GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, BĐS muốn làm gì cũng phải công khai, minh bạch. Theo ông, nút thắt nào của thị trường BĐS sẽ phải tháo gỡ đầu tiên? - Theo tôi, nhiệm vụ quan trọng nhất mà chúng ta phải làm với thị trường BĐS hiện nay chính là tìm mọi cách để giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu. Có giải tỏa được kho BĐS tồn đọng mới hy vọng thay đổi được các lĩnh vực khác của nền kinh tế, trong đó có cả việc vực dậy thị trường sắt thép, xi măng, cửa kính, gạch ốp... vật liệu xây dựng. Sau đó là tăng cung bằng các biện pháp hỗ trợ cụ thể, thực tế đối với cả người bán và người mua.
Mới đây, các ngân hàng đã vào cuộc, đi đầu là BIDV rót 30.000 tỷ đồng cho mục tiêu giải cứu thị trường BĐS. Vậy đây có thực sự là cứu cánh của BĐS thời gian tới?
- Đó là việc làm hết sức thực tế. Ở một mức độ nào đó, khoản vay sẽ có những tác động đáng kể đến thị trường BĐS, mở lối giúp tháo gỡ khó khăn, tắc nghẽn. Bộ Xây dựng ký gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thực ra là đứng bảo lãnh cho khoản vay, để tăng độ tin cậy đối với ngân hàng. Khoản vay này, một mặt tiếp cho bên cầu, mặt khác hỗ trợ cho các chủ đầu tư của dự án cũ, để có thể giải quyết tồn kho BĐS theo các hướng giải pháp mà Bộ Xây dựng đã đề xuất. Cụ thể, dự án nào sắp hoàn thành thì sẽ cố gắng hoàn thành. Dự án nào kém năng lực, không thể tiếp tục thì dừng lại. Dự án nào chuyển công năng sang loại hình khác như nhà cho thuê, trung tâm thương mại, nhà công vụ... sau khi xem xét mức độ cần hỗ trợ sẽ có biện pháp cụ thể. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng luôn cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ để thực hiện cho đúng mục tiêu.
Một góc Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên.Ảnh: Hà Nguyên
Nhiều ý kiến cho rằng, thực sự các giải pháp của Chính phủ chưa hiệu quả, ông nghĩ sao về điều này? - Dư luận chỉ quan tâm đến một việc là đừng lấy tiền thuế của dân cho không các chủ đầu tư, theo tôi chuyện đó hoàn toàn không có. Hỗ trợ trực tiếp lãi suất cho người mua BĐS là việc cần thiết, giải pháp tốt và sẽ tạo khả năng thanh toán. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cũng rất cần nguồn vốn này, do họ đang vào thời điểm khó khăn, chỉ cần có khả năng tiếp cận vốn với nguồn ưu đãi là tháo gỡ được BĐS tồn đọng. Việc cần thiết cho nhà đầu tư vay hay không, chúng ta phải nhìn dưới góc độ rộng hơn. Không ai ủng hộ cơ chế cho không các chủ đầu tư ở bất kỳ khoản tiền nào. Mặt khác, cần hỗ trợ tài chính, vốn ưu đãi cho các chủ đầu tư giải quyết hàng tồn qua việc chuyển công năng nhà ở, chia nhỏ căn hộ, hoàn thành các dự án dở dang. Tóm lại, câu chuyện ở đây không phải cứu chủ đầu tư mà là cứu nền kinh tế Việt Nam. Và việc giải quyết khâu tắc nghẽn của thị trường BĐS, cứu chủ đầu tư phải luôn luôn dựa trên hai nguyên tắc: Minh bạch và công bằng. Chuyển sang làm nhà ở xã hội, doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều ưu đãi từ phía Nhà nước nên rất nhiều doanh nghiệp muốn xin chuyển đổi. Vậy làm gì để quản lý việc này? - Chuyển đổi nhà thương mại sang nhà ở xã hội là biện pháp vừa tăng nguồn cung về nhà ở xã hội vừa giải quyết được kho hàng tồn BĐS. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào muốn chuyển đổi là được, mà Nhà nước cần có những quy định cụ thể, xem xét và cân đối năng lực của chủ đầu tư để lựa chọn. Việc lựa chọn này cũng phải giữ vững tiêu chí minh bạch và công bằng. Mặt khác chuyển nhà ở thương mại sang nhà xã hội cũng phải gắn với việc điều chỉnh giá cả phù hợp, vì người mua nhà xã hội thường là người thu nhập trung bình, thấp, không thể trả với mức giá cao như nhà ở bình thường. Vậy theo ông, mức giá nhà xã hội bao nhiêu thì hợp lý? - Chúng ta thấy rằng, khi Đại Thanh đưa ra giá 10 triệu đồng/m2, họ bán hết ngay số hàng dự tính đó và cả số hàng giá dưới 11,5 triệu đồng/m2 cũng rất được chú ý. Mới đây, chủ đầu tư dự án chung cư Đại Thanh lại tiếp tục tung ra thị trường 200 căn mức giá 10 triệu đồng/m2. Hướng đi đúng đắn này, hiện nay được nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư đi theo. Năm 2013 sẽ là năm giá của nhà đất cấp thấp, tức là mức giá từ 7 - 11 triệu đồng/m2, nhà giá rẻ sẽ lên ngôi. Với những giải pháp khơi thông vừa qua, ông đánh giá tình hình thị trường BĐS thời gian tới sẽ như thế nào? - Năm 2013, thị trường sẽ tiếp tục trầm lắng nhưng phải thực hiện tốt ba vấn đề: Giải quyết lượng BĐS tồn kho gắn với giải quyết nợ xấu; Cơ hội phát triển phân khúc nhà ở giá thấp làm ấm lại thị trường và các giải pháp hỗ trợ từ phía quản lý Nhà nước. Song song với đó là đảm bảo hai nguyên tắc minh bạch và công bằng. Có như vậy, thị trường BĐS 2013 mới hy vọng ấm lên. Đây là bước đi dài, phải mất 1 - 2 năm, thậm chí có thể dài hơn nữa. Còn đối với các chủ đầu tư, năm 2013 họ sẽ phải làm gì? - Các chủ đầu tư lại tiếp tục quá trình thanh lọc, tái cấu trúc. Đây là chuyện vẫn diễn ra hàng năm, nhưng năm nay cần làm quyết liệt và rõ ràng hơn, có tính chuyên nghiệp cao hơn, đầy đủ thông tin minh bạch, loại bỏ tham nhũng và đầu cơ. Đồng thời cân đối lại nguồn vốn, cơ cấu lại sản phẩm đánh trực tiếp nhu cầu của người dân. Xin cảm ơn ông!