Công đoàn Viên chức TP: Tôn vinh những ý tưởng sáng tạo vì Thủ đô anh hùng

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Cuộc thi viết “Ý tưởng sáng tạo vì Thủ đô anh hùng, thành phố hòa bình” được tổ chức nhằm tạo cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, hiến kế đề xuất giải pháp sáng kiến, sáng tạo xây dựng Thủ đô ở 3 lĩnh vực: Cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, xây dựng thành phố sáng tạo và nét đẹp văn hóa của Hà Nội ngàn năm văn hiến. Sau 1 năm phát động, Cuộc thi thu hút hơn 200 tác giả tham dự, là những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên công đoàn, đoàn viên thanh niên, hội viên cựu chiến binh thuộc Khối các cơ quan Thành phố...

Hôm nay (7/10) tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Công đoàn Viên chức TP Hà Nội và báo Lao động Thủ đô tổ chức Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Ý tưởng sáng tạo vì Thủ đô anh hùng, thành phố hòa bình” và Triển lãm ảnh “Duyên dáng áo dài nữ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) Hà Nội”. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2020).
 Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật trao giải Đặc biệt cho tác giả Lê Trung Hiếu 
Tới dự có Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật; Ủy viên Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam Nguyễn Văn Đông; Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP, Chủ tịch LĐLĐ TP Bùi Huyền Mai…
 Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Bùi Huyền Mai trao giải Nhất cho 3 tác giả
Tại đây, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Phạm Bá Vĩnh cho biết, Cuộc thi viết “Ý tưởng sáng tạo vì Thủ đô anh hùng, thành phố hòa bình” được tổ chức nhằm tạo cơ hội để CBCCVC, người lao động (NLĐ) Thủ đô phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, hiến kế đề xuất giải pháp sáng kiến, sáng tạo xây dựng Thủ đô ở 3 lĩnh vực: Cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, xây dựng TP sáng tạo và nét đẹp văn hóa của Hà Nội ngàn năm văn hiến. Sau 1 năm phát động, Cuộc thi thu hút hơn 200 tác giả tham dự, là những CBCCVC, NLĐ, đoàn viên công đoàn, đoàn viên thanh niên, hội viên hội CCB thuộc Khối các cơ quan TP. Trong đó, 34 bài thuộc lĩnh vực cải cách hành chính, 58 bài lĩnh vực ứng dụng CNTT, 110 bài lĩnh vực xây dựng Thủ đô. Dù diễn ra trong điều kiện giãn cách xã hội, diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, song công tác thu nhận bài, tổ chức chấm ở hai vòng loại sơ khảo và chung khảo đã được tiến hành nghiêm túc theo đúng Thể lệ, Quy chế, đảm bảo tính khách quan, công tâm. Ban Tổ chức đã chọn ra 65 tác phẩm tiêu biểu, quyết định trao 1 giải Đặc biệt, 3 giải Nhất, 3 giải Nhì, 3 giải Ba, 6 giải Khuyến khích, 1 giải Tập thể; trao giấy khen cho 5 công đoàn cơ sở có thành tích triển khai tốt Cuộc thi.
 Chủ tịch Công đoàn Viên chức TP Hà Nội Phạm Bá Vĩnh trao giải cho các tập thể
“Các bài dự thi thể hiện tâm huyết của đội ngũ CBCCVC, NLĐ đóng góp những sáng kiến, giải pháp có tính khả thi, có khả năng áp dụng trong thực tế, đem lại hiệu quả trong các lĩnh vực mà Cuộc thi đề cập. Nhiều bài không chỉ được đầu tư về nội dung ý tưởng cùng các giải pháp khả thi mà còn được trình bày đẹp, có hình ảnh minh họa công phu, chứng tỏ có đầu tư nhiều về thời gian, công sức, trí tuệ, tỉ mỉ trong tra cứu tư liệu. Thông qua các bài dự thi thể hiện tinh thần trách nhiệm, chung sức, chung lòng phấn đấu xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại và phát triển bến vững của đội ngũ CBCCVC, NLĐ, đoàn viên Công đoàn Viên chức TP”- Phó Chủ tịch LĐLĐ TP khẳng định.
Theo Ban tổ chức, để làm nên sự thành công của Cuộc thi có góp phần không nhỏ của các cơ quan, đơn vị cũng như sự tích cực tham gia, hưởng ứng của đông đảo CBCCVC trên địa bàn TP. Trong đó là những tác giả đã có những ý tưởng, sáng kiến cống hiến vì sự phát triển Thủ đô.
 Các tác giả giao lưu với khán giả
Tại lễ trao giải, các tác giả đã giao lưu, chia sẻ về những ý tưởng của mình cũng như việc triển khai ý tưởng đó trong thực tiễn. Đáng chú ý, tác giả Lê Trung Hiếu - Phó trưởng Ban, Chủ tịch Công đoàn Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - người đã gửi đến Cuộc thi ý tưởng “Để Hà Nội có một giao lộ leng keng” với mong muốn tạo nên một nét văn hoá, văn minh của Thủ đô cho hay: Ý tưởng này xuất phát từ ký ức đẹp tuổi thơ với hình ảnh tàu điện trên phố của Hà Nội gắn liền với bao thế hệ. Đáng tiếc là những nét đẹp hoài cổ của tàu điện leng keng đang dần phai nhạt, ngày càng ít người biết đến tàu điện Bờ Hồ và tiếng leng keng gần gũi của nó. Nếu không muốn ký ức đẹp đó một ngày nào sẽ hoàn toàn tan biến, hồn cốt Hà Nội thực sự mất đi một nét cổ kính, lãng mạn, TP cần có một nơi lưu giữ. Đại diện đơn vị có nhiều bài dự thi đạt chất lượng cao, Trưởng phòng Quản lý di sản Văn hóa (Sở VH-TT Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh thì bày tỏ: “Cuộc thi là một sáng tạo, đã tiếp cận với tầm nhìn thế giới. Chắc chắn khi chúng tôi báo cáo kết quả trao giải hôm nay với tổ chức UNESCO, họ sẽ đánh giá rất cao những ý tưởng chúng ta thực hiện. Thời gian tới, Sở sẽ triển khai kế hoạch, xây dựng lộ trình, thời gian, phân công nhiệm vụ cho từng đoàn viên cố gắng phát triển những ý tưởng từ Cuộc thi”.

 Khách tham quan Triển lãm ảnh “Duyên dáng áo dài nữ cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội”
 Trước khi diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi, Triển lãm ảnh “Duyên dáng áo dài nữ CBCCVC Hà Nội” đã được trưng bày và tiến hành bình chọn. Có 43 tác phẩm ảnh tham gia Triển lãm và bình chọn. Đây là hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, 10 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và là hoạt động hưởng ứng sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”. Sau quá trình bình chọn của đại biểu, Ban tổ chức đã trao các giải Nhất, Nhì, Ba cho những đơn vị tham gia Triển lãm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần