Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa - ngành nâng tầm cuộc sống

Nguyễn Ngọc Chung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong số rất nhiều ngành học thuộc khối kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa được biết đến với tên gọi “ngành nâng tầm cuộc sống”; lý do bởi ngành này luôn song hành với sự phát triển của khoa học công nghệ và cuộc sống hiện đại.

Vai trò quan trọng

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có 3 trụ cột quan trọng nhất: Công nghệ thông tin - Tự động hóa - Trí tuệ nhân tạo. Điều đó càng khẳng định, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa đang là 1 trong 5 ngành hot nhất của khối kỹ thuật hiện nay.

Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (gọi tắt là ngành tự động hóa hay ngành kỹ thuật tự động hóa) là ngành học liên quan đến việc ứng dụng các kỹ thuật cơ khí hiện đại, kỹ thuật điều khiển và kỹ thuật máy tính vào vận hành và điều khiển quá trình sản xuất. Ngành này tập trung vào việc thiết kế, phát triển các hệ thống tự động hóa trong quy trình sản xuất công nghiệp, sản xuất hàng hóa tại các nhà máy; thiết kế, vận hành và điều khiển robot, quản lý các công ty trong và ngoài nước kinh doanh về các thiết bị điện tử.

Ngành tự động hóa có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đầu tiên, nó giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất. Khi được tự động hóa, quy trình sản xuất thực hiện nhanh chóng, ít sai sót, giảm chi phí vận hành, nhân công.

Nhiều học sinh quan tâm đến ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa. Ảnh: Nguyễn Ngọc Chung
Nhiều học sinh quan tâm đến ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa. Ảnh: Nguyễn Ngọc Chung

Tự động hóa còn giúp cải thiện chất lượng sản xuất. Các hệ thống điều khiển và tự động hóa giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt hơn, đảm bảo quy trình sản xuất tốt nhất; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ uy tín cho sản phẩm và thương hiệu của đơn vị DN.

Không những vậy, tự động hóa còn tăng cường an toàn và tiết kiệm năng lượng. Cụ thể, hệ thống tự động hóa sẽ đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành và làm việc. Từ đó, hạn chế vấn đề rủi ro, giảm nguy cơ tai nạn lao động trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, tự động hóa giúp tối ưu việc sử dụng năng lượng, tiết kiệm chi phí vận hành và nguyên liệu. Nó còn góp phần giải quyết các vấn đề phức tạp. Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa cung cấp các công cụ kỹ thuật giải quyết vấn đề thiết kế các hệ thống kiểm tra; phát triển các kỹ thuật toán thông minh giải quyết vấn đề liên quan đến dữ liệu.

Luôn được đánh giá là một trong những ngành hot nhất trong khối trường đào tạo kỹ thuật nên tự động hóa thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh và phụ huynh. Có thể điểm qua các trường đại học (ĐH) uy tín đào tạo ngành này như: ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Trường ĐH Điện lực, Học viện Kỹ thuật quân sự…

Một điểm lợi thế nữa, đó là tổ hợp vào ngành tự động hóa rất đa dạng, gồm: A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, tiếng Anh, lý), B00: (toán, hóa, sinh), C01 (toán, văn, lý), D01 (toán, văn, tiếng Anh); D07 (toán, hóa, tiếng Anh), D10 (toán, địa, tiếng Anh)…

Do có phần lớn thời gian học tập thiên về thực hành nên các trường đào tạo ngành này phải đáp ứng yêu cầu đặc biệt cao về cơ sở vật chất, như phải có hệ thống phòng thực hành, thí nghiệm với nhiều máy móc, trang thiết bị theo kịp sự phát triển của công nghệ…

Hấp dẫn về mức lương và cơ hội việc làm

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ngành tự động hóa có thu nhập cao và không bao giờ sợ thất nghiệp ở cả hiện tại và tương lai. PGS.TS Võ Thu Hà - Trưởng Khoa Điện Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp còn tiết lộ, chuyên ngành tự động hóa thường xuyên được nhà tuyển dụng lấy người ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Cơ hội nghề nghiệp của các kỹ sư sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa rất mở rộng ở nhiều vị trí như: kỹ sư thiết kế, vận hành, bảo trì kỹ thuật ở các dây chuyền sản xuất hiện đại trong công nghiệp; chuyên viên tư vấn, thiết kế, phân tích mô phỏng hoặc cán bộ quản lý kỹ thuật tại các nhà máy, tập đoàn, công ty thương mại dịch vụ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; chuyên viên tự động hóa; kỹ thuật viên chuyên bảo trì điện – tự động hóa; quản lý, kinh doanh Robot tự động; giảng viên ĐH…

Đặc biệt, các kỹ sư điều khiển và tự động hóa có thể làm việc phù hợp ở các dây chuyền sản xuất hiện đại trong công nghiệp như: dây chuyền lắp ráp ô tô, vận hành nhà máy điện, tự động hóa phục vụ hàng không, các nhà máy chế biến thực phẩm, trong ngành dầu khí, dây chuyền sản xuất xi măng, dây chuyền sản xuất giấy, dệt, dây chuyền xử lý nước thải…

Trong nông nghiệp, có thể thiết kế hệ thống tự động hóa trong trồng rau sạch, hệ thống điều khiển sinh trưởng của các loại cây… hoặc vận hành, thiết kế hệ thống tự động hóa đèn giao thông TP, hệ thống điều khiển và tín hiệu giao thông…

Để theo đuổi ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, học sinh cần có kiến thức về toán học, vật lý và cơ khí để có thể hiểu được các nguyên tắc cơ bản của các thiết bị, máy móc và hệ thống điều khiển trong ngành. Ngoài ra, kiến thức về điện tử, máy tính và lập trình cũng là rất quan trọng. Khi trở thành chuyên gia trong ngành cần phải có hiểu biết sâu về các loại cảm biến và các thiết bị điện tử để có thể thiết kế và hoạt động các hệ thống điều khiển và tự động hóa.

Ngoài kiến thức chuyên môn, để thành công trong ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, như các ngành khác, học sinh cũng cần có các kỹ năng mềm như: kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, sáng tạo, kiên trì, ham học hỏi… để quá trình làm việc, hợp tác đạt hiệu quả cao hơn.

 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ra đời cùng với sự phát triển như vũ bão của các phương thức sản xuất và kinh doanh mới, luôn gắn với các hệ thống thông minh và tự động hóa dần dần sẽ có mặt trong tất cả những dây chuyền của các ngành kinh tế khác nhau. Có thể khẳng định tự động hóa và tin học có vai trò then chốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Không phát triển lĩnh vực này, chúng ta không thể nắm bắt được những cơ hội và vượt qua những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để bứt phá và phát triển…
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội)

Đa dạng trong nhiệm vụ đồng nghĩa với sự đa dạng trong vị trí, cơ hội làm việc. Việt Nam đang ở thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong khi đó nguồn nhân lực chất lượng cao về các ngành công nghệ, kỹ thuật còn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Các chuyên gia luôn đánh giá công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là lĩnh vực cần đẩy mạnh phát triển nên ngành này có tiềm năng rất lớn trong tương lai.