Cộng đồng mạng không vô can

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối cùng thì câu chuyện về “bác sĩ Khoa” được lan truyền trên mạng đêm 7/8, lấy khá nhiều nước mắt, sự xúc cảm và cả ý định ủng hộ về vật chất của cư dân mạng, đã lộ rõ là một câu chuyện giả tạo.

Tệ hại hơn, nó còn nằm trong chuỗi chiêu trò của một nhóm người nhằm lừa đảo, nhân danh làm từ thiện, đặc biệt là hỗ trợ những cảnh ngộ khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ để đưa những kẻ lừa đảo ra ánh sáng.
Điều đáng nói là dù câu chuyện "bác sĩ rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ" cũng như một số cảnh ngộ thương tâm khác lan truyền trên mạng xã hội thời gian qua là giả tạo, nhưng tài khoản facebook "Trần Khoa" là thật, từng tồn tại trên mạng xã hội. Nó còn nằm trong một nhóm có tên "nhà 82" chuyên “sáng tác”, đăng tải thông tin sai sự thật với mục đích lừa đảo.

Dù chỉ mắc lỗi để cảm xúc đi trước, thiếu kiểm chứng thấu đáo nguồn tin dẫn tới vô ý chia sẻ thông tin giả mạo nói trên, các chủ thể đăng ký và sử dụng tài khoản facebook “Nguyễn Đức Hiển” và “Hoàng Nguyên Vũ” đã phải gỡ bài và đăng lời xin lỗi cộng đồng mạng. Ngay sau đó, Thanh tra sở TT&TT TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai chủ tài khoản này với mức 5 triệu đồng/người.

Vụ việc “bác sĩ Khoa” đã thêm một lần làm rõ bộ mặt của những kẻ chuyên sản xuất tin giả, vì những mục đích không trong sáng, thậm chí là vụ lợi. Không còn nghi ngờ gì nữa về những tác động tiêu cực mà loại tin này đã gây ra. Vấn đề là dù bị vạch mặt, lên án không ít lần, nhưng tại sao những tin giả kiểu trên vẫn xuất hiện, vẫn được chia sẻ, nhất là những tin giả gây hoang mang, bất ổn trong thời điểm dịch bệnh đang hoành hành?

Có thể nói, một trong những nguyên nhân của tình trạng nói trên là từ cách ứng xử của nhiều cư dân mạng. Hay nói cách khác, trong câu chuyện này cộng đồng mạng không vô can.

Không kể chủ hai trang facebook lan truyền tin giả này đã bị xử lý, những người nổi tiếng đã vô tình tiếp tay cho hành vi lừa đảo này, những “anh hùng bàn phím” coi đây là một cơ hội để chứng tỏ mình, trong câu chuyện “bác sĩ Khoa” cư dân cộng đồng mạng cũng cần nhận rõ trách nhiệm của mình, ít nhất là trong hai trường hợp sau:

Thứ nhất, khá đông, là những người có tấm lòng trắc ẩn, luôn sẵn sàng sẻ chia sẻ sự cảm thông với những mảnh đời bất hạnh, những người luôn tin và mong chờ những nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống và cũng vì thế mà dễ bị mắc lừa bởi hành vi giả mạo. Như một nhà báo nhận lỗi: Để cảm xúc đi trước, vô tình like, comment, share để tin giả này lan rộng. Dù là nạn nhân của lòng trắc ẩn của chính mình, họ cũng ít nhiều đáng trách.

Nhóm thứ hai, ít hơn nhưng đáng trách hơn, bằng đầu óc tỉnh táo, với những kiến thức nhất định, họ đã nghi ngờ, thậm chí biết rõ đây là tin giả song vẫn im lặng. Họ chỉ lên tiếng bày tỏ, khẳng định suy nghĩ, cảm nhận của mình sau khi có người phát hiện và cơ quan chức năng xác nhận sự giả tạo của câu chuyện về bác sĩ Khoa. Giá như, ngay từ đầu họ lên tiếng, dù chỉ là sự cảnh báo rất thận trọng thì cái tin giả này đã không lan truyền mạnh, lấy đi sự an nhiên và nước mắt của nhiều người như thế trong cái đêm 7/8 ấy. Tất nhiên, họ cũng có lý do khi xử sự như vậy. Nếu không cẩn thận, khi tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực của một câu chuyện “đầy tính nhân văn”, một “nghĩa cử cao đẹp” như thế từ một bác sĩ trong đội ngũ tuyến đầu chống dịch họ có thể bị những “anh hùng bàn phím” lên án, ném đá, thậm chí là xỉ vả một cách thậm tệ.

Có một thực tế là trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, mọi người phụ thuộc nhiều hơn vào mạng xã hội. Bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội cũng đem lại những tác động tiêu cực, trong đó có nạn tin giả. Câu chuyện giả tạo về “ bác sĩ Khoa” thêm một lần nhắc nhở mỗi cư dân mạng nhận rõ trách nhiệm của mình. Tỉnh táo, có hành động phù hợp chung tay loại bỏ tin giả, thanh lọc mạng xã hội cũng là cách tích cực góp phần chiến thắng dịch bệnh.