiết thực; mọi công dân nỗ lực tự học, tự rèn luyện nhằm nâng cao trình độ, nâng cao năng lực bản thân để thích ứng, vượt qua mọi khó khăn trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Hội Khuyến học Hà Nội khen thưởng cho các "Công dân học tập" năm 2021.
Hội Khuyến học Hà Nội khen thưởng cho các "Công dân học tập" năm 2021.

Trong điều kiện cả xã hội đang căng mình chống dịch Covid-19, giáo viên và học sinh chuyển dạy – học trực tiếp sang trực tuyến cũng là cơ hội để học sinh phát huy khả năng tự học tại nhà với sự trợ giúp của giáo viên. Sự phát triển công nghệ thông tin đã đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Với quan điểm này, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Thư (huyện Thanh Oai) Phạm Vũ Phương đề nghị: “Công dân học tập là của mọi tầng lớp Nhân dân, vì thế rất cần sự quan tâm, chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Từ đó sẽ thấm nhuần lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Hội Khuyến học về công tác học tập, xã hội học tập, cộng đồng học tập, công dân học tập là trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc giữ gìn văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam”.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Quyết là bán bộ giảng dạy nghỉ hưu tại phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) cho rằng: Các tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cần phát huy hết vai trò nòng cốt, trách nhiệm của mình, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân là hết sức cần thiết để triển khai mô hình “Công dân học tập” diễn ra thuận lợi. “Công dân học tập” phải là cái đích hướng đến, chứ không phải là những cấp bậc học vấn đạt được. Từ đó, cần phải tạo ra những thiết chế, mô hình, chính sách, hệ sinh thái học tập suốt đời phù hợp cho mỗi người. “Công dân học tập” phải được hiểu là con người thực hiện nghĩa vụ học tập liên tục để phát huy tốt nhất những năng lực tiềm ẩn trong từng người” – ông Quyết nhấn mạnh.

Để mô hình “Công dân học tập” được triển khai rộng rãi, rất cần làm tốt công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của nó trong các tầng lớp Nhân dân. Công tác khuyến học  cần động viên người dân quan tâm nhiều hơn đến việc học của con cháu để giúp chúng thích nghi tốt trong điều kiện mới. Về phía mọi người tự nguyện đọc sách, báo để tìm kiếm thông tin, trau dồi kiến thức hoặc sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh để cập nhật, khai thác thông tin góp phần đẩy mạnh học tập suốt đời. Cũng cần tổ chức rộng rãi các lớp hướng nghiệp, dạy nghề để phát triển ngành nghề, thu hút lao động xây dựng kinh tế của Thủ đô và đất nước.