70 năm giải phóng Thủ đô

Công nghệ sinh học - chìa khoá tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành tựu công nghệ sinh học không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Trong tương lai, công nghệ sinh học sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc giúp ngành nông nghiệp đối phó với những thách thức.

Ngày 5/10, Bộ NN&PTNT giao Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Đại biểu tham dự diễn đàn do Bộ NN&PTNT chỉ đạo tổ chức ngày 5/10.
Đại biểu tham dự diễn đàn do Bộ NN&PTNT chỉ đạo tổ chức ngày 5/10.

Cản trở chính là nhận thức

Công nghệ sinh học là một công cụ khoa học mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây, làm thay đổi diện mạo của ngành nông nghiệp thế giới. Chế phẩm sinh học được sử dụng rộng rãi trong cả trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản như một giải pháp hiệu quả để phát triển bền vững.

Nuôi cấy mô đã trở thành ngành công nghiệp ở nhiều nước để nhân giống cây trồng sạch bệnh và chất lượng ổn định. Công nghệ gen được áp dụng rộng rãi trong chọn tạo giống. Công nghệ sinh học đã đem lại nhiều lợi ích, trong đó góp phần tăng mạnh năng suất nhiều loại cây trồng, nổi bật là ngô, đỗ tương và bông, đồng thời cho phép giảm lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...

TS Cao Đức Phát - Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) nhìn nhận, thực tiễn thời gian qua cho thấy, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã quan tâm chỉ đạo nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học. Công nghệ sinh học được sử dụng trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp. Năng lực phát triển công nghệ sinh học được nâng cao, cả về nhân lực, trang thiết bị và thể chế.

Lợi ích của việc sử dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo TS Cao Đức Phát, điều đáng tiếc lại là việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp nước ta quá chậm, khoảng cách với thế giới có xu hướng doãng ra. Cản trở chính là nhận thức.

“Khác với 20 năm trước, nay nước ta đã có được đội ngũ khá đông đảo các nhà khoa học, kỹ thuật viên được đào tạo khá bài bản, nhiều phòng thí nghiệm được trang bị khá hiện đại. Vấn đề chính là phải quán triệt và nghiêm túc thực hiện các chủ trương do Đảng, Chính phủ đề ra, xóa bỏ mặc cảm, đầu tư thỏa đáng, tháo gỡ các rào cản pháp lý để công nghệ sinh học Việt Nam cất cánh cùng thế giới…” - TS. Cao Đức Phát bày tỏ quan điểm.

Công nghệ sinh học được xem là tương lai của ngành nông nghiệp.
Công nghệ sinh học được xem là tương lai của ngành nông nghiệp.

Cần cái bắt tay của 3 nhà

Chia sẻ tại diễn đàn, TS Đỗ Tiến Phát - Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật (Viện Công nghệ sinh học), cho rằng để đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, ngành Nông nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học.

Những tiến bộ như công nghệ chỉnh sửa gen (CRISPR) hay các giải pháp nông nghiệp chính xác sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời giúp ngành này thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Việc ứng dụng công nghệ sinh học không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là chìa khóa để Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và cạnh tranh cao.

Nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp vẫn còn nhiều thách thức, PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cũng nhấn mạnh cần xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ sinh học và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án nghiên cứu mới. Việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam dựa trên nền tảng công nghệ sinh học cũng là một yếu tố quan trọng để gia tăng giá trị và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cũng đã có những chia sẻ về các thành tựu nổi bật, trong đó đáng chú ý là việc cải tiến giống cây trồng thông qua ứng dụng công nghệ sinh học. Nhiều giống cây mới đã được phát triển với khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Công nghệ sinh học cũng đã được ứng dụng vào việc bảo quản nông sản sau thu hoạch, giảm thiểu tổn thất và gia tăng giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, các giải pháp công nghệ vi sinh đã được triển khai rộng rãi, giúp cải thiện chất lượng đất và giảm thiểu việc sử dụng phân bón hóa học, từ đó nâng cao tính bền vững của hệ thống canh tác.

 

“Chúng tôi đánh giá cao định hướng và những chương trình hành động của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy ứng dụng các giải pháp cây trồng công nghệ sinh học. Đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục được đồng hành trong những chương trình hợp tác công tư nhằm thúc đẩy nông nghiệp bền vững...” - Bà Sonny Tababa, Giám đốc Công nghệ Sinh học CropLife châu Á.